Văn hoá Dân gian

Nghiên cứu, bảo tồn mộc bản Trường Lưu tỉnh Hà Tĩnh

Chiều 12-4, ông Đỗ Khoa Văn, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Tĩnh cho biết, Hội đồng khoa học và công nghệ chuyên ngành cấp tỉnh đã nhất trí tuyển chọn đề tài, giao nhiệm vụ “Nghiên cứu, bảo tồn mộc bản Trường Lưu tỉnh Hà Tĩnh” cho Bảo tàng tỉnh Hà Tĩnh là cơ quan chủ trì, GS-TSKH Nguyễn Huy Mỹ làm chủ nhiệm đề tài. Thời gian nghiên cứu từ năm 2014 – 2015.

Mộc bản Trường Lưu – Can Lộc tỉnh Hà Tĩnh

Theo đó, sẽ tiến hành khảo sát, nghiên cứu và xem xét hiện trạng mộc bản Trường Lưu (xã Trường Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh) để đánh giá các giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học làm cơ sở cho việc bảo tồn và lập hồ sơ xét công nhận di sản quốc gia của UNESCO. Đề xuất giải pháp bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của mộc bản Trường Lưu…

Được biết, mộc bản Trường Lưu phần lớn được khắc nổi chữ Hán lẫn chữ Nôm thể chân thư ở 2 mặt (mỗi mặt khoảng 18 đến 20 hàng, chữ được khắc theo chiều ngang của tấm gỗ), với nhiều nội dung phong phú trong đó có cả “Tứ thư ngũ kinh” của Khổng giáo. Chiều dài mỗi cuốn mộc bản là 30cm, rộng 20cm, dày 2cm, được làm từ ròng thân cây thị, là loại gỗ vừa dai vừa mềm lại có độ bền cao.

Các cao niên dòng họ Nguyễn Huy – Trường Lưu cho biết, số mộc bản hiện tại là những gì may mắn còn sót lại của Thư viện Phúc Giang (Phúc Giang tàng thư) nổi tiếng khắp cả nước. Do nhận thức chưa đúng tầm quan trọng một thời mà một số mộc bản đã bị phá hủy nhiều và sử dụng sai mục đích. Ban đầu có hơn 1.000 bản nhưng hiện nay chỉ còn lưu giữ được hơn 400 bản. Nội dung của mộc bản do Thám hoa Nguyễn Huy Oánh biên soạn phục vụ công tác giảng dạy học trò trong và ngoài vùng giai đoạn nửa cuối thế kỷ 18, trong đó có Thư viện Lệ Quy, Lân kinh đại toàn, Hy kinh đại toàn, Ba kinh đại toàn, Lễ kinh đại toàn, Bình kinh đại toàn…

Trước đó, thư viện, bảo tàng tỉnh Hà Tĩnh cũng phối hợp với Thư viện tỉnh Nghệ An và con em dòng họ Nguyễn Huy – Trường Lưu tổ chức khảo sát rập in 1.400 bản (dương bản) từ 375 mộc bản có niên đại từ thời Lê Trung Hưng để phục vụ công tác nghiên cứu, giới thiệu đến công chúng. Đây cũng là cơ sở quan trọng để các cơ quan chức năng tiến hành lập hồ sơ khoa học trình Bộ VH-TT-DL công nhận mộc bản của dòng họ Nguyễn Huy – Trường Lưu là di sản văn hóa cấp quốc gia.

DƯƠNG QUANG

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP