Địa Chí Hà Tĩnh

155 năm danh xưng Can Lộc (1862 – 2017)

Trước khi có danh xưng Can Lộc, vùng đất này đã có nhiều tên gọi khác nhau, luôn được coi là “vùng đất thiêng – người tuấn kiệt”. Những di tích lịch sử, những danh nhân và những con người quật khởi đã tạo nên một Can Lộc mềm mại, sâu lắng mà kiên trung, anh dũng.

Upload

Cụm tượng đài Xô viết Nghệ Tĩnh – Ngã ba Nghèn

Nguyên là vùng đất tụ cư của người Việt cổ gắn với truyền thuyết Cố đô Ngàn Hống của Kinh Dương Vương, theo các thư tịch cổ, ban đầu, Can Lộc thuộc huyện Hà Hoàng, quận Cửu Chân; năm 271 đổi tên là Phù Lĩnh; năm 679 được gọi là huyện Việt Thường; thời kỳ Đại Việt lại mang tên Phi Lộc, rồi Phúc Lộc. Năm 1469, niên hiệu Quang Thuận năm thứ 10, vua Lê Thánh Tông ban đạo dụ thành lập 12 thừa tuyên, trong đó có huyện Thiên Lộc thuộc phủ Đức Quang, trấn Nghệ An. Năm 1862, vua Tự Đức đổi tên thành huyện Can Lộc.

Upload

Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc.

Can Lộc là huyện đồng bằng bán sơn địa nằm ở trung tâm tỉnh Hà Tĩnh, có địa giới hành chính một thời kỳ dài là đầu Mênh – cuối Sót, năm 1991 chia tách một phần để thành lập thị xã Hồng Lĩnh, năm 2007 cắt thêm 7 xã để thành lập huyện mới Lộc Hà. Can Lộc hiện có 23 xã, thị trấn, với diện tích tự nhiên 30.248,4 ha, dân số trên 130.000 người. Trung tâm huyện lỵ là Thị trấn Nghèn, tên cũ là Trảo Nha, danh xưng được một triều đại phong kiến ban tặng – Xã tắc chi Trảo Nha (nanh vuốt nước nhà).
Nơi đây đã liên tục sản sinh, nuôi dưỡng những con người làm rạng dạnh quê hương, đất nước. Sách Lịch triều hiến chương loại chí của Quốc ghi nhận, Can Lộc là một huyện trội về văn hóa, qua các thời kỳ thi cử Nho học có 42 vị đỗ đại khoa, chiếm 1/3 của cả tỉnh Hà Tĩnh. Từ người khai khoa Thái học sinh Đặng Bá Tĩnh cho đến Đình nguyên Thám hoa Phan Kính, Thám hoa – Danh sư Nguyễn Huy Oánh, Tiến sĩ Dương Trí Trạch, Hà Công Trình, Hà Tôn Mục, Vũ Diệm…, truyền thống học hành khoa cử ấy còn được lưu truyền nơi có câu phương ngôn Bút Cấm Chỉ, sỹ Thiên Lộc.
Đất Can Lộc là mạch nguồn của những tấm lòng ái quốc ưu dân, nơi nuôi lớn những nhân cách mà lòng yêu nước luôn sục sôi từ thuở Đặng Tất, Đặng Dung mài gươm rửa hận, La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp gác lại thú riêng ra giúp Quang Trung thống nhất giang sơn, đến những ông Nghè như Ngô Đức Kế dám dấn thân chốn lao tù mưu phục quốc, cụ giáo Võ Liêm Sơn lặn lội lên chiến khu làm cách mạng, được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng gậy và trao trọn niềm tin: Kháng chiến ắt thành công!
Can Lộc cũng là địa phương luôn đi tiên phong trong các phong trào cách mạng, từ Xô viết Nghệ Tĩnh các năm 1930 – 1931; là huyện đầu tiên của tỉnh Hà Tĩnh giành được chính quyền trong Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám năm 1945, đến những chiến công hiển hách đã trở thành huyền thoại trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, như Ngã ba Đồng Lộc, làng K130…
Đất Can Lộc cũng là mạch nguồn góp phần làm nên Văn phái Hồng Sơn lừng lẫy từ Nguyễn Huy Tự (Truyện Hoa Tiên), Nguyễn Huy Hổ (Mai đình mộng ký), nối đến ông hoàng thi ca Xuân Diệu; từ những những nhà khoa học đầu ngành Nguyễn Đình Tứ, Phan Đình Diệu tới gần 200 giáo sư, phó giáo sư tính từ Cách mạng tháng Tám năm 1945 đến nay.
Truyền thống văn hóa, yêu nước của người dân Can Lộc luôn được thăng hoa, trao truyền qua các thế hệ đã góp phần tạo nên một hệ thống di sản văn hóa cả vật thể lẫn phi vật thể hết sức phong phú, đa dạng, trong đó có nhiều di sản nổi tiếng, như Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc, Chùa Hương Tích, Xô viết Nghệ Tĩnh – Ngã ba Nghèn, Làng K130 Tiến Lộc, các di tích của dòng họ Nguyễn Huy – Trường Lưu, họ Ngô – Trảo Nha, họ Hà, họ Đặng – Tùng Lộc; các di sản mang tầm nhân loại như Hát ví dặm, Mộc bản trường học Phúc Giang… cùng kho tàng truyền thuyết, truyện cổ tích, nói lối, ca dao…
Phát huy truyền thống của quê hương, vượt lên những đau thương, mất mát trong các cuộc chiến tranh và những khó khăn, thử thách của thiên tai, Đảng bộ và nhân dân Can Lộc đang đồng tâm nhất trí xây dựng huyện nhà phát triển toàn diện về mọi mặt, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Trong giai đoạn hiện nay, Can Lộc đang tập trung cao độ thực hiện nhiệm vụ trọng tâm, đó là: nâng cao năng lực lãnh đạo của tổ chức Đảng và hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, tập trung huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, phát triển toàn diện các lĩnh vực, trong đó ưu tiên một số mũi đột phá về tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; gắn tăng trưởng kinh tế với đẩy mạnh phát triển văn hóa, xã hội, đảm bảo công tác quân sự địa phương và an ninh trật tự, giữ vững ổn định chính trị, xây dựng Can Lộc đạt chuẩn huyện nông thôn mới trước năm 2020, thực sự giàu mạnh, văn minh.
“Trời mô xanh bằng trời Can Lộc…”, câu hát đó đã đọng lại trong tâm trí của rất nhiều người dân Can Lộc, Hà Tĩnh nói riêng và cả nước nói chung. Có lẽ không chỉ có vùng đất, vùng trời này, mà mọi người dân Can Lộc luôn mong muốn và sẵn sàng giang rộng vòng tay chào đón bạn bè ghé thăm./.

Lương Hoàng

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP