Đặc Sản Hà Tĩnh

Hà Tĩnh: Cam bù Hương Sơn rớt giá thê thảm

Là loại quả đặc sản nổi tiếng của Hà Tĩnh với màu sắc đẹp, hương vị ngọt thanh, bổ dưỡng. Nhiều hộ dân ở huyện Hương Sơn làm giàu từ đó. Nhưng năm nay, giá cam bù “rớt” tới tận đáy.

Hương Sơn là huyện có truyền thống trồng cam bù. Mỗi năm, diện tích trồng cam bù trên đất Hương Sơn tăng 150 ha. Đến nay, có khoảng 750 ha cam bù/1.600 ha cam các loại, trong đó, khoảng 450 ha cho thu nhập. Cam bù được trồng nhiều nhất ở vườn đồi 2 xã Sơn Trường, Sơn Mai. Có khoảng 50 trang trại cho thu nhập từ 500 triệu đồng trở lên.

Diện tích cam bù phát triển, trong khi đó, thị trường tiêu thụ chưa được mở rộng. Cam bù chỉ tiêu thụ trong phạm vi nội địa, gần như chưa vượt ra khỏi thành phố Vinh và Hà Tĩnh. Đây chính là một bài toán khó giải quyết trong ngày một ngày hai.

Giá cam bù rớt xuống thấp khiến nhiều hộ trồng cam không khỏi ngậm ngùi.

Ghi nhận tại xã Sơn Trường, huyện Hương Sơn cho thấy, hiện tượng cam bị thối hàng loạt rụng kín gốc rất nhiều. Các thương lái cũng không còn lùng vào tận các trang trại cam để mua sỉ cả vườn như trước nữa mà họ mua rất dè dặt, khiến cho người trồng cam bù không khỏi lo lắng.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Hạnh – Chủ nhiệm HTX Trường Sơn cho biết, Những năm trước đến thời điểm này số lượng cam bù của chúng tôi đã tiêu thụ hết thì năm nay mới chỉ  được một nửa. Điều đáng nói là không chỉ tiêu thụ chậm mà giá cam bù còn bị hạ xuống thấp nhất từ trước đến nay. Năm ngoái giá 50 – 60 nghìn đồng/kg tại vườn, nay giảm xuống chỉ còn 10 – 20 nghìn đồng!

Nhiều hộ trồng cam phải vội vàng bán tống bán tháo mong vớt vát chi phí chăm sóc.

Ngoài lý do trên khiến thị trường cam bù những năm gần đây rơi vào cảnh được mùa mất giá thì yếu tố thời tiết, khí hậu thất thường cũng là tác nhân không nhỏ. Nắng ít, mưa nhiều, cam chín muộn, đặc biệt là ảnh hưởng của sương muối nên cam bị thối hàng loạt . Nhiều hộ trồng cam  phải vội vàng bán tống bán tháo mong vớt vát chi phí chăm sóc. Cũng do thiếu quang hợp, ít nắng  nên cam bù năm nay không có vị ngọt thanh như những năm trước, ảnh hưởng đến tâm lý người tiêu dùng.

Ông Trần Minh Truyền – Chủ tịch UBND xã Sơn Trường cho biết, Hương Sơn là huyện có truyền thống trồng cam bù lớn nhất trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh. Thời điểm hiện tại, rất nhiều hộ trồng cam chỉ có nước bán thách bán đổ tại gố khi có nguwoif mua, hoặc phải tự hái cam mang ra chợ bán vớt giá rất rẻ. Thời gian qua, huyện Hương Sơn đã có chính sách hỗ trợ trồng cam, tuy nhiên vấn đề đầu ra cho sản phẩm vẫn đang rất khó khăn.

Lê Dũng – Minh Hà

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP