Theo tìm hiểu của PV, những địa phương thường xuyên bị “đất tặc” lộng hành là các xã Phúc Lộc, Đồng Lộc, Thượng Lộc, Thanh Lộc, Phú Lộc. Hoạt động tàn phá rừng đồi, vườn tược, ruộng đồng để lấy đất đem bán trong và ngoài địa bàn huyện Can Lộc diễn ra thường xuyên và công khai, ngày càng bành trướng.
Những ngày đầu tháng 4, theo tin báo của người dân, PV có mặt tại điểm khai thác trái phép trên phần đất hộ gia đình ông Quyết (thôn Sơn Trà, xã Phú Lộc) quản lý.
Tại đây, chiếc máy múc công suất lớn thuộc sở hữu của ông Trần Văn Chất ( Công Ty TNHH Xây Dựng Trường Lợi – địa chỉ xã Gia Hanh, huyện Can Lộc ) đang “oanh tạc” cả một vùng đồi rộng lớn, hàng chục chiếc xe tải trọng lớn chầu chực “ăn đất” vội vã tõa đi các địa bàn trên huyện khác.
Cứ thế, hết xe này đến xe khác thi nhau vận chuyển đất trái phép từ địa bàn xóm Sơn Trà, xã Phú Lộc ra địa bàn khác để san lấp mặt bằng.
Phương tiện và máy móc lấy đất trái phép tại địa bàn
Chỉ trong vòng chưa đầy 1 tiếng đồng hồ, chiếc máy múc của ông Trần Văn Chất cào hàng trăm mét khối đất cho lên xe tải. Tiếng máy múc gầm rú, tiếng còi xe tải tu inh ỏi, bụi đất bay mù mịt…Cảnh khai thác đất “lậu” diễn ra thường xuyên làm xáo trộn cuộc sống của người dân sống quanh khu vực này.
Từ chia sẻ của một tài xế, “cứ mỗi một chiếc xe tải khoảng 10 khối chất đầy đất, ông Chất thu về 300 nghìn đồng, trong vòng 30 phút có 10 chuyến xe, vị chi ông này thu được 3 triệu đồng.
Như vậy, mỗi ngày sẽ có hàng nghìn mét khối đất bị khai thác trái phép, họ sẽ thu lợi bất chính hàng chục triệu đồng của nhà nước”.
Khu vực lấy đất bị đào nham nhở, càng ngày càng lấn sâu vào đỉnh núi khiến đất lâm nghiệp có nguy cơ bị sạt lở, hàng nghìn khối đất được lấy đi nhưng không được kê khai, thất thoát thuế, tài nguyên của Nhà nước.
Xe vận chuyển đất tấp nập tại địa bàn khia thác đất
Một người dân ở cạnh đường thuộc xã Phú Lộc, bức xúc: ” Nhiều tháng ni rồi, họ cứ ngang nhiên khai thác trái phép nhưng có ai nói chi mô.Nhà tui ở đây khổ lắm, nắng thì bụi bặm, mưa thì trơn trượt. Mà lạ, họ khai thác từ đồi, vườn dân từ nhiều tháng ni rồi mà không bị ai nói chi”.
Khi PV phản ánh thực tế nêu trên, ông Nguyễn Hữu Hài, Chủ tịch UBND xã Phú Lộc thừa nhận tình trạng này diễn ra nhiều ngày qua.
Tuy nhiên, việc đào bới đất đai do người dân ở nơi khác đến, khu vực khai thác thuộc quyền sở hữu của người dân địa phương và họ đã xin phép xã từ năm 2016. Còn mức độ khai thác ra sao, vận chuyển đi đâu… thì ông không nắm rõ, phải cho anh em cán bộ về kiểm tra đã.
Ông Hài khẳng định, sẽ chỉ đạo UBND xã Phú Lộc có giải pháp mạnh tay nếu hộ cá nhân ông Chất không chấp hành. Tuy nhiên, nguồn tin của PV thì hộ cá nhân này vẫn đang tiếp tục triển khai phương tiện khai thác, và chưa có dấu hiệu dừng lại.
Đất là một loại tài nguyên và bắt buộc phải xin cấp Giấy phép khai thác. Trường hợp khai thác trái phép sẽ bị xử phạt như sau: Điểm c-Khoản 1-Điều 37 của Nghị định 142/2013/ND-CP ngày 24/10/2013 của Chính phủ về mức xử phạt đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên đất quy định như sau:
“Phạt tiền từ 12.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng khi khai thác với khối lượng khoáng sản khai thác từ 10 m3 đến dưới 15 m3/ngày. Ngoài việc bị phạt tiền, người vi phạm còn bị áp dụng hình phạt bổ sung là tịch thu toàn bộ phương tiện, dụng cụ để thực hiện việc khai thác đất trái phép.
Nhiều người dân ở huyện Can Lộc còn phản ánh tới Báo Thời báo Doanh nhân, tại địa phương này hoạt động khai thác đất trái phép không chỉ diễn ra ở núi xã Phú Lộc mà còn có ở nhiều địa điểm khác trên địa bàn, hoạt động khai thác trái phép diễn ra dưới hình thức núp bóng cải tạo vườn đồi.
Tác giả: Lê Phan – Đức Hoàng
Nguồn tin: Thời báo doanh nhân