Can Lộc

Hà Tĩnh: Trang trại gây ô nhiễm, người dân “bịt mũi kêu cứu”

Hàng chục hộ dân xóm Hồng Sơn, xã Phú Lộc (Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh) đang ngày đêm phải chịu cảnh hôi thối, mất mùa, nguồn nước ngầm bị ô nhiễm… từ các trang trại chăn nuôi lợn tập trung của xã.

traolonDòng nước từ trại lợn thải ra

“Cóc kêu không thấu trời”

Vừa mới bước chân vào đầu xóm, mùi hôi thối của trại lợn đã bắt đầu bốc lên nồng nặc, khiến cho ai đi qua cũng phải ngạt thở. Theo phản ánh của nhiều hộ dân trong xóm Hồng Sơn (xã Phú Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh), họ đã phải sống chung với cảnh hôi thối nồng nặc từ trang trại chăn nuôi lợn tập trung của nhiều mô hình trang trại có quy mô lớn trong xã suốt thời gian qua.

Không những thế, mỗi khi các trang trại xả thải ra môi trường tự nhiên, những hộ gia đình sống gần đó phải “lĩnh trọn” mùi hôi thối, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, đời sống sinh hoạt của người dân.

Người dân còn cho biết các trang trại lợn ở đây, đặc biệt trang trại lợn của Công ty Khoáng sảnThương mại Mitraco, do ông Mại quản lý đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất sản xuất của bà con. Vụ lúa vừa rồi sản lượng lúa ở đây giảm mạnh, có những thửa ruộng thậm chí mất trắng không có thu hoạch. Lúc đầu gieo lúa thì không mọc, sau phải mua cây mạ (lúa non) nơi khác về cấy, thấy lúa tốt nhưng đến khi lúa trổ đòng lại không trổ bông, hoặc năng suất bị giảm trầm trọng, chúng tôi kéo nhau lên xã hỏi thì lúc đó xã và công ty mới về kiểm tra và hỗ trợ cho những gia đình mất mát nặng mỗi sào 500 nghìn đồng.

Sau khi thấy dân mất mùa, phía công ty đã đưa máy về đào một con mương nhằm ngăn nguồn nước thải đầu nguồn chảy vào ruộng nhưng đào xong, mương lại mất nước vì nguồn nước tự nhiên đã mất, nguồn nước khác thì lại bị ô nhiễm!

Ông Lê Đình Điệp, ở xóm Hồng Sơn cho biết, từ trước tới nay gia đình ông nuôi cá không sao, nhưng mùa vừa rồi vì lấy phải nguồn nước ô nhiễm từ trại lợn thải ra khiến cho ao cá nhà ông chết trắng. Ông có báo cáo xã nhưng xã lại đổ lỗi cho phía công ty, đến công ty thì lại đổ cho huyện, tỉnh đã khuyến khích họ về đây để thành lập trang trại… cá thì cứ chết, mà ông thì chẳng biết kêu ai!

Không những nước thải của các trại lợn ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất mà nguồn nước ngầm sử dụng trong sinh hoạt cũng bị ô nhiễm đang khiến cho người dân nơi đây khốn khổ từng ngày.

Ông Phạm Quang Hậu cũng ở trong xóm Hồng Sơn bức xúc nói, “Gia đình ông vào định cư ở đây đã 21 năm, trước đây không khí rất trong lành, nhưng từ khi có các trại lợn mọc lên người dân chúng tôi phải ngửi mùi hôi thối không tài nào chịu được. Cứ khoảng thời gian gần tối các trại lợn tập trung xả bớt bioga ra ngoài, lúc đó người dân chúng tôi không biết trốn đi đâu để tránh khỏi mùi”.

“Nếu ô nhiễm dân đã kêu!”

Trao đổi với phóng viên về thực trạng trên, ông Nguyễn Hữu Hài – Chủ tịch UBND xã Phú Lộc cho rằng: “Việc xây dựng trại lợn ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân là có. Vừa rồi sản lượng lúa của người dân bị giảm sút, khi nhận được phản ánh thì xã và công ty đã trực tiếp xuống kiểm tra hỗ trợ. Sau khi nhận được sự nhất trí của người dân, phía công ty đã căn cứ vào mức độ để có sự hỗ trợ phù hợp”.

Ông còn cho biết: “có một số người dân lên phản ánh nguồn nước ngầm của mình bị ô nhiễm, nhưng sau khi đào giếng mới, không thấy họ phản ánh nữa, chắc là không có vấn đề gì”. Tính về lâu về dài thì nguồn nước ngầm ở đây cũng bị ảnh hưởng, chính vì vậy mà số trại lợn trên địa bàn không cho phát triển thêm nữa. Hiện tình trạng ô nhiễm chưa ảnh hưởng gì đến cuộc sống của người dân, vì nếu thật sự có ảnh hưởng thì họ đã làm đơn lên gửi chính quyền địa phương rồi, thậm chí họ đã bán đất chuyển đến nơi khác sinh sống, ông Chủ tịch UBND xã Phú Lộc khẳng định và cho biết, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh cũng đã cử đoàn công tác xuống lấy mẫu nước ngầm và nước giếng để kiểm tra nhưng vẫn chưa có kết quả.

Chúng tôi tiếp tục thông tin về vụ việc.

PV

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP