Di tích - Thắng cảnh

Chào đón du khách về trẩy hội Chùa Hương Tích mùa lễ hội 2015

Chùa Hương Tích thuộc địa phận xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, cách thành phố Hà Tĩnh về phía Đông Bắc khoảng 25 km, cách thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An khoảng 30 km về phía Đông Nam. Chùa Hương Tích nằm ở vị trí đặc biệt nhất trong dãy Hồng Lĩnh. Du khách đến với Chùa Hương Tích Can Lộc – Hà Tĩnh là đến với Núi Hồng huyền thoại với 99 đỉnh non cao gắn với sự tích 100 chim phượng hoàng bay về tìm chốn đậu, đến với danh thắng “Hoan Châu đệ nhất danh lam”. Du khách sẽ được đắm mình trong thiên nhiên đất trời hòa quyện, với cõi phật linh thiêng, được nghe truyền thuyết về nàng Chúa ba Diệu Thiện hóa phật cứu độ chúng sinh và thưởng ngoạn vẻ đẹp hoang sơ, kỳ vĩ của một vùng “địa linh nhân kiệt”. Vẻ đẹp của danh thắng Chùa Hương được Vua Minh Mạng chọn khắc vào một trong chín đỉnh đồng đặt ở sân Thái Miếu Kinh đô Huế.

Upload

Toàn cảnh Chùa Hương Tích – Can Lộc

Truyền thuyết kể lại rằng, khoảng 500 năm trước Công nguyên, vua Sở Trang Vương sinh được ba người con gái là Diệu Ân, Diệu Duyên và Diệu Thiện. Khi ba công chúa đã trưởng thành, vua cha gả hai người chị cho hai quan trong triều. Đến lượt công chúa Diệu Thiện, vua muốn gả cho một viên quan võ có tài thao lược để sau này chăn dắt muôn dân. Biết tên quan võ kia là kẻ độc ác, nàng không tuân theo ý vua cha. Mặt khác, Diệu Thiện đã thề non, hẹn biển với quan ngự y Triệu Chấn – một người có tài, có đức, nhưng không được Trang Vương chấp thuận. Không nghe theo sự sắp đặt của vua cha, bị ruồng rẫy, phẫn chí Diệu Thiện bỏ ra ở chùa đi tu. Theo lệnh vua, viên quan võ đem quân đi trừng trị nàng. Hắn phóng hỏa đốt chùa. Nhưng Diệu Thiện và các tăng ni được Phật Tổ che chở cứu thoát. Phật tổ lại sai Bạch hổ đưa nàng trốn sang đất Việt Thường. Đến vùng núi Ngàn Hống, bên dòng suối Hương Tuyền và nghỉ chân ở đó, người đời sau gọi là trạm nghỉ Phật bà (Miếu Cô). Sau đó Thần Hổ lại đưa Diệu Thiện lên động cao Đá Đôi và ẩn thân trong hang đá. Sau nhiều lần hỏa hoạn, Diệu Thiện lại được Thần Hổ đưa xuống động Hương Tích tu hành, chẳng bao lâu nổi tiếng là vị sư cô từ bi bác ái. Giữa lúc ấy, vua Trang Vương bị bệnh nặng, thầy thuốc bảo phải có tròng mắt và bàn tay của một người con gái tự nguyện hiến dâng mới cứu nổi tính mệnh. Hai con gái lớn không ai chịu hy sinh. Nghe tiếng ni cô ở Việt Thường, vua liền sai người sang cầu xin, Diệu Thiện biết cha mình độc ác, nhưng do lòng từ bi hỉ xả cứu vớt chúng sinh, bèn móc mắt, chặt bàn tay mình đem cho sứ giả… Vua được thuốc, khỏi bệnh sai người sang tạ ơn, mới biết người cứu vua chính là Diệu Thiện… Đức Phật cảm tạ tấm lòng của Diệu Thiện bèn ban phép cho mắt nàng sáng lại, bàn tay nàng mọc ra… ngày 18/2 âm lịch Diệu Thiện hóa thân, trở thành Phật Quan Âm ngàn mắt, ngàn tay. Cảm động trước tấm lòng và sự hy sinh của cô con gái út, Sở Trang Vương đã sang Ngàn Hống xây dựng chùa ở động Đá Đôi, người đời sau gọi là “Trang Vương lập tự”.

Từ lâu Chùa Hương Can Lộc – Hà Tĩnh đã gắn bó mật thiết với đời sống tinh thần và tâm linh của người dân xứ Nghệ, là địa chỉ hành hương quen thuộc của du khách thập phương trong và ngoài tỉnh, đặc biệt là những năm gần đây Chùa Hương là Khu du lịch thu hút đông đảo du khách đến không những cầu khấn, tạ lễ mà còn thưởng ngoạn tiên cảnh kỳ vĩ. Vào dịp đầu xuân năm mới, các dịp lễ và nhất là vào lễ hội, hàng vạn lượt người về thắp hương lễ phật, cầu xin cuộc sống bình an và no đủ. Riêng với người Hà Tĩnh, chùa Hương Tích được xem là “Bàn thờ gia tiên”, dù ở đâu lòng người Hà Tĩnh vẫn luôn hướng về ngôi chùa linh thiêng này như hướng về nguồn cội.

Qua truyền thuyết, sử sách và hiện vật khảo cổ học chứng minh Chùa Hương Can Lộc – Hà Tĩnh được xây dựng vào thời nhà Trần và sau được trùng tu, sửa chữa vào thời Lê Trung Hưng. Năm Ất Dậu (1885) Chùa Hương bị hoả hoạn, cháy hoàn toàn. Năm Tân Sửu (1901) Tổng đốc An Tĩnh là Đào Tấn đứng ra kêu gọi nhân dân xây dựng lại Chùa Hương. Năm 1990, được Bộ Văn hoá – Thông tin nay là Bộ Văn hóa,Thể thao và Du lịch cộng nhận là di tích cấp Quốc gia. Năm 2009, UBND tỉnh Hà Tĩnh ban hành quyết định Khu du lịch Chùa Hương Tích là khu du lịch cấp tỉnh.Từ năm 2003, Chùa Hương được trùng tu, tôn tạo như ngày hôm nay.

Quần thể danh thắng di tích Chùa Hương Tích Can Lộc – Hà Tĩnh gồm nhiều công trình khác nhau. Quãng đường từ BQL Khu du lịch Chùa Hương lên đến Chùa Hương Tích gần 3,5km, trên hành trình về với cõi Phật, du khách và phật tử có thể chọn lựa hành trình cho mình theo sở thích, đi bộ hoặc là đi thuyền và cáp treo. Nếu du khách chọn đi thuyền và cáp treo xin mời du khách lên thuyền bồng bềnh trên hồ Nhà Đường gần 2km, một hồ nước lớn có dung tích 3,8 triệu m3, du khách sẽ được thỏa sức ngắm mặt hồ mênh mông, xanh thẳm, tiếp đến du khách bộ hành trên quảng đường gần 1km là đến ca bin cáp treo, có chiều dài  gần 1km với thiết bị, linh kiện, hiện đại tiên tiến nhất Châu Âu. Từ độ cao của hệ thống capin cáp treo, du khách sẽ cảm nhận được vẻ đẹp kỳ vỹ của 99 đỉnh núi Hồng huyền thoại hòa quyện với tiên cảnh bồng lai của đất và người dân Can Lộc, tạo cho du khách một chuyến hành hương về với cõi phật linh thiêng đầy thú vị. Còn du khách nào muốn thử sức mình khi lên chốn bồng lai tiên cảnh, về với cõi phật linh thiêng bằng đôi chân dẻo dai thì mời hành hương bằng đường bộ.

Upload

Du khách trẩy hội Chùa Hương

 Bắt đầu chuyến hành trình, chúng ta đến thắp hương ở Miếu Cửa Rừng để trình báo và cầu nguyện chư vị thần linh phù hộ cho chuyến hành hương lên đất phật được bình an tốt đẹp. Đoạn đường từ Miếu Cửa Rừng đến Trạm nghỉ Phật bà tương đối bằng phẳng, hai bên đường rừng thông xanh rì rào trong gió. Khi đến động Soi (dân địa phương gọi là Trại Dê) chúng ta bắt gặp một ngã ba nhỏ, lối đi về phía Tây là đường lên Am Giác Phổ (Am Bát Cảnh) được xây tại động Trúc. Am Giác Phổ được xây vào thời Trần (1282) đời vua Trần Nhân Tông, ngày nay dường như còn nguyên vẹn.

Tại Động Soi, đường đi thẳng là lên Trạm nghỉ Phật bà (tên thường gọi là Miếu Cô), nằm bên dòng suối Hương Tuyền, phía dưới là khe Quỷ Khóc, phía trên là một Am nhỏ, tương truyền là điểm dừng chân của Diệu Thiện trước khi được Thần Hổ Trắng đưa lên Hương Tích. Đoạn đường từ trạm nghỉ Phật bà lên Hương Tích Tự dài khoảng 1km. Từ đây du khách và phật tử phải trải qua một chặng đường dốc khá gian nan vất vả nhưng lại rất lý thú và ý nghĩa.

Chùa chính Hương Tích bao gồm các điện thờ, ban thờ và am thờ. Điểm gặp đầu tiên là cái sân rộng, bằng phẳng, người ta gọi là Bãi chợ Trời. Theo quan niệm của nhà Phật, đây là chợ Âm phủ, nơi gặp gỡ của các linh hồn. Từ Bãi chợ Trời, bước lên 97 bậc đá lên Chùa, đầu tiên là nhà Bái đường và Tam Bảo nơi thờ các tượng Phật (như Thập bát long thần, hộ pháp, Đức Thánh quan, Đường Tăng, Nam Tào Bắc đẩu, Quan thế âm). Về phía trái nhà Bái đường (phía Tây) là nhà thờ Tổ – nơi thờ các đức thánh và các nhà sư trụ trì ở chùa đã viên tịch. Phía phải (phía Đông) nhà Bái đường là Ban chúng sinh (Hàn Lâm sở), nơi cúng cô hồn, tượng Thần Hổ và Điện Thánh Mẫu (về phía Bắc). Ở trên cao là Am Diệu Thiện (Am Phật bà) – nơi Diệu Thiện hóa Phật. Du khách dâng lễ vào Tam bảo, sau đó thắp hương trước cửa Tiền đường, kế đến là các cung Thánh Mẫu, Tổ sư, Thần Bạch hổ, chúng sinh và Am Phật Bà. Phía Tây cách khoảng 200 -300m có giếng trời, nơi cung cấp nguồn nước sinh hoạt của Chùa Hương và Am Dược sư, nơi cư trú của Triệu Chấn khi đến Ngàn Hống tìm thuốc trị bệnh cứu người. Từ chùa đi về phía Bắc lên 380 mét là Nền Trang Vương – địa điểm xây Chùa Hương đầu tiên, được gọi là Trang Vương lập tự.

Upload

Hệ thống cáp treo phục vụ du khách

Trong những năm qua, Chùa Hương Tích Can Lộc – Hà Tĩnh được đón nhận rất nhiều sự quan tâm giúp đỡ của các cấp và nhiều tổ chức, cá nhân trong cả nước đầu tư xây dựng, trùng tu, tôn tạo như: trùng tu, xây dựng nhà bái đường trước Am Phật Bà gần 1 tỷ đồng; Tập đoàn Vingruop của doanh nhân Phạm Nhật Vượng đang xúc tiến đầu tư phục dựng lại Chùa cũ trên Nền Trang Vương với kinh phí hơn 30 tỷ đồng; Công ty đầu tư và phát triển Du lịch Hồng Lĩnh đầu tư trên 3 tỷ vào việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng nhà ga, khuôn viên sân vườn…. Năm 2015, dự án đầu tư của Ngân hàng Á Châu – ADB dự kiến với nguồn vốn khoảng trên 150 tỷ đồng về nâng cấp hạ tầng và cải thiện môi trường Khu du lịch Chùa Hương, cùng với hệ thống capin cáp treo hiện đại hứa hẹn Chùa Hương Tích Can Lộc – Hà Tĩnh đã trở thành điểm tham quan vãn cảnh hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Tạo cho Chùa Hương Tích Can Lộc – Hà Tĩnh không chỉ có giá trị phi vật thể mà cả giá trị cả về vật chất, một cơ sở khang trang, một diện mạo mới để du khách đến đây ngưỡng vọng tâm linh và thưởng ngoạn phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp của quê hương Can Lộc.

Can Lộc – Hà Tĩnh là huyện có bề giày truyền thống lịch sử, văn hóa, cách mạng, có tiềm năng du lịch khá phong phú, đa dạng để phát triển các loại hình du lịch, với 61 di tích lịch sử văn hóa đã được xếp hạng, trong đó 13 di tích cấp Quốc gia, 48 di tích cấp tỉnh. Cùng với các điểm du lịch như: Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc, Ngã ba Nghèn, Khu du lịch sinh thái Sông Nghèn… tạo nên một quần thể du lịch của huyện Can Lộc có giá trị. Cùng với du lịch tỉnh Hà Tĩnh, năm 2014, Khu du lịch Chùa Hương Tích đã đón trên 18 vạn lượt khách về tham quan, vãn cảnh Chùa. Thu phí, lệ phí và công đức đạt hơn 5 tỷ đồng.

Chùa Hương Tích không chỉ là nơi thờ Phật mà trở thành điểm du lịch hấp dẫn của hàng vạn du khách trong và ngoài tỉnh cứ mỗi dịp xuân về. Du khách về với Chùa Hương như tìm về cội nguồn của con người, đến với mảnh đất địa linh nhân kiệt để chứng kiến sự đổi thay của đất và người, sự hấp dẫn của quê hương Can Lộc – Hà Tĩnh. Lễ khai hội Chùa Hương Tích Can Lộc – Hà Tĩnh năm nay được tổ chức vào ngày 10 tháng Giêng năm Ất Mùi, tức ngày 28 tháng 2 năm 2015 với chương trình nghệ thuật đặc sắc, các môn thể thao truyền thống, trò chơi dân gian như: vật, kéo co, chọi gà, đẩy gậy…

Để chuẩn bị tốt cho công tác Lễ hội Chùa Hương năm 2015, UBND huyện Can Lộc đã tổ chức tổng kết công tác du lịch, lễ hội huyện năm 2014, hoàn thành nội dung chương trình tổ chức tốt lễ hội Chùa Hương Tích năm 2015; Giao nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan, đơn vị liên quan trong công tác bảo đảm an ninh trật tự, an toàn cho du khách về trẩy hội Chùa Hương; Tổ chức tập huấn cho cán bộ, viên chức Ban quản lý Khu du lịch Chùa Hương về nghiệp vụ du lịch; Xây dựng, quy hoạch lại hệ thống ốt quán kinh doanh; Hoàn thiện bãi giữ xe, bến thuyền; Ký cam kết với các hộ kinh doanh ốt quán, bến thuyền, xe ôm, cửu vạn, đội ngũ thầy cúng về công tác bảo đảm an ninh trật tự, an toàn tính mạng, tài sản, an toàn vệ sinh thực phẩm và ứng xử văn minh lịch sự với du khách trong mùa lễ hội năm 2015.

Mùa lễ hội du lịch năm 2015, Khu du lịch Chùa Hương Can Lộc – Hà Tĩnh chào đón du khách thập phương trong và ngoài nước về với lễ hội Chùa Hương. Với sự chuẩn bị chu đáo và lòng hiếu khách của người dân Can Lộc sẽ tạo cho du khách có một cuộc hành hương thú vị về với cõi phật linh thiêng và chứng kiến sự đổi thay trên quê hương Can Lộc – Hà Tĩnh anh hùng.

Tháng Hai lộc biếc xanh rờn

Em về lễ hội Chùa Hương anh chờ! (Duy Thảo)

                                                             

                                                                        Thu Hà – Phòng Văn hóa &TT

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP