Chắc chắn nhiều người dân Hà Tĩnh không ít lần đặt câu hỏi, vì sao Thương hiệu kẹo Cu đơ Thư Viện lại có được thành công như vậy? lịch sử gia đình ông bà Thư Viện như thế nào? Và đâu là bí quyết thành côngcủa gia đình này trong sản xuất và kinh doanh?
Được sự cho phép của gia đình sở hữu thương hiệu đặc sản nổi tiếng này, báo Tầm Nhìn đã đi tìm câu trả lời cho những câu hỏi trên.
Thương hiệu “Thư Viện” đã có từ lâu
Tôi đến xưởng sản xuất kẹo Cu đơ Thư Viện ở cơ sở 1 vào buổi tối. Dù đã 19h nhưng nơi này vẫn ồn ào, nhộn nhịp. Có mấy công nhân đang nhanh nhẹn làm việc và cười nói vui vẻ trong không gian đầm ấm và ngào ngạt mùi thơm ngọt ngào của mật mía, mùi thơm bùi, béo của lạc (đậu phộng). Dù nhiều công nhân thay nhau làm việc từ sáng sớm tới tối muộn mới nghỉ nhưng kẹo làm ra đến đâu cháy hàng đến đó. Là thương hiệu kẹo cu đơ có tiếng của Hà Tĩnh nên khu vực cơ sở sản xuất này luôn nhộn nhịp người vào ra mua hàng về ăn và làm quà biếu.
Cơ sở 1, kẹo Cu đơ Thư Viện ( số 485, đường Hà Huy Tập, TP Hà Tĩnh). |
Tiếp chuyện tôi là cô Đặng Thị Thanh và cô Đặng Thị Hương, hai người con gái út của ông bà Thư Viện. Riêng cô Thanh hiện đang là hiệu trưởng một trường THCS trên địa bàn phường Đại Nài (TP Hà Tĩnh). Cô hiện là người đứng ra quản lý, phụ trách việc sản xuất, kinh doanh buôn bán thương hiệu kẹo Cu đơ Thư Viện này.
Kể về câu chuyện lịch sử gia đình, cô Thanh cho biết, thương hiệu “Thư Viện” đã có từ thời kháng chiến chống Mỹ chứ không phải giai đoạn bắt đầu nấu kẹo mới có. Cái tên “Thư Viện” đã là niềm tự hào của các thành viên trong gia đình cô. Sau này, khách hàng cũng gọi những chiếc kẹo Cu đơ do gia đình ông bà Thư nấu ra là “Cu đơ Thư Viện”. Cũng từ đó, mà các cô con gái trong gia đình càng tự dặn mình phải bảo vệ được cái tên thân thương này. Và các cô đã phải trải qua rất nhiều thăng trầm, đổ mồ hôi, nước mắt và tâm huyết mới có thể gây dựng nên tên tuổi và để thương hiệu kẹo của gia đình được như ngày hôm nay, đặc biệt là giai đoạn cả đất nước cùng ở giai đoạn khó khăn nhất trong phát triển kinh tế – xã hội.
Gia đình cô quê gốc ở xã Cẩm Tiến (huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh). Bố cô là ông Đặng Xuân Thư, kết hôn với bà Nguyễn Thị Lương vào năm 1954. Hai ông bà sau đó đã dời vào vùng rừng núi Đá Bạc (xã Cẩm Mỹ, huyện Cẩm Xuyên) để khai hoang và xây dựng trang trại để sinh sống.
Ông bà Thư hạ sinh bốn người con: người con trai đầu là ông Đặng Xuân Thi (SN 1955, hiện đang sinh sống ở Cẩm Xuyên), ba người con gái là cô Đặng Thị Thảo (SN 1959, hiện là giáo viên đã nghỉ hưu tại Thị xã An Khê, Gia Lai), cô Đặng Thị Thanh (SN 1961, hiện là giáo viên trường THCS Đại Nài, TP Hà Tĩnh) và cô Đặng Thị Hương (SN 1964, giáo viên trường tiểu học xã Thạch Bình, TP Hà Tĩnh).
Trong thời gian sống ở vùng rừng thiêng nước độc Đá Bạc, bằng sự thông minh, cần cù, chăm chỉ và chịu khó nên ông bà Thư đã xây dựng được một trang trại lớn, trồng vườn, rừng và chăn nuôi nên thời gian này đã là một gia đình khá có tiếng trong vùng. Cũng nhờ đó, thời điểm này theo lời kêu gọi của nhà nước “ thi đua là tiết kiệm” nên ông bà đã gửi tiết kiệm được một số tiền khá lớn nên có tiếng tăm vào thời điểm đó và nhận được nhiều giấy khen của các cấp chính quyền.
Tuy nhiên, ở trên Đá Bạc quá xa trường học nên ông bà Thư lần lượt gửi 4 đứa con về nhà bà nội ở Cẩm Tiến ở.
Trong tâm khảm các chị em cô Thanh, bà nội là một người tuyệt vời, thông minh, biết đối nhân xử thế và thuộc rất nhiều ca dao, tục ngữ. Sống với ông bà, chị em cô học hỏi được rất nhiều điều trong cuộc sống từ lúc còn thơ. Dù còn nhỏ tuổi, nhưng mấy chị em đi học về làm làm việc không ngơi nghỉ.
Tới năm 1975, Hồ Kẻ Gỗ bắt đầu được xây dựng. Ông bà Thư hiến đất cho nhà nước, dỡ nhà chuyển về quê gốc sống. Bên cạnh đó, ông bà mua một ngôi nhà trên đất ở phường Đại Nài. Cái thời mà đất mua “rẻ như cho”, giá trị nằm ở ngôi nhà chứ không phải đất, và căn nhà đó nằm ở địa điểm hiện nay chính là cơ sở sản xuất kẹo lớn nhất Hà Tĩnh.
“Giàu mà không có của nên khổ”
Ông bà Thư trước đó chỉ làm vườn trên vùng rừng núi, từ năm 1975 chuyển về Đại Nài sinh sống. Lúc chuyển về nơi ở mới, gia đình ông bà không biết làm gì để sinh sống nên liền tìm cách để buôn bán. Tuy nhiên, giai đoạn này nước ta còn cấm buôn bán tư nhân nên công việc này cũng đầy sóng gió và gian nan.
Thời đó, có một hợp tác phở phía đối diện nhà bà Thư, hằng ngày bà gánh thùng nước chè sang để bán thì bị địa phương đổ nước, tịch thu thùng. Sau đó, ông bà lại xoay sang làm nghề cán mỳ sợi để tìm đường mưu sinh. Hồi đó, ông Thư có làm việc tại cơ quan nhưng đồng lương quá thấp nên đã về nghỉ hưu.
Không khí vui vẻ trong xưởng sản xuất kẹo Cu đơ lớn nhất Hà Tĩnh – kẹo Cu đơ Thư Viện. |
Giai đoạn này, người con trai lớn đi bộ đội, cô con gái thứ hai đi học cao đẳng sư phạm ở miền nam, sau đó ra trường và công tác tại Gia Lai.
Riêng cô Đặng Thị Thanh, năm 1978 vào Miền Nam học trường Cao đẳng Đà Lạt. Cũng trong thời gian này trở đi, kinh tế nhà ông Thư sa sút nghiêm trọng. Ông Thư thường xuyên đau yếu phải đi điều trị và an dưỡng. Số tiền mà trước đây gia đình ông gửi tiết kiệm ở trên Đá Bạc nay do mất giá nên khi rút ra không còn bao nhiêu. Hơn nữa, trong thời gian chưa có việc gì làm để kiếm sống nên số tiền không nhiều này cũng vơi cạn dần.
Từ năm 1980, người con trai đầu sau khi phục viên đã lập gia đình và sống ở Cẩm Xuyên. Còn cô Hương – người con gái út thì sau khi học xong phổ thông thì lập gia đình vào tuổi mười tám đôi mươi.
“Giai đoạn này gia đình nhà tôi thực sự sa sút. Đến nỗi, khi người con gái thứ hai là chị Thảo về nhà báo cáo việc lấy chồng, việc đi lại xa xôi và khó khăn nhưng ông bà Thư không có đồng nào để cho. Cả nhà chỉ còn cỗ ván hậu sự ngâm ở hồ nước vớt lên định bán để cho chị ấy ít đồng thì cũng bị tịch thu luôn…
Hồi đó mẹ thường nói một câu mà mỗi lần nhớ lại tôi không khỏi rơi nước mắt: “Người ta nghèo mà có của thì sướng còn nhà ta giàu mà không có của nên khổ”. Vì trước đó, gia đình tôi đã được coi là có của ăn của để do số tiền tiết kiệm ở ngân hàng, tuy nhiên sau đó đã dành tiêu trong thời gian chuyển về Đại Nài chưa biết làm gì để sống, hơn nữa về sau đồng tiền cũng mất giá…”, cô Thanh tâm sự.
Trong thời điểm khó khăn đó, ông bà Thư và cô út đã mở quán bán hàng. Hàng hóa ban đầu là nước, kẹo bánh, bánh chưng bà Tiếu…
Thời điểm gia đình ông bà Thư Viện mở quán bán hàng, cô Hương và một người hàng xóm gần nhà thường xuyên đến khách sạn số 2 (gần chợ Hà Tĩnh hiện nay) lấy kẹo lạc, bánh xốp về để bán.
Và cũng trong giai đoạn này, từ những chiếc kẹo lạc giản đơn lấy về bán từ khách sạn số 2 đó, ý tưởng về những chiếc kẹo cu đơ Thư Viện bắt đầu được hình thành và đi vào sản xuất…
(Còn tiếp)
Mai Nguyễn