>Viết tiếp bài “Những “góc khuất” ở di tích Đền Chợ Củi”
Ai đã bảo vệ, tu bổ Đền Chợ Củi?
PV trở lại đền Chợ Củi vào ngày rằm tháng Hai âm lịch. Nơi này vẫn tấp nập như thường lệ. Chị Bình, một người bán đồ lễ cho biết: “Có thời điểm một ngày tới 600 ô tô chở khách vào đền, còn xe máy thì không tính hết”. Phải nói đó là kỉ lục hiếm có di tích nào trên địa bàn Hà Tĩnh đạt được.Theo chị Bình, thời gian gần đây có doanh nghiệp vào định dựng lán để làm một số công trình trong đền, nhưng bị người dân tập trung phản đối nên phải rút. Chị cũng cho biết, nghe nói huyện thành lập một BQL đền mới, nhưng không được người dân đồng thuận.
Ông Nguyễn Sỹ Quý: “Gia đình tôi đã có 8 đời gắn bó với di tích”
Ông Nguyễn Sỹ Quý, thôn 2, xã Xuân Hồng, nhà ở cạnh đền và là người vừa kí với UBND xã Xuân Hồng “Hợp đồng quản lý và thu lệ phí tại khu di tích đền Chợ Củi năm 2011”, cho biết: “Cha ông, dòng họ tôi có truyền thống tâm linh, thường quan tâm tu bổ, hương khói các đền chùa. Ở xóm này có một ngôi chùa gọi là chùa Thập Sơn, nên xóm này gọi là xóm Thập Sơn. Ngôi chùa vẫn còn và do cha ông, tổ tiên tôi chăm lo hương khói. Cha ông tôi đã có 8 đời gắn bó với di tích đền Chợ Củi, làm nhà cạnh đền, tự nguyện tu bổ, hương khói cho đền, có công bảo vệ đền cho đến ngày nay”.Theo ông Quý, hiện nay Đền Chợ Củi đồng thời cũng là nơi thờ tự tổ tiên dòng họ Nguyễn Sỹ. Dòng họ Nguyễn Sỹ ở Xuân Hồng không xây dựng nhà thờ riêng mà có một gian thờ tổ tại đền. Lý giải về việc này, ông Quý nói: Từ các đời trước, dòng họ Nguyễn Sỹ đã gắn bó với đền, có công tham gia xây dựng, tu bổ, hương khói. Vùng này trước đây rất hoang vắng, chỉ có duy nhất gia đình ông Nguyễn Sỹ Quýnh là bố ông Quý nhà cạnh đền. Năm 1968, máy bay Mỹ ném bom phía sau núi Ngũ Mã, tuy không trúng đền nhưng sức ép đã làm bay toàn bộ mái ngói. Lúc ấy người dân phải sơ tán, trong hoàn cảnh chiến tranh không ai chăm lo đến đền chùa.
Thấy cảnh đền đổ nát, bà nội ông Nguyễn Sỹ Quý đứng ra vận động bà con giúp sức, thậm chí ra tận Hà Nội, Hải Phòng để vận động các nhà hảo tâm, mua tranh lợp lại đền. Sau hai lần lợp tranh, gia đình lại tiếp tục đứng ra vận động bà con và các nhà hảo tâm đóng góp mua ngói về lợp.
Trong thời chiến, đền Chợ Củi và nhà ông Nguyễn Sỹ Quýnh thành nơi chứa lương thực, đạn dược phục vụ kháng chiến. Đồ thờ tự trong đền bị mất cắp gần hết, gia đình họ Nguyễn Sỹ lại vận động bà con đóng góp, mua lại. Trong việc này có công lao của ông Bảng, nay đã mất.
Có một sự kiện khẳng định công lao giữ gìn di tích của dòng họ Nguyễn Sỹ, đặc biệt là ông Nguyễn Sỹ Quýnh. Năm 1971, xã Xuân Hồng tổ chức đoàn phá dỡ di tích đền Chợ Củi. Trước đó, cùng năm, xã Xuân Hồng đã phá chùa Báo Ân, một ngôi chùa lớn tại xã, nhưng ông trưởng đoàn bị tai nạn gãy chân. Trước tình thế đó, ông Nguyễn Sỹ Quýnh trình bày xin xã Xuân Hồng giữ lại cho gia đình ông một toà đền để thờ cúng tổ tiên và thánh thần (đền có ba toà nhà). Do đó, xã Xuân Hồng đã không phá dỡ đền. Nếu không có ông Nguyễn Sỹ Quýnh đứng ra ngăn thì đền Chợ Củi đã bị xoá sổ.
Trước đó, hầu như không có khách vãng lai đến đền Chợ Củi. Từ năm 1980, đền mới bắt đầu có khách và ngày càng đông. Khoảng năm 1984-1985, xã Xuân Hồng tổ chức quản lý đền, rồi Hội phụ lão quản lý, nhưng không thành công. Xã lại giao cho một cá nhân là người xã khác đến quản lý, nhưng ông này làm được một năm, ôm tiền công đức bỏ trốn. Từ khoảng năm 1993, ông Nguyễn Sỹ Quýnh đứng ra quản lý đền cho đến khi già yếu thì chuyển giao cho hai con trai là Nguyễn Sỹ Quý và Nguyễn Sỹ Hoá. Cũng năm 1993, đền Chợ Củi được Bộ Văn hoá công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia. Từ đó đến nay, ông Nguyễn Sỹ Quý và Nguyễn Sỹ Hoá làm quản lý đền, thu tiền công đức, hàng năm đều nộp đầy đủ vào ngân sách xã theo quy định, ngoài ra còn ủng hộ các nhà trường, đoàn thể ở địa phương.Theo ông Trần Duy Đệ – Chủ tịch UBND xã Xuân Hồng, cuối tháng 2/2011, UBND huyện Nghi Xuân lập ra BQL di tích đền Chợ Củi do một cán bộ UBND huyện làm trưởng ban. Tuy nhiên, ông Đệ không tiết lộ danh tính ông này.
Ông Trần Duy Đệ – Chủ tịch UBND xã Xuân Hồng: “Muốn biết danh sách BQL đền Chợ Củi thì lên huyện mà hỏi”
Ông Nguyễn Sỹ Quý cho biết, ông vẫn chưa có văn bản thông báo cụ thể về sự việc, chỉ nghe nói ông Thiện – Phó trưởng phòng Văn hoá – Thông tin huyện Nghi Xuân, làm trưởng ban, ông Trần Văn Tự – Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Hồng và ông Nguyễn Sỹ Quýnh (bố ông Quý) làm phó ban. Ngoài ra còn có hai người là con gái của hai vị lãnh đạo chủ chốt xã Xuân Hồng làm kế toán và thủ quỹ. Có thể đây là lí do khiến ông Trần Duy Đệ từ chối tiết lộ danh sách BQL đền (?).
Ngay cả ông Nguyễn Sỹ Quýnh, tuy được UBND huyện Nghi Xuân chỉ định làm Phó BQL đền Chợ Củi cũng cho biết đến nay ông chưa nhận được văn bản của UBND huyện Nghi Xuân về việc này. Mặt khác, ông Quýnh năm nay đã 82 tuổi, sức khoẻ rất yếu. UBND huyện Nghi Xuân đã quá vội vã?Một thời gian dài, UBND huyện Nghi Xuân phó mặc việc quản lý đền Chợ Củi cho UBND xã Xuân Hồng và gia đình dòng họ Nguyễn Sỹ. Đến khi báo chí lên tiếng lại vội vàng thành lập BQL mà chưa tìm hiểu kĩ về lí lịch di tích, rồi cho phép doanh nghiệp vào xây dựng tại đền, khiến người dân chưa đồng thuận.
Ông Nguyễn Sỹ Quý cho biết: Theo quan điểm của UBND huyện Nghi Xuân, đã là di tích quốc gia thì phải thuộc quyền sở hữu, quản lý của nhà nước.
Tuy nhiên, theo Điều 5, Luật Di sản văn hoá: “Nhà nước thống nhất quản lý di sản văn hóa thuộc sở hữu toàn dân; công nhận và bảo vệ các hình thức sở hữu tập thể, sở hữu chung của cộng đồng, sở hữu tư nhân và các hình thức sở hữu khác về di sản văn hóa theo quy định của pháp luật”. Không có quy định di tích quốc gia thì thuộc sở hữu quốc gia, mà quyền sở hữu di tích phụ thuộc vào lý lịch di tích.
Đường vào di tích đền Chợ Củi xuống cấp trầm trọng, rất cần được đầu tư nâng cấp
Nếu di tích đền Chợ Củi thuộc sở hữu của dòng họ Nguyễn Sỹ (toàn phần hoặc một phần), thì UBND huyện Nghi Xuân không thể áp đặt BQL có tính chất hành chính vào di tích này. Ông Quý cũng cho biết, cách đây một thời gian, Công ty Thăng Long đưa công nhân, máy móc đến định xây dựng một số hạng mục. Ban đầu thì nói xây dựng công đức cho di tích, nhưng sau lại cho biết sẽ đứng ra thu tiền công đức để bù vào chi phí (?). Vì vậy, người dân phản đối và doanh nghiệp này không thực hiện được ý định.Điều đáng nói là vào ngày 1/1/2011, ông Trần Duy Đệ đã kí với ông Nguyễn Sỹ Quý bản hợp đồng kinh tế “Về việc quản lý và thu lệ phí tại khu di tích đền Chợ Củi năm 2011”.
Bản “Hợp đồng kinh tế” của UBND xã Xuân Hồng với ông Nguyễn Sỹ Quý.
Theo đó, ông Nguyễn Sỹ Quý có trách nhiệm quản lý, bảo vệ di tích, tổ chức đưa đón, hướng dẫn khách tham quan, hành lễ. Ông Quý được phép thu tiền công đức và các lệ phí khác, đồng thời có trách nhiệm nộp vào ngân sách xã 420 triệu đồng, chia thành 4 đợt. Thế nhưng, với việc UBND huyện Nghi Xuân thành lập BQL đền mới, UBND xã Xuân Hồng đã đơn phương phá vỡ hợp đồng với ông Nguyễn Sỹ Quý, trong khi ông Quý không vi phạm điều khoản nào. Do đó, ông Quý bức xúc và khiếu nại về việc UBND huyện Nghi Xuân và UBND xã Xuân Hồng “xử ép” gia đình ông. (còn tiếp)
Quang Đại – Hà Vy
Tam Nhin