TAND TP HCM vừa nhận đơn khởi kiện về "hủy quyết định hành chính, hành vi hành chính" của bà Nguyễn Thị Phương Trang (thường trú quận 5, TP HCM). Bà Trang khởi kiện Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh (TP HCM), đề nghị hủy quyết định hành chính liên quan đến việc cưỡng chế phá dỡ công trình vi phạm trật tự xây dựng đô thị.
Một hành vi có 2 quyết định xử lý (?!)
Trong đơn, bà Trang trình bày, năm 2015, bà xây nhà không phép tại ấp 4, xã Bình Hưng (huyện Bình Chánh). Ngày 9-6-2015, cơ quan chức năng lập biên bản vi phạm đối với công trình này. Hôm sau, UBND xã Bình Hưng ra quyết định đình chỉ thi công công trình (viết tắt: QĐ số 697), thời hạn thi hành là 3 ngày kể từ ngày ban hành.
Ngày 15-6-2015, UBND xã Bình Hưng ra quyết định cưỡng chế phá dỡ công trình vi phạm trật tự xây dựng (QĐ 706).
Thế nhưng đến ngày 22-6-2015, UBND huyện Bình Chánh ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với bà Trang (QĐ 353) với thời hiệu 1 năm. Tuân thủ, bà Trang đóng phạt hơn 6 triệu đồng.
Hơn 3 năm trôi qua, đến ngày 27-11 và 11-12-2018, UBND xã Bình Hưng lần lượt ra 2 thông báo cưỡng chế tháo dỡ căn nhà.
Căn nhà do bà Trang xây dựng không phép bị cưỡng chế tháo dỡ ngày 14-12-2018 |
Sau khi thực hiện mọi thủ tục theo trình tự, ngày 14-12-2018, UBND xã cưỡng chế, đập bỏ căn nhà.
Sai trình tự thủ tục
Theo hồ sơ vụ việc, cấp xã đã ban hành quyết định cưỡng chế tháo dỡ (QĐ 706). Sau đó, cấp huyện lại ban hành quyết định xử phạt tiền và biện pháp khắc phục là buộc tháo dỡ (QĐ 353, giao xã thực hiện). Luật sư Nguyễn Ngọc Phát, Đoàn Luật sư TP HCM, cho rằng cơ quan chức năng ban hành 2 quyết định cùng xử lý một hành vi sai phạm là không hợp lý, thiếu căn cứ pháp luật.
Luật sư phân tích, theo nguyên tắc, quyết định hành chính ban hành sau của huyện thay thế cho quyết định trước đó của cấp xã. Như vậy, quyết định 706 do UBND xã Bình Hưng ban hành không còn hiệu lực kể từ ngày QĐ 353 của UBND huyện Bình Chánh ra đời. Dù vậy, 2 thông báo về cưỡng chế tháo dỡ do UBND xã Bình Hưng phát ra không những căn cứ QĐ 353 mà còn căn cứ cả QĐ 706 – một quyết định không còn giá trị pháp lý. Quan trọng hơn, QĐ 353 (ngày 22-6-2015) cũng không đúng trình tự thủ tục khi ban hành vì vượt quá 7 ngày kể từ ngày lập biên bản vi phạm ngày 9-6-2015 (theo khoản 1, điều 66, Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012).
Đường hẻm vào nhà bà Trang trong khu dân cư hình thành chủ yếu từ giấy mua bán viết tay |
Ngoài ra, luật sư Nguyễn Ngọc Phát khẳng định 2 quyết định nói trên đều căn cứ văn bản hướng dẫn luật cũ, tại ngày ra quyết định đã bị luật mới thay thế. Cụ thể, 2 quyết định căn cứ Nghị định 180/2007 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Xây dựng 2003 về xử lý vi phạm trật tự xây dựng đô thị. Tuy nhiên, thời điểm UBND xã Bình Hưng lập biên bản vi phạm (ngày 9-6-2015), Luật Xây dựng 2014 đã thay thế Luật Xây dựng 2003. Tương tự, cơ quan có thẩm quyền viện dẫn Nghị định 201/2013 quy định xử phạt hành chính trong hoạt động xây dựng. Trong khi, nghị định này quy định hành vi xây dựng bị chế tài theo Luật Xây dựng 2003.
"Chính quyền đã cưỡng chế nhà bà Trang từ những văn bản, quyết định xử lý thiếu căn cứ pháp lý" – luật sư nhận định.
Từ năm 2015 đến ngày 14-12-2018, ngoài gia đình bà Trang đã có khoảng hơn 50 căn nhà mọc lên ở khu vực này. Trước khi xây dựng, hầu hết các hộ gia đình đều mua đất bằng giấy viết tay.
Tác giả: Di Lâm
Nguồn tin: Báo Người lao động