Giáo dục

Học sinh yếu môn tiếng Anh đỗ chứng chỉ quốc tế: 'Ăn may'

Theo ông Linh, nhiều học sinh yếu môn tiếng Anh vẫn đỗ chứng chỉ quốc tế là nhờ vào sự ăn may, không phải thực lực của các em.

Xung quanh xôn xao việc nhiều học sinh Đà Nẵng yếu môn tiếng Anh vẫn đỗ chứng chỉ quốc tế, ngày 17/5, trao đổi với báo Đất Việt, ông Mai Tấn Linh, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng cho rằng, đây là một trong những lý do chính TP Đà Nẵng bỏ môn Ngoại ngữ khỏi kỳ thi tuyển vào lớp 10.

"Theo thống kê có tới 27 học sinh điểm trung bình môn Ngoại ngữ dưới 5 xếp loại yếu nhưng vẫn có chứng chỉ quốc tế. Với việc thi Ngoại ngữ chỉ dựa theo các mẹo làm bài mà không có kiến thức thực tế như thế thì không thể đánh giá được thực lực của các em học sinh.

Nhiều học sinh yếu môn tiếng Anh mà vẫn đỗ chứng chỉ quốc tế như thế là chỉ nhờ vào sự ăn may thôi", ông Linh nói.

Theo ông Linh, Đà Nẵng được xem là một thành phố du lịch nên luôn luôn đề cao môn Ngoại ngữ nói chung và tiếng Anh nói riêng. Tuy nhiên, do quá quan tâm nên ngành giáo dục Đà Nẵng vẫn chưa đưa ra được giải pháp hoàn thiện. Việc Đà Nẵng bỏ môn Ngoại ngữ thi vào lớp 10 chỉ là giải pháp tình thế.

"Chỉ một năm duy nhất là không thi môn Ngoại ngữ thôi, sang năm chắc chắn không bỏ bởi khi phát hiện có nhiều em học sinh yếu môn tiếng Anh vẫn đỗ chứng chỉ quốc tế mà để tổ chức ôn tập lại từ đầu thì sợ không kịp thời gian nữa.

Do ngành giáo dục chưa có một chính sách toàn diện, đầy đủ, được mặt này mất mặt kia nên chúng tôi đã quyết định bỏ môn Ngoại ngữ để giảm áp lực cho mọi người. Chỉ có cách này là ít ảnh hưởng nhất", ông Linh cho biết thêm.

Nói về việc nhiều học sinh đỗ chứng chỉ quốc tế nhờ ôn thi tại Viện giáo dục Mitnapha Việt Nam (quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng), vị Phó giám đốc Sở này cho rằng, trung tâm ngoại ngữ này không được Sở cấp phép hoạt động.

Ông M. tổ chức ôn thi ngay tại nhà ở quận Ngũ Hành Sơn cho học sinh thi lấy chứng chỉ tiếng Anh quốc tế tại một trung tâm ở quận Hải Châu, Đà Nẵng. Ảnh: Dân Trí

"Ở Đà Nẵng có bao nhiêu trung tâm đào tạo chứng chỉ quốc tế thì chúng tôi chưa nắm hết. Chúng tôi chỉ cấp phép cho 1 công ty duy nhất đó là Công ty TNHH giáo dục nền tảng", Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng nói.

Trước đó, theo phản ánh trên báo chí, các em học sinh lớp 9 tại một Trường THCS ở Đà Nẵng có học lực tiếng Anh trung bình yếu nhưng vẫn thi đỗ chứng chỉ tiếng Anh quốc tế với điểm số cao. Các học sinh này cho biết đều học ôn thi tại nhà “thầy M.” ở quận Ngũ Hành Sơn và cùng thi tại một điểm thi, được cấp chứng chỉ bởi cùng một trung tâm ở quận Hải Châu.

Cụ thể, học sinh T. có điểm tổng kết môn tiếng Anh ở trường là 3,5 điểm, thi đỗ chứng chỉ tiếng Anh quốc tế Toefl ITP với điểm số đủ để lấy điểm 9 thi vào lớp 10 (theo quy định cũ vừa được Sở GD-ĐT Đà Nẵng thay đổi ngày 16/5) cho biết: “Em học thầy M. để ôn luyện thi Toefl. Thầy dạy 3 buổi. Buổi cuối, thầy cho ôn thi và mẹo để khoanh (chọn đáp án bài thi trắc nghiệm)”.

Một học sinh khác cũng ôn thi tại nhà ông M. xác nhận ông M. có cho mẹo để học sinh làm bài thi: “Thầy có nói về cách làm bài thi. Trong đó, thầy có nói ở phần một của tờ đề thi, các em nên khoanh câu A và câu C. Còn ở bài cuối thì nên tránh câu D”.

Về việc này, ông M. cho rằng “học sinh học thầy chưa ai thi rớt”. Người này còn nói, đảm bảo thi đỗ là không hoàn toàn chính xác, mà học sinh phải đảm bảo sức khoẻ và tuân thủ lời dặn dò trong quá trình ôn thi và đi thi.

“Thầy không kiểm tra đầu vào. Thầy không quan tâm tiếng Anh các em học ở trường thế nào, vì thầy có phương pháp dạy của thầy. Chỉ cần 3 buổi là đủ. Nếu không tin, phụ huynh hỏi các giáo viên tiếng Anh ở trường, nói đến tên thì ai cũng biết thầy” - ông M. nói với phụ huynh học sinh đến tìm hiểu, đăng ký cho con em luyện thi Toefl.

Như đã đưa tin, ngày 15/5, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh có văn bản đồng ý đề xuất của Sở GD-ĐT về việc thay đổi quy định tuyển sinh lớp 10 THPT năm học 2019-2020. Thành phố kết hợp thi tuyển với xét tuyển, môn thi là Toán và Ngữ văn, không có Ngoại ngữ. Sự thay đổi của Đà Nẵng chỉ cách kỳ thi vào lớp 10 có hai tuần khiến nhiều phụ huynh, học sinh bức xúc.

"Sở thay đổi vào giờ áp chót khiến cả phụ huynh và học sinh bị sốc", một giáo viên nói.

Trong khi đó, chị Vân, phụ huynh của một học sinh, trú tại quận Hải Châu cho biết bức xúc: “Để con người ta đi học, đi thi hùng hục cả năm nay, đến giờ cuối thành phố lại ra công văn là bỏ thi, bỏ tính điểm môn Tiếng Anh. Gần 2 năm nay tôi đã bỏ mỗi tháng 5 triệu cho con đi học IELTS và bỏ hơn 5 triệu cho đi thi. Đang hân hoan, giờ thành phố mang niềm hân hoan của mẹ con tôi quăng xuống vực là sao”.

Tác giả: Thu Hoài

Nguồn tin: Báo Đất Việt

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP