Văn hoá Dân gian

Độc đáo văn hóa hôn nhân của người Chứt

Tộc người Chứt lần đầu tiên được Bộ đội Biên phòng tìm thấy và đưa về định cư ở bản Rào Tre (xã Hương Liên, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) đến nay đã hơn nửa thế kỷ. Từ lâu, người ta chỉ biết đến tộc người Chứt với tục hôn nhân cận huyết và lối sống ăn lông ở lỗ mà quên rằng họ cũng có những nét văn hóa đặc sắc, rất riêng biệt.

Một góc bản Rào Tre.
Một góc bản Rào Tre.

Yêu nhau từ tiếng đàn Ka-đay

Thời điểm mới phát hiện, tộc người Chứt chỉ là một nhóm người, giờ đây cộng đồng người Chứt đã phát triển thành bản với 31 hộ và 118 nhân khẩu. Tuy là một dân tộc ít người bậc nhất ở Việt Nam nhưng người Chứt ở Rào Tre cũng có những nhạc cụ rất riêng. Trước đây, mỗi dịp hội hè, tiếng nhạc làm cho bản thêm rộn ràng, sôi nổi. Và cũng nhờ tiếng sáo, tiếng đàn nên đã có rất nhiều đôi trai gái của bản tìm đến và ăn đời ở kiếp với nhau.

Chúng tôi có dịp được gặp vợ chồng ông Hồ Phương và bà Hồ Thị Sen, một trong hai gia đình hiếm hoi còn lưu giữ cây đàn truyền thống của người Chứt. Ngôi nhà của vợ chồng ông Hồ Phương ở giữa bản. Bước vào cổng, chúng tôi đã nghe thấy tiếng lộp cộp của những âm thanh vừa lạ vừa quen. Thấy chúng tôi, ông Hồ Phương cầm một bộ mõ lên khoe: “Mõ bò đấy, đeo vào cổ để không lạc mất bò mình”. Ông Hồ Phương một thời nức tiếng là người khéo tay, những cây đàn Trơ bon (đàn nứa) trong bản cũng được làm từ đôi bàn tay này.

Cầm cây đàn Trơ bon, bà Hồ Thị Sen đánh bản nhạc vang khắp núi rừng, khiến cho ai đi qua cũng phải dừng chân nghe. Bà kể: “Vợ chồng tui nên duyên cũng nhờ tiếng đàn, tiếng sào này đó. Hồi đó, ngày nào ông ấy cũng cầm sáo Pi còn tôi cầm cái đàn này ra bờ suối đánh đàn cả đêm. Cũng nhờ nó mà chúng tôi nên vợ nên chồng”.

 Bà Hồ Thị Sen với cây đàn Trơ bon.
Bà Hồ Thị Sen với cây đàn Trơ bon.

Thiếu tá Dương Thanh Tịnh – Đội trưởng Tổ công tác Rào Tre thuộc Đồn Biên phòng 575 cho biết: “Trong nét văn hóa của tộc người Chứt trước đây, có sáo Pi, đàn Muôi (đàn môi), đàn Trơ bon (đàn nứa), từ con trai đến con gái đều biết cách làm và sử dụng. Nhất là đối với những đôi trai gái yêu nhau dùng sáo, đàn thay cho lời nói để hiểu nhau và trở thành vợ chồng. Bên cạnh đó đàn, sáo được dùng trong lễ hội như đám cưới, lễ hội xuống giống, lễ cúng hồn lúa…”.

Nhưng giờ đây, khi về ở bản Rào Tre, tiếng đàn, tiếng sáo ấy dường như đã trở nên hiếm hoi. Những âm thanh mộc mạc của núi rừng đã mai một theo thời gian, thay vào đó là tiếng trống, tiếng nhạc được phát ra từ dàn âm thanh rất hiện đại. Hiện nay, trong bản chỉ còn 4 người biết đánh đàn, thổi sáo hay. Trưởng bản Hồ Kính buồn bã: “Thanh niên giờ chỉ thích nghe nhạc hiện đại thôi, không ai biết làm, biết đánh đàn nứa, đàn Muôi nữa đâu. Đàn dễ làm lắm nhưng có lẽ vì thế mà cũng dần bị  lãng quên”.

Bà Hồ Thị Niềm, một trong bốn người đánh đàn hay của bản, cầm cây đàn Trơ bon được bọc rất kỹ, trên ống nứa mối mọt đã đục khoét, bà tiếc nuối: “Đã từ lâu rồi tôi không dùng đến nó nữa. Trước đây ngày nào tôi cũng đưa nó ra thổi, giờ thổi cũng không còn ai thưởng thức nữa rồi”.

Kiểu kết duyên “độc nhất vô nhị”

Phong tục cưới xin của tộc người Chứt khá độc đáo. Để tiến đến hôn nhân, với người Chứt bó củi là một vật linh thiêng và hết sức quan trọng. Khi chàng trai thầm thương trộm nhớ một cô gái và muốn lấy về làm vợ thì chàng trai phải lên rừng kiếm một bó củi đến đặt trước cửa nhà cô gái thay cho lời cầu hôn. Đồng thời chàng trai phải giữ bí mật không cho các chàng trai khác trong bản được biết.

Theo quan niệm của người Chứt thì bó củi càng đều, càng đẹp, gọn gàng thì chứng tỏ chàng trai là một người chăm chỉ, cẩn thận. Nếu gia đình cô gái đồng ý lời cầu hôn đó thì sẽ mang bó củi vào nhà bếp. Và từ đó, người con trai có quyền được đến ăn ở như vợ chồng với cô gái cho dù chưa tiến hành lễ cưới hỏi.Và ngược lại, nếu sáng hôm sau, chàng trai thấy bó củi vẫn để nguyên thì chàng trai có thể mang bó củi về chờ dịp tìm hiểu và cầu hôn người con gái khác.

Theo phong tục, sau lễ cưới, vợ chồng ăn ở tại nhà gái năm ngày đêm., sau đó, về nhà trai ăn ở ba ngày đêm. Khi hết hạn quy định, vợ chồng quỳ lạy cha mẹ chồng, được cha mẹ cho phép mới được quyền tự do đi lại.

Đối với nhiều người con trai, sau lễ hỏi, họ chưa đủ điều kiện để làm lễ cưới thì có thể xin ở rể. Khi ở rể, họ đến sinh hoạt ở gia đình nhà gái như một thành viên chính thức. Chàng trai này vừa phải lao động cho nhà gái vừa phải tiết kiệm của cải làm được để tổ chức lễ cưới bắt buộc. Trong thời gian ở rể, đôi vợ chồng chưa chính thức đó có thể sinh con, đẻ cái như những đôi vợ chồng khác đã tổ chức lễ cưới. Thời gian ở rể tùy thuộc vào việc chuẩn bị lễ cưới của người con trai đã đủ hay chưa.

Thiếu tá Tịnh cho biết: “Trai gái người Chứt đã biết tìm hiểu nhau, con gái từ 13 – 14 tuổi, con trai từ 15 -16 tuổi trở thành vợ, thành chồng.  Trong cái mênh mông của núi rừng ấy, họ có thể rủ nhau đi chơi, có thể qua đêm với nhau trong rừng nhưng họ rất tôn trọng nhau mà không bao giờ vượt quá giới hạn cho phép”.

Các cặp vợ chồng khi tách hộ thường tổ chức đắp nền bếp với sự tham gia đầy đủ của các thành viên trong gia đình. Họ quan niệm nếu không tham gia sẽ xảy ra ốm đau. Điều đặc biệt là khách lạ không được vào buồng ngủ của vợ chồng chủ nhà, kể cả bố mẹ vợ và bố mẹ chồng.
Thanh Tâm

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP