Người dân ở xã Đức Bồng, huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh) đang lâm cảnh không thể sản xuất được, nguyên nhân do các nhà thầu trong quá trình thi công kênh dẫn nước Thủy lợi Ngàn Trươi – Cẩm Trang đã chặn dòng chảy thoát nước, khiến cho toàn bộ diện tích đất nông nghiệp của người dân nơi đây bị ngập úng hoàn toàn.
Hết đất làm ăn.
Hệ thống kênh mương dẫn nước của “đại dự án” Thủy lợi Ngàn Trươi – Cẩm Trang chạy qua địa bàn xã Đức Bồng với tổng chiều dài trên 6km.
Kể từ khi các nhà thầu thi công tuyến kênh mương này gần như toàn bộ diện tích đất nông nghiệp của người dân nơi đây bị ngập úng hoàn toàn.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do các nhà thầu trong quá trình thi công đã đỗ đất chắn ngang dòng chảy của suối cầu Động, khiến cho nước từ vùng thượng nguồn đỗ xuống bị chắn lại tại đây.
Số diện tích đất sản xuất của xã này bị ngập úng chiếm trên 80% diện tích đất nông nghiệp của toàn xã. Một số thôn như, thôn 2, thôn 3, thôn 7 có đến 100% hộ dân không còn đất để làm ăn.
Đường giao thông nông thôn của xã bị chính đơn vị nhà thầu đỗ đất lên khiến cho việc đi lại của người dân nơi đâu hết sức kho khăn..
Những cánh đồng của xã này bị ngập nặng gồm: đồng Chè, đồng Chay, đồng Kiêng, đồng Nhà Ngâm, đồng Sim, đồng Tày Súc, đồng Cơn Nầy, đồng Nhà Lai, đồng Chọ Trồi, đồng Đợi, đồng Kho…
Đây là những cánh đồng loại một, cho năng suất cao, mỗi năm người dân sản xuất 2 vu lúa.
“Gần như toàn bộ diện tích đất nông nghiệp của dân nơi đây bị ngập úng hoàn toàn kể từ ngày các đơn vị thi công tuyến kênh mương này. Họ ( nhà thầu- PV) làm ẩu và vô trách nhiệm lắm.
Để cho việc thi công của họ được thuận tiện họ sẵn sang đổ đất tràn xuống ruộng của dân, chắn dòng chảy thoát nước của ruộng đồng, lấp đường giao thông thôn xóm”, người dân địa phương phản ánh.
Quá bức xúc với việc thi công của nhà thầu, người dân nơi đây sẵn sàng dẫn PV đi đến tận những cánh đồng sâu, xa bị ngập nặng để tìm hiểu thực tế.
Lội xuống thửa ruộng ngập tận gối đã gần 1 năm nay, ông Lê Văn Chương, người dân thôn 7 nói trong bất lực: “Toàn bộ người dân ở thôn 7 đều sản xuất trên cánh đồng này, thế nhưng đã gần 1 năm nay chúng tôi không thể sản xuất vì nước bị ứ động lại đây không thoát ra được. Trước đây vào thời điểm này những thửa ruộng nơi đây đã được cày xới, nay thì ngập sâu cả mét không thể nào canh tác ”.
Theo quan sát, không chỉ có diện tích đất nông nghiệp ở vùng trũng bị ngập, những thửa ruộng nằm sát kênh mương dẫn nước đang thi công cũng bị nhà thầu đỗ đất bừa bãi khiến cho mưa xuống là bị vùi lấp.
Ngoài ra để có mặt bằng tập kết vật liệu, hay vì những lợi ích trước mắt một số đơn vị thi công sẵn sàng đỗ đất ngay trên các tuyến đường giao thông của người dân làm cho việc đi lại, sản xuất của người dân nơi đây gặp muôn vàn khó khăn.
Vào những ngày mưa, học sinh của xã này phải đi tắt các con đường quanh núi để đến trường vì đường đi đã bị “chặn” bởi bùn đất.
Ếch kêu mặc ếnh, tre dầm mặc tre.
Bức xúc trươc lối thi công bất chấp quyền lợi của người dân, chính quyền địa phương đã nhiều lần phản ánh vấn đề này lên UBND huyện Vũ Quang, đơn vị thi công, Phòng NN& PTNT huyện nhưng tất cả đều “quay lưng” im lặng.
Ông Nguyễn Ngọc Bính – Cán bộ địa chính xã Đức Bồng bức xúc: “ Người dân thì không thể sản xuất, chính quyền thì kêu đi kêu lại rất nhiều lần nhưng nhà thầu vẫn cứ bỏ ngoài tai. Khi xã báo cáo vấn đề này lên huyện, huyện lại bảo xuống kêu tỉnh”.
Suối cầu Động- Nơi , Cty Cổ phần Xây dựng &Phát triển Nông thôn 10 chắn dòng chảy khiến cho 70 diện tích đất nông nghiệp của người dân xã Đức Bồng bị ngập úng
Thấy sự việc quanh co trong lúc người dân không thể sản xuất, chính quyền xã Đức Bồng đã có tờ trình gửi UBND tỉnh và các bên liên quan cách đây 7 tháng, nhưng đến nay tình trạng trên vẫn chưa được giải quyết.
Cũng theo ông Bính và người dân nơi đây, đơn vị thi công dẫn đến tình trạng ngập úng trên là , Cty Cổ phần Xây dựng &Phát triển Nông thôn 10 (có trụ sở tại TP Vinh), thuộc gói thầu số 5.
Trao đổi trước việc người dân ở xã Đức Bồng không thể canh tác để sản xuất trong vụ Đông Xuân năm nay , ông Nguyễn Thanh Sơn – Trưởng phòng NN huyện Vũ Quang cho biết: Với việc làm như trên của nhà thầu người dân xã Đức Bồng rất khó có thể sản xuất kịp mùa vụ”.
Lê Thông