Địa Chí Hà Tĩnh

Cẩm Nhượng: Chùa Yên Lạc và làng biển bình yên

Con sông Gia Hội vòng vo trên đất Cẩm Xuyên rồi cũng tìm về phía biển. Sông uốn khúc bên núi Tượng Lĩnh cắt chia những trảng cát dài thành cửa bể. Cửa Nhượng mang tên làng Nhượng Bạn (nay là Cẩm Nhượng). Nhiều gia đình, dòng họ lập nên làng. Một cộng đồng cư dân sống bên bờ đại dương bốn mùa sóng vỗ…

Làng Nhượng Bạn gối đầu lên sóng. Giữa ba bề sóng nước, khi bể lặng sóng yên, lại có khi biển cả ba đào. Thành ra con người nơi đây hơn đâu hết phải gồng mình chống chọi thiên tai để bảo toàn cuộc sống. Những mái nhà như cánh neo chơi vơi trên bờ biển và biển cả bao la là cánh đồng vô tận để truyền đời nhau, dân Nhượng Bạn lấy nghề biển làm cứu cánh cho cuộc đời.

Từ xa xưa, con người biết “quần tam tụ ngũ” mà nên đất, nên làng. Nhượng Bạn ví như cái đuôi cá khổng lồ đang quẫy bên bờ sóng và muôn đợt sóng đại dương như bao lấy vẩy cá. Vòng quanh những mái nhà bên đại dương là những ngọn sóng triều. Phía Bắc, ngọn Thiên Cầm với đàn trời đồng vọng. Phía Nam, ngọn Tượng Lĩnh như đầu voi làm bình phong chắn giữ và làng Nhượng Bạn xanh xanh tán cây, leo reo ngọn khói, bình yên mái nhà trải mấy trăm năm khai ấp lập làng.

Chùa Yên Lạc và làng biển bình yên
Chùa Yên Lạc. Ảnh: Hương Thành

Như bao lớp sóng hải hà khi hưng khi phế. Chính sự kia khi biến khi thường, làng Nhượng Bạn vẫn náu mình bên biển xanh. Từ lâu lắm rồi, cuối đời Trần, cách đây hơn 600 năm, khi dòng Kỳ La chưa đổi hướng, người ta đã nghe tiếng chuông của ngôi cổ tự bên bàu sen nơi cuối dòng Gia Hội. Chùa Yên Lạc được dựng lên từ đức tin. Đức tin về sự độ trì của đấng Thích ca mâu ni. Tin về tâm nguyện và hướng thiện của con người cho cuộc sống ngày một tốt đẹp hơn. Đức tin ấy tiếp thêm nguồn lực để cư dân Nhượng Bạn vững tay chèo lái nơi sóng to gió cả mà mưu sinh, mà tồn tại, phát triển như ngày nay.

Mạch đời không ngừng tuôn chảy như ngọn triều kia theo dòng thời gian. Giá trị tín ngưỡng của người Nhượng Bạn được gửi vào bóng mái Tam quan nơi ngôi chùa cổ kính. Yên Lạc tự thâm nghiêm u nhã, khuôn viên rợp bóng cây xanh. Toàn bộ kiến trúc ngôi cổ tự được bố trí theo hướng Tây bắc – Đông nam – theo lối chữ tam, trên trục chính gồm thượng – trung – hạ điện. Hai bên tả hữu vu ẩn dưới vòm cây cổ thụ thêm phần u tịch.

Khi bình minh, vầng dương đội sóng bao la hay hoàng hôn tà huy sương khói, tiếng chuông, nhịp mõ khoan thai vọng lên từ mái già Lam. Tìm về chốn tịnh tâm để con người vơi bớt bụi trần, rũ bớt tham vọng, tạo cho mình tâm thế “an cư kiết hạ”, cho tâm hồn trong sáng, khoáng đạt. Ngỏ hầu, kiểm soát hành vi của mình mà sống nhân đức, thuận hòa.

Giữa muôn mặt cuộc đời, người Nhượng Bạn vẫn tề tựu nơi cửa Phật, thành kính trong mõ thiền kinh kệ. Đó chính là nét đẹp văn hóa tinh thần của cư dân ven biển. Cầu mong trời yên bể lặng, sóng nhẹ, gió êm. Cầu cho dân sinh khang thái, cho quê hương, đất nước bình yên, thịnh trị và muôn dân an vui như ba chữ Yên Lạc tự tỏa sáng dưới ánh mặt trời. Như hạt cát âm thầm phù sa mà nên đất nên làng, nét văn hóa tâm linh tín ngưỡng thấm vào tâm hồn con người. Ánh sáng chân – thiện – mỹ cho con người tu tâm dưỡng tính, sống khiêm nhường, độ lượng như lời răn của đức phật.

Theo dòng thời gian với mái rêu phong thâm nghiêm, chùa Yên Lạc được trùng tu, tôn tạo ngày một khang trang. Ở đây, hệ thống hiện vật, tế khí, bày biện ở tam tòa được bảo lưu khá nguyên vẹn. Những pho tượng cổ bằng gỗ quý với niên đại mấy trăm năm. Chuông đồng, khánh đá ghi niên hiệu Cảnh Thịnh triều Tây Sơn cũng đã hơn 200 năm có lẻ.

Màu thời gian quyện cùng hương khói – đức phật tĩnh tại tòa sen. Bức tranh thập điện, tượng Tam thế phật và nhiều hiện vật uy nghiêm như triết lý nhà phật, như thông điệp của ngàn xưa nhắn gửi với con người hôm nay và mai sau rằng, nhân tâm, đức độ chính là nhân bản của đời người.

Giữa chốn tịnh tâm nơi chùa Yên Lạc, con người hẳn thấy tâm hồn thanh thoát nhẹ nhàng. Dẫu ngoài đời vô vàn thay đổi thì dưới bóng tam quan vẫn một đức tin thánh thiện.

Phật lại tựa tâm, tâm tựa phật

Nhân năng hoằng đạo đạo hoằng nhân

Đến với đức phật bằng tâm trí và tâm trí làm sáng danh con người. Chuyên vì đạo pháp thì đạo pháp hoàn thiện chính con người.

Trên vùng quê sóng nước, ẩn hiện mái chùa cổ kính rêu phong. Dẫu bao biến thiên thời cuộc thì những giá trị vật chất và tinh thần to lớn phát sáng từ Yên Lạc tự luôn lấp lánh hồn người. Quần thể kiến trúc cổ xưa, hệ thống hiện vật quý hiếm, phong phú song hành cùng lịch sử quê hương. Chùa Yên Lạc được công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Điều này khẳng định: Đảng và Nhà nước luôn coi trọng giá trị văn hóa ông cha xưa truyền lại, bảo lưu, giữ gìn cũng như tôn tạo, phát huy những giá trị đó trong đời sống cộng đồng, trong công cuộc chấn hưng văn hóa và đổi mới hiện nay. Đường lối văn hóa của Đảng được cộng hưởng bởi tâm nguyện của toàn dân:

Đạo pháp sáng ngời cùng đất nước

Tâm từ còn mãi với non sông

Trong khung cảnh thanh bình ở làng quê cửa biển – khi hoàng hôn buông là tiếng chuông chùa khoan thai vang vọng, nhắc nhở con người sống kết đoàn, tương thân tương ái. Tiếng chuông chùa như nhịp cầu tâm linh nối mười phương trời phật cùng cuộc đời tĩnh tại. Người Nhượng Bạn luôn tự hào rằng, làng quê có di tích cấp quốc gia ngày một đổi mới, rằng những giá trị cao đẹp đang được nâng niu, trân trọng.

Trương ngọc ánh (Theo Baohatinh)

>> Cẩm Nhượng: Khánh thành chùa Yên Lạc

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP