Tuy vậy, công trình đã chậm tiến độ đến hàng chục tháng trời. Hệ lụy này bắt nguồn từ việc giải quyết không dứt điểm việc đền bù mà nguyên nhân chính là chuyện …”giáp bờ sông không phải là giáp sông” …
Chuyện bắt đầu từ việc thắc mắc của ông Trần Xuân Cường về l thửa đất đã được đền bù nhưng của ông. Số là ngày 10/8/1986, UBND thị trấn Can Lộc đã cấp cho ông Trần Xuân Cường một thửa đất, trong đó có ghi rõ: “Tổng diện tích sử dụng 1 sào 7 thước, vì đất hoang có hố bom và lạch hói chảy vào giữa vườn diện tích 400m2 phải đắp và cải tạo lại mới sử dụng được”; xác định các phía: Đông giáp với vườn chị Xuân, Tây giáp với vườn đồng chí Cát, Nam giáp đường Phúc Sơn đi thị trấn, Bắc sát với bờ sông Nghèn. Bà Nguyễn Thị Hồng cho biết, trước đây, cứ sau mỗi mùa mưa lũ thì nước sông lại xói mòi vào sâu phía trong. Và cứ mỗi lần như vậy gia đình lại huy động nhân lực, bỏ tiền của để đổ đất, bồi đắp, trồng cây. “Gia đình chúng tôi còn phải thuê cả người dân đẩy xe cút-kít ở trong Thạch Hà ra để chở đất mà đắp thì mới giữ được mặt bằng như hôm nay. Không biết bao nhiêu công sức đổ vào mãnh đất này.”- bà Hồng nhớ lại.
Bà Nguyễn Thị Hồng khẳng định “Đoạn bờ sông này do gia đình bồi đắp”.
Cuối năm 2009, UBND tỉnh có Quyết định phê duyệt “Dự án củng cố, nâng cấp đê sông Nghèn đoạn từ cầu Hạ Vàng đến cống Cầu Già”, rất nhiều người dân ở vùng này ai cũng vui mừng, bởi sau khi nâng cấp tuyến đê sẽ đảm bảo an toàn cho các hộ dân cũng như diện tích đất canh tác,.. Sau khi kiểm đếm, gia đình ông Cường bị thu hồi 643,5m2. Đến ngày 10/8/2010, ông Cường là một trong những gia đình tiên phong trong địa phương nhận tiền đền bù, bàn giao lại diện tích đất cho Hội đồng bồi thường GPMB. Ông Cường đã nhận hơn 68 triệu đồng, trong đó đền bù đất là hơn 64 triệu đồng (nghĩa là 1m2 được đền bù 100 ngàn đồng) và hỗ trợ tiền mượn mặt bằng thi công 4 triệu đồng. Tuy nhiên, một thời gian sau, gia đình của bà Nguyễn Thị Xuân là hộ dân sát liền kề với mảnh đất nhà ông Cường lại được áp giá đền bù mỗi m2 đất bị thu hồi lên đến 288,721 ngàn đồng. Diện tích tích của bà Xuân bị thu hồi 408,25m2 và được đền bù hơn 117 triệu đồng. Vì lý do đó nên gia đình ông Cường và bà Hồng đã có đơn gửi đến các cơ quan chức năng, đồng thời cản trở đơn vị thi công để đòi hỏi sự công bằng.
Ngày 6/3, khi chúng tôi có mặt tại thực địa đã thấy, một số cán bộ công an thị trấn Nghèn có mặt để đảm bảo triển khai thi công công trình, còn gia đình ông Cường bà Hồng thì phản đối. Điều đó cho thấy, tình hình an ninh tật tự đã bị ảnh hưởng ở một khối phố vốn yên bình, êm ả. Dư luận nhân dân thôn Phúc Sơn bất bình với việc gần một tuần này lực lượng xây dựng đê Sông Nghèn cùng gia đình ông Trần Xuân Cường, bà Nguyễn Thị Hồng làm mất an ninh trật tự trên địa bàn làm ảnh hưởng đến đời sống kinh tế ở địa phương.
UBND thị trấn Can Lộc cấp giấy sử dụng đất cho ông Trần Xuân Cường vào năm 1986
Làm với phóng viên, Phó Chủ tịch UNBD huyện Can Lộc Đặng Trần Phong và Chủ tịch UBND thị trấn Nghèn Nguyễn Đình Sơn cho rằng: Trong giấy cấp đất của UBND thị trấn cấp cho ông Trần Xuân Cường năm 1986 là 1 sào 7 thước (730m2 ) nhưng hiện nay diện tích đất thực tế của gia đình đang sử dụng là hơn 2.000m2. Ngoài ra, việc có sự chênh lệch giữa áp giá đền bù giữa bà Nguyễn Thị Xuân và ông Trần Xuân Cường thì ông Đặng Trần Phong cho rằng: “Bà Xuân đã có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do huyện Can Lộc cấp, còn ông Cường thì mới chỉ có giấy cấp đất của UBND thị trấn. Ngoài ra, chính quyền thị trấn Nghèn lại khẳng định việc diện tích đất bị thu hồi đó là không thuộc quyền sử dụng của ông Cường”. Còn nói về vấn đề không công nhận diện tích đất bị thu hồi của ông Cường, ông Nguyễn Đình Sơn lại cho rằng: “Do giấy cấp đất của ông Cường, chính quyền thị trấn hồi trước xác định phía Bắc là giáp với “Bờ sông” nên diện tích đất đó là thuộc bờ sông, không phải thuộc quyền sử dụng của ông Cường mà của nhà nước quản lý”. Tuy vậy, khi chúng tôi có hỏi vì sao lại có chuyện trên một đoạn bờ sông, hai nhà liền kê (ông Cường, bà Xuân) một người thì được đền bù giá cao và một người lại đền bù gia thấp thì vị Chủ tịch thị trấn này cho biết là: “Do trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của bà Xuân được xác định, phía Bắc giáp với sông Nghèn chứ không phải là “bờ sông” nên diện tích bị thu hồi đó là của bà Xuân nên được đền bù”.
Chủ tịch UBND thị trấn Nghèn Nguyễn Đình Sơn: “Giấy cấp đất của ông Cường, chính quyền thị trấn hồi trước xác định phía Bắc là giáp với “Bờ sông” nên diện tích đất đó là thuộc bờ sông, không phải thuộc quyền sử dụng của ông Cường mà của nhà nước quản lý”
Vậy là, thuật ngữ “giáp bờ sông” và “giáp sông” đã gây ra bao rắc rối, kiện tụng khiến chính quyền đau đầu còn công trình thì “dẫm chân tại chỗ” hàng chục tháng!
Thiết nghĩ, Chính quyền huyện Can Lộc, thị trấn Nghèn cần phải có sự xem xét kỹ lưỡng, thấu đáo để sớm có câu trả lời cho người dân được thỏa mãn, “tâm phục khẩu phục”, để công trình này không phải còn chờ lâu nữa mới được hoàn thành.
Vũ Viễn
Báo Hà Tĩnh