Thế giới

Ai sẽ là người được dùng vaccine chống COVID-19 đầu tiên?

Khi tin tức về sự tiến bộ của hoạt động nghiên cứu vaccine COVID-19 đang đạt được nhiều tiến triển lạc quan xuất hiện, ngay lập tức đã có những băn khoăn về việc ai sẽ là những người đầu tiên được thụ hưởng nếu như nhân loại chế vaccine thành công.

Ngay cả khi đã có vaccine COVID-19, chúng ta vẫn còn phải đối diện với rất nhiều khó khăn trong công tác chống dịch. Ảnh: AFP

Bệnh nhân số 0, ca siêu lây nhiễm điển hình

Ông ấy là một trong 750.000 người đã đi qua Nhà ga trung tâm ở New York, Mỹ, trong cái ngày định mệnh 21.2 đó. Ông là một luật sư làm việc tại phố 42, tại một tòa cao ốc có lối đi kết nối thẳng xuống ga tàu nối liền giữa New York và Connecticut.

Ông và vợ có một công ty nhỏ chuyên về luật bất động sản, nằm ở tầng 47 của tòa nhà. Cuối ngày làm việc, ông đi xuống ga và bắt chuyến tàu quen thuộc về nhà ở quận New Rochelle. Khi đó, Mỹ mới có 34 ca nhiễm COVID-19, tất cả đều liên quan tới hoạt động di chuyển ra nước ngoài.

Ngày tiếp theo, người đàn ông tới một nhà thờ của người Do Thái Young Israel ở New Rochelle, điều ông vẫn làm vào mọi thứ bảy. Ông tiếp tục trở lại Young Israel vào 11 giờ sáng hôm sau để dự một đám tang. Chiều hôm đó, ông cùng đám đông tới nhà thờ để dự một lễ trưởng thành. Giới chức Mỹ ước tính rằng trong 2 cuộc đó, người đàn ông này đã tiếp xúc với từ 800 - 1.000 người.

"Ban đầu tôi cảm thấy muốn ho và đã nghĩ mình bị dị ứng" - người đàn ông sau đó kể với tờ New York Law Journal. Bởi cơn ho không dứt, ông đã đặt lịch khám với bác sĩ. Nhưng ngày 26.2, ông bị sốt. Chuyến đi tới bệnh viện và cuộc xét nghiệm sau đó cho thấy, ông dương tính với virus SARS-CoV-2. Ông được coi là một trong những người đầu tiên ở Mỹ mắc COVID-19 từ cộng đồng.

Trong những ngày tiếp theo, số ca lây nhiễm ở New Rochelle bắt đầu tăng lên chóng mặt. Gần như bất kỳ ai đã ở Young Israel trong ngày cuối tuần 22.2 đều được yêu cầu phải cách ly, nhưng hàng chục người đã nhiễm bệnh và tới lượt họ vô tình lây nhiễm bệnh lan rộng. Thống đốc New York Andrew Cuomo đã gần như phải tổ chức họp báo thường nhật về dịch bệnh. "New Rochelle có lẽ là ổ dịch lớn nhất nước Mỹ” - ông nói. "Con số đã đi lên đều đặn và không giảm xuống chút nào".

Chính quyền bang phải vẽ một vòng tròn phong tỏa với bán kính 1,6km quanh New Rochelle, trong đó tất cả trường học, nơi làm và nơi thờ cúng đều phải đóng cửa, các cuộc tụ họp đông người bị cấm ngặt. Quy định trong khu vực này rõ ràng khác xa với toàn bộ nước Mỹ, nhưng nó chính là tương lai mà quốc gia này phải đối mặt.

Tình trạng người đàn ông ngày càng tệ, tới mức các bác sĩ phải dùng thuốc đưa ông vào tình trạng hôn mê để điều trị. Tới cuối tháng 2, hơn 10.000 ca nhiễm đã được xác định với nguồn gốc lây bệnh là người đàn ông. Cuối cùng sau 2 tuần hôn mê, người đàn ông tỉnh dậy, bắt đầu quá trình phục hồi. Báo chí gọi ông là bệnh nhân số 0, người đã đưa dịch COVID-19 tới New Rochelle. Nhưng đó là một sự giả định vội vã. Thực tế, chẳng ai biết bằng cách nào virus SARS-CoV-2 đã lây lan mạnh trong cộng đồng của ông. Có một điều rõ ràng là người đàn ông được hàng xóm đánh giá tử tế, tốt tính và dễ gần này khiến ông thành kẻ lây lan bệnh tật cực mạnh sau khi nhiễm virus. Nếu ông không phải người quảng giao, tích cực hoạt động; nếu sau khi trở về từ ga tàu Grand Central và ở lì tại nhà suốt tuần, hẳn ông đã không lây nhiễm cho nhiều người như thế. Bỏ ông ra khỏi mắt xích, toàn bộ những rắc rối đã xảy ra hẳn sẽ không tồn tại.

Pfizer là một trong số các công ty thông báo đang đạt tiến triển tốt với việc chế vaccine chống COVID-19. Ảnh: AFP


Ngăn dịch bằng cách chặt mắt xích siêu lây nhiễm

Những trường hợp như kể ở trên là các ví dụ rõ ràng nhất về cái gọi là các ca siêu lây nhiễm, điều nước Mỹ và thế giới đã biết kể từ khi dịch mới diễn ra. Cụ thể, hồi tháng 1, một người đàn ông đã lây nhiễm virus cho 23 người đi chung xe buýt với anh ta ở Thượng Hải, Trung Quốc. Tháng 3 năm nay, thành viên một dàn nhạc giao hưởng ở Washington đã lây nhiễm virus cho 52 đồng nghiệp. Sang tháng 8, một vị khách mắc bệnh dự đám cưới ở Maine đã làm 175 người nhiễm virus. Tới tháng 9, Tổng thống Mỹ Donald Trump tổ chức tiệc mừng ứng viên Amy Coney Barrett được đề cử cho ghế Chánh án Tối cao Pháp viện và sự kiện đã khiến vài chục nhân vật có ảnh hưởng trong Đảng Cộng hòa nhiễm virus.

Có thể nói, COVID-19 là một đại dịch được định hình bởi các ổ dịch. Một số vụ bùng dịch gây chết chóc tại các nhà dưỡng lão, nhà tù, nhà máy đóng thịt. Các vụ bùng dịch khác xảy ra trong những nhóm gia đình riêng biệt, hoặc các nhóm bạn bè.

Theo nhiều nghiên cứu khác nhau, virus SARS-CoV-2 dường như hoạt động theo một quy tắc 80/20: 80% tổng số bệnh nhân thực tế đã lây virus từ chỉ khoảng 20% cá nhân đã nhiễm bệnh. Thực vậy, đa phần những người dương tính với SARS-CoV-2 (một nghiên cứu ở Hongkong (Trung Quốc) thậm chí đưa ra con số cụ thể là 69% người nhiễm bệnh) không có khả năng làm lây lan bệnh.

Sau khi nhiễm bệnh, họ bộc lộ triệu chứng hoặc bị ốm, khỏi bệnh hoặc qua đời, nhưng không hề lây bệnh cho ai cả. Nhưng cũng có những bệnh nhân như vị luật sư ở New Rochelle, với khả năng lây lan khủng khiếp.

Các cá nhân siêu lây nhiễm như thế khiến virus phát tán rất mạnh. Nó cũng giải thích vì sao một số nơi xảy ra bùng dịch dữ dội, trong khi ở nơi khác tình hình lại khá êm ả, ít nhất trong thời gian trước mắt. Đây cũng dường như là lý do khiến một số hành vi rủi ro cao thời dịch (ví dụ tổ chức đám cưới đông người trong nhà) lại có thể dẫn tới các vụ bùng dịch với hàng chục người nhiễm, hoặc chẳng có ai mắc bệnh cả.

Nhưng các cá nhân siêu lây nhiễm cũng chính là "gót chân Asin" của dịch bệnh. Loại bỏ những người siêu lây nhiễm ra khỏi mắt xích và chúng ta sẽ chấm dứt đại dịch. Nhưng một câu hỏi khác đặt ra: Ai là thành viên của cộng đồng siêu lây nhiễm 20% này?

Theo Alessandro Vespignani, một chuyên gia về dịch COVID-19 đã tư vấn cho chính quyền Mỹ suốt thời gian qua, cụm từ siêu lây nhiễm có thể khiến người ta có chút nhầm lẫn. “Mới nghe qua, người ta sẽ tưởng có một nhóm người với đặc điểm sinh học riêng biệt khiến họ phát tán virus khỏe hơn” - ông nói. "Nhưng không phải vậy, đơn giản là những người ấy có nhiều quan hệ hơn và phải đi tới những nơi thuận lợi cho việc phát tán virus hơn”. Nếu người mắc bệnh ở một chỗ, không tiếp xúc bên ngoài thì chẳng cần biết anh ta "tỏa" ra nhiều hay ít virus, sẽ không ai nhiễm bệnh cả.

Để loại bỏ các ca siêu lây nhiễm khỏi dây chuyền, các xã hội sẽ phải xác định rõ nhóm đối tượng này: Những người có nhiều quan hệ tại các môi trường khác nhau. Đó phải là một người sống trong một gia đình, có công việc khiến họ cần giao tiếp với nhiều người lạ và họ rất tích cực tham gia các hoạt động ngoài xã hội.

Nhưng làm cách nào để người ta tìm được các cá nhân như thế trong một quốc gia rộng lớn, giả dụ như nước Mỹ với hơn 330 triệu dân sống trên 50 tiểu bang. Đây cũng là trở ngại mà giới chức y tế công đang mắc kẹt. Để hiểu được những người siêu lây nhiễm tiềm năng đang ở đâu trong cộng đồng dân cư, người ta sẽ cần một bản đồ về mối quan hệ bạn bè, gia đình và quan hệ xã giao của mọi người. Tuy nhiên, tấm bản đồ như thế không hề tồn tại.

Để khoanh vùng những người siêu lây nhiễm, người ta có thể sẽ phải nhờ những chuyên gia... toán học và vật lý như Albert-László Barabási, Paul Erdos, Alessandro Vespignani hay Réka Albert. Cùng nhau họ đã phát triển một mô hình tính toán về mạng lưới quan hệ xã hội của các nhóm đối tượng riêng biệt.

Năm 2002, Vespignani và một cộng sự đã viết một tài liệu về “kế hoạch miễn dịch có mục tiêu”, trong đó nhóm nghiên cứu đề xuất việc dập dịch bằng cách tiêm vaccine cho những cư dân có nhiều quan hệ nhất. Họ tạo ra một mô hình tính toán chạy trên máy tính, giả lập tác động của chiến lược này trong tình huống nhân loại đã tìm ra vaccine AIDS. Mô hình máy tính đã giả lập “mạng lưới quan hệ tình dục” của con người và cho kết quả rằng cả hệ thống có thể được bảo vệ nếu người ta tiêm vaccine cho 16% trong đó, với điều kiện đây là các cá nhân có nhiều quan hệ xã hội nhất.

Barabási còn nhớ đã đọc nghiên cứu của Vespignani và thử áp dụng logic trong đó với đại dịch AIDS ở khu vực cận Sahara tại Châu Phi, nơi chính quyền Mỹ từng có kế hoạch tham vọng chống dịch. Theo tư duy này, các loại thuốc chống HIV sẽ phải được dành cho những cá nhân có nhiều bạn tình nhất trong xã hội - nếu người ta muốn chặn dịch với tốc độ nhanh nhất. Nhưng đây không phải lối tiếp cận của chính quyền Mỹ khi ấy.

“Tổng thống G.W.Bush muốn dành thuốc điều trị HIV/AIDS cho các bà mẹ đang nuôi con, bởi nó có tác dụng ngăn lây virus từ mẹ sang con và tốt về mặt hình ảnh” - ông giải thích. “Nhưng phân phối thuốc HIV cho cộng đồng gái bán dâm mới là hướng để có tác động lớn nhất, bởi đây cũng chính là những cổng phát tán virus mạnh nhất”.

Còn tranh cãi quanh danh sách ưu tiên dùng vaccine

Kể từ khi đại dịch COVID-19 diễn ra, Ủy ban cố vấn hoạt động miễn dịch tại Trung tâm Kiểm soát ngăn ngừa bệnh tật Mỹ (CDC) đã nghiên cứu câu hỏi về việc ai sẽ được tiêm những liều vaccine ngừa SARS-CoV-2 đầu tiên. Tháng 8 vừa qua, ủy ban đã tổ chức họp trực tuyến trên Zoom để bàn về đối tượng thụ hưởng vaccine và họ có nhận câu hỏi từ công chúng.

Một trong những người đầu tiên gửi câu hỏi tới cho ủy ban là... ông già Noel. Chính xác hơn, đó là Ric Erwin - người ngồi ghế Chủ tịch ban điều hành Hội ông già Noel có râu thực sự. Trước sự nghi ngờ và cả thái độ hơi thiếu nghiêm túc của một số thành viên ủy ban, Erwin đã đặt ra một câu hỏi bất ngờ: “Năm nay, lễ Giáng sinh sẽ rất quan trọng với tâm lý của người Mỹ. Vì thế, việc có một đội ngũ các ông già Noel đã được tiêm vaccine trước khi đi lắng nghe tâm nguyện của trẻ em khắp nơi cũng là chuyện không thể xem nhẹ. Chúng tôi đề nghị rằng, các ông già Noel chuyên nghiệp và các lao động thời vụ khác ở tuyến đầu cần được tiêm vaccine COVID-19 ngay từ những lô đầu tiên”.

Erwin hẳn đã tìm hiểu rất kỹ thông tin. Wired cho biết, vaccine COVID-19 ở Mỹ sẽ được tung ra theo từng đợt. Các liều sớm nhất, với số lượng khoảng 20 triệu liều, sẽ được dành cho những nhóm mà CDC xem là thiết yếu nhất cho hoạt động của xã hội, dù thứ tự ưu tiên như thế nào chưa được công bố. Erwin có lý khi muốn ở nhóm đầu thụ hưởng, nhưng thời hạn chót là tháng 12.2020 mà anh đặt ra lại rất khó đạt được.

Sau khi hoàn tất danh sách đối tượng ưu tiên tiêm vaccine, người ta vẫn còn phải đối mặt với nhiều khó khăn khác. Trước tiên là công bố danh sách và khiến công chúng chấp nhận nó. Sau đó là vượt qua các trở ngại khác về mặt kỹ thuật. Ở Mỹ, cả hai loại vaccine COVID-19 triển vọng nhất hiện nay là Pfizer và Moderna vẫn cần ít nhất một liều tiêm trước để “kích” hoạt động đề kháng và liều thứ hai để tạo miễn nhiễm. Như thế, số người được tiêm ngay trong đợt đầu sẽ chỉ là một nửa tổng số liều vaccine. Ngoài ra, vaccine của Pfizer cần được bảo quản ở nhiệt độ -71 độ C, lạnh hơn nhiều mức bảo quản thông thường, nên cũng gây những khó khăn nhất định về hậu cần.

Đó là còn chưa tính tới tình huống sẽ có người từ chối tiêm vaccine. Điều này, cộng với các yếu tố nêu trên, đều có khả năng tác động tới tính chính xác của các mô hình tính toán nhằm đạt hiệu quả miễn dịch tốt nhất.

Cuối cùng, không thể loại bỏ yếu tố đạo đức ra khỏi hoạt động tiêm vaccine COVID-19. Hãy thử đặt ra tình huống liên quan tới vấn đề này: Bạn chỉ còn một liều vaccine, nhưng lại có tới 2 ứng viên đủ tiêu chuẩn để tiêm. Ứng viên một là một sinh viên đại học không thích giãn cách xã hội, đeo khẩu trang, thích chơi bời đàn đúm tụ tập ở chốn đông người trong mùa dịch. Ứng viên thứ hai là một cụ bà 87 tuổi góa chồng, sống một mình và gần như chẳng ra khỏi nhà kể từ tháng 3 năm nay. Nếu mục tiêu của bạn là bảo vệ người dễ tổn thương, bà cụ chắc chắn sẽ được lựa chọn. Nhưng nếu muốn giảm sự lây nhiễm, bạn phải tiêm cho anh chàng sinh viên. Nhưng từ góc độ ngăn dịch, anh chàng sinh viên lại là một mắt xích cần phải được ưu tiên xử lý.

Đây là bài toán khó mà chắc chắn nhiều chính quyền sẽ phải tính tới, sau khi có vaccine trong tay.

Ủy ban cố vấn hoạt động miễn dịch của Mỹ đang rất thận trọng và có vẻ như sẽ không đưa ra khuyến nghị nào về đối tượng ưu tiên dùng vaccine cho tới khi Pfizer và Moderna công bố kết quả chế vaccine cuối cùng. Tuy nhiên, theo một kế hoạch mà ủy ban từng công bố hồi tháng 9, những liều đầu tiên chắc chắn sẽ được dành cho các nhân viên y tế - một cộng đồng có số lượng từ 17 - 20 triệu người. Tổ chức Y tế Thế giới cũng đã đưa ra khuyến nghị tương tự cho các quốc gia thành viên.

Lý do để nhóm này được ưu tiên khá thực dụng: Mắt xích lây lan dịch dễ kiểm soát hơn, bởi cộng đồng có rủi ro cao nhất đã ở trong viện (một nghiên cứu tại bệnh viện ở London thậm chí cho thấy 15% trong tổng số ca nhiễm phải nhập viện là do lây bệnh khi tới bệnh viện này). Ngoài ra, việc tiêm vaccine cho các y bác sĩ cũng làm tăng sự tin tưởng của công chúng khi tham gia điều trị COVID-19. Và dĩ nhiên, chúng ta cũng cần giữ cho đội ngũ y bác sĩ khỏe mạnh để tiếp tục chống dịch.

Nhưng sau khi tiêm xong nhóm này, câu hỏi ưu tiên sẽ vẫn xuất hiện. Nhiều khả năng, giai đoạn 2 sẽ bao gồm các lao động thiết yếu trong xã hội, như ở Mỹ là 80 triệu người. Đây đều là các cá nhân thường xuyên phải tiếp xúc với nhiều người lạ trong xã hội và họ rất quan trọng trong việc giữ cho xã hội vận hành bình thường. Người già sẽ phải chờ tới giai đoạn 3.

Tuy nhiên, theo những người như Marc Lipsitch - một chuyên gia bệnh dịch học tại Trường Y Đại học Havard, người già phải nằm trong nhóm ưu tiên số một. Ông đồng tình rằng để giảm quy mô dịch bệnh, cần phải sử dụng vaccine sớm với những người có nhiều mối quan hệ xã hội. Nhưng ông chỉ ra rằng, các lệnh phong tỏa và giãn cách xã hội đã làm giảm đáng kể hoạt động giao tiếp của mọi người. Trong khi đó, chúng ta đều biết một đặc tính rõ rệt của COVID-19: Bệnh giết chết rất nhiều người già. Vì thế, ông tin rằng bất kỳ kế hoạch sử dụng vaccine nào không đưa người già lên hàng đầu đều là phương án sai lầm nghiêm trọng.

Có thể thấy, khi đối mặt với dịch bệnh quy mô toàn cầu như COVID-19, nhân loại phải đứng trước nhiều thách thức, nhiều câu hỏi khó, kể cả về mặt kỹ thuật lẫn trên khía cạnh đạo đức - khiến cho ngay cả khi đã ở ngưỡng cửa của việc có chìa khóa hóa giải bệnh tật, chúng ta cũng không dễ dàng thoát khỏi nó thật nhanh.

Năm 2002, Vespignani và một cộng sự đã viết một tài liệu về “kế hoạch miễn dịch có mục tiêu”, trong đó nhóm nghiên cứu đề xuất việc dập dịch bằng cách tiêm vaccine cho những cư dân có nhiều quan hệ nhất. Họ tạo ra một mô hình tính toán chạy trên máy tính, giả lập tác động của chiến lược này trong tình huống nhân loại đã tìm ra vaccine AIDS. Mô hình máy tính đã giả lập “mạng lưới quan hệ tình dục” của con người và cho kết quả rằng, cả hệ thống có thể được bảo vệ nếu người ta tiêm vaccine cho 16% trong đó, với điều kiện đây là các cá nhân có nhiều quan hệ xã hội nhất.

Tác giả: TƯỜNG LINH

Nguồn tin: Báo Lao Động

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP