Tin Hà Tĩnh

Cách sửa chữa “có một không hai” tại công trình kém chất lượng

Bị chủ đầu tư từ chối nghiệm thu vì công trình kém chất lượng, đơn vị thi công đã nhiều lần tiến hành sửa chữa nhưng công trình cầu Đông Huề tại xã Vượng Lộc, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) vẫn bị nứt gãy, bong tróc. Để che dấu bề mặt “bị rỗ” này, sáng ngày 1/11, nhà thầu lại dùng cát trộn xi măng để “trang điểm”, khiến người dân địa phương bán tín bán nghi về cách khắc phục lạ đời này.

Không dùng máy bơm xịt nước để làm vệ sinh mặt đường mà chỉ múc nước dưới ruộng tưới qua để làm ướt bề mặt.

Có mặt tại hiện trường, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên về phương pháp sửa chữa “hiện đại” và “có một không hai” này. Theo ghi nhận của phóng viên, tại công trình, có một máy trộn bê tông, một xe tải loại nhẹ chở xi măng rời và bốn công nhân người địa phương đang làm việc. Tuyệt nhiên không hề thấy bóng dáng của cán bộ kỹ thuật hay đơn vị giám sát.

Xi măng được trộn theo cảm tính với tỉ lệ 1/2 (1 xi măng/2 cát).

Bằng mắt thường, tất thảy người dân đi qua đều cảm nhận được sự “bất thường” trong cách khắc phục, sửa chữa này. Họ không dùng máy bơm xịt nước để làm vệ sinh mặt đường mà chỉ dùng xô múc nước ruộng tưới qua để làm ướt bề mặt. Sau đó đổ cát trộn xi măng pha loảng, phủ lên một lớp “siêu mỏng”.

Vật liệu để “trang điểm” không có gì khác ngoài xi măng rời và cát. Cách “pha chế” cũng hết sức độc đáo, mang “màu sắc” cảm tính. Cứ mỗi mẻ trộn, người phụ trách máy chỉ cần xúc 20 xẻng cát cùng với 10 xẻng xi măng là đủ cho hai xe rùa. Trong quá trình trộn, thỉnh thoảng lại cho thêm xẻng cát, xẻng xi măng hoặc ít nước vào cho “vừa mắt”.

Mặt đường được phủ lên một lớp “siêu mỏng” từ cát trộn xi măng pha loảng.

Nước dùng để trộn xi măng là loại nước bẩn, được lấy từ dưới đầm lên, đựng trong một chiếc thùng phuy loại nhỏ. Tuy nhiên, chủ yếu được múc trực tiếp từ đầm lên rồi đổ vào máy trộn mà không để lắng cặn hay loại bỏ những tạp chất như cỏ, rác.

Đặc biệt là những đường nứt gãy ngang dọc, dày đặc trên suốt tuyến đường không hề được đơn vị thi công xử lý. Mặc cho vết nứt to hay nhỏ, họ chỉ việc đổ xi măng trộn cát pha loãng lên nhằm “che mắt thế gian”.

Những đường nứt gãy ngang dọc không được xử lý nên “trang điểm” xong vẫn.... nứt.

Khi được hỏi về chất liệu để “làm đẹp” bề mặt, một người làm công nói rằng đây là loại xịn (tốt), được đưa từ ngoài kia (Hà Nội) về. Còn tỷ lệ xi cát thì người phụ trách “pha chế” cho biết: “Pha chế theo tỷ lệ 1/2. Tôi không biết gì cả, họ bảo sao thì tôi làm vậy chứ tôi không biết gì hết”.

PV đặt nghi vấn về chất lượng của phương pháp xử lý này, một người nhận là của Cty TNHH Quốc Toản cho hay: “Chúng tôi đã tham khảo qua nhà một thầu lớn về cách khắc phục, thấy người ta làm như thế này mà vẫn đạt chất lượng. Hiện tại, chúng tôi đang làm thử, nếu được thì tốt, còn không thì sẽ có biện pháp khác”.

Đây là loại xi măng rời được “đặt hàng” từ ngoài nhà máy đem về.

Khi hỏi về việc tại sao lại sử dụng xi măng rời (loại xi măng không đóng thành bao 50kg mà đổ nguyên đống trong thùng xe tải - PV), người này cho biết loại này được đặt hàng từ ngoài nhà máy đem về.

Trước đó, theo thông tin từ Chủ đầu tư, sẽ yêu cầu đơn vị thi công khắc phục hư hỏng bằng cách dùng carboncor hoặc vật liệu mới Sicolat vì đã được Sở Giao thông thí điểm ở một số tuyến, thấy tương đối bền và ổn định.

Mặt đường nham nhở, loang lổ sau khi được đơn vị thi công “tô son, vẽ phấn”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Mạnh Sơn - Trưởng Ban Xây dựng cơ bản huyện Can Lộc cho biết: “Chúng tôi sẽ yêu cầu dừng lại để mời Sở Giao thông ra bàn bạc và thống nhất phương án xử lý, chứ làm thế này thì không được. Hiện tại công trình chưa bàn giao nên khi nào sửa chữa đạt yêu cầu thì lúc đó mới nghiệm thu, còn không thì cứ phải làm lại”.

Một công trình gần 13 tỷ đồng, từ tiền thuế của nhân dân đóng góp mà sửa rồi hỏng, hỏng rồi lại sửa cả năm trời vẫn không thể hoàn thiện. Dư luận có quyền hồ nghi về năng lực chuyên môn và trách nhiệm của đơn vị thi công.

Dự án cầu Đông Huề, xã Vượng Lộc thuộc công trình giao thông cấp IV, do UBND huyện Can Lộc làm chủ đầu tư; Cty TNHH Quốc Toản (thôn 7, xã Trung Lễ, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh) thi công; Trung tâm tư vấn kỷ thuật giao thông (Sở Giao thông) là đơn vị giám sát.

Dự án gồm hai hạng mục là xây dựng cầu và đường hai đầu cầu với tổng chiều dài 800,53m. Thời gian thi công từ tháng 8/2015 đến tháng 11/ 2016 với tổng mức đầu tư gần 12,8 tỷ đồng từ ngân sách Tỉnh hỗ trợ và các nguồn huy động hợp pháp khác.

Ngay sau khi nhà thầu vừa mới “thu quân”, mặt đường đã bị bong tróc nham nhở, nhô đá lởm chởm. Hiện tượng nứt nẻ cũng theo đó mà xuất hiện ngày càng nhiều.

Đầu năm 2017, trước dư luận của nhân dân và yêu cầu của Chủ đầu tư dự án, đơn vị thi công đã tiến hành khắc phục, sửa chữa bằng cách dùng xi măng trát lên những điểm bong tróc, nứt gãy ngang đường. Còn những đoạn bị nứt nẻ, gãy nát trên diện rộng thì phải cắt lên để đổ lại.

Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân, việc làm của nhà thầu chỉ mang tính hình thức, chiếu lệ, sửa chữa theo kiểu chắp vá, tạm thời, chứ không giải quyết dứt điểm, triệt để.

Tác giả: Trần Hoàn - Phi Long

Nguồn tin: Báo Xây dựng

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP