Dự án nâng cấp, sửa chữa tuyến đường liên xã Đức Lĩnh-Sơn Thọ, huyện Vũ Quang được phê duyêt theo quyết định số 2829/QĐ-UBND, ngày 12/10/2016, do UBND huyện Vũ Quang làm chủ đầu tư, với mức kinh phí 4.798.754.000 đồng; nguồn vốn để thực hiện công trình được lấy từ Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương và chủ đầu tư huy động các nguồn vốn hợp pháp khác.
Nhiều chổ vừa ghép đã xảy ra sụt lún
Công trình được triển khai khắc phục vào cuối năm 2016, đến nay đã thực hiện được hơn một nửa khối lượng công việc nhưng đã bộc lộ những bất cập trong quá trình thực hiện. Công ty Cổ phần Xây lắp 235 (đơn vị thi công, trụ sở TP Vinh-Nghệ An) là đơn vị nhận thầu, hiện đang thi công nâng cấp, bảo trì công trình.
Theo kế hoạch đã được phê duyệt, quy mô sửa chữa gồm nền đường, mặt đường, bổ sung cống thoát nước đoạn Km3+800+Km5+0,45,07 với tổng chiều dài L=1.245,07m; đồng thời xử lý sạt lở mái taluy dương đoạn Km4+317,93 đến Km4+561,42: Gia cố chân mái taluy bằng tường chắn BTXM M150 đá Dmax=40mm; khung BTCT M250 đá Dmax=20mm; ốp mái taluy trong khung bằng tấm BTXM M200 đúc sẵn kích thước 0,4×0,4×0,05(m) có lỗ tròn đường kính D=0,28m trồng cỏ…
Đây là tuyến đường nằm khuất trong núi nên ít khi có lực lượng chức năng kiểm tra nên công trình đang được thi công rất ẩu
Thế nhưng, trong quá trình đổ bê tông khung dầm ốp mái taluy theo nguyên tắc xây dựng là phải đổ khung dầm trước sau đó mới đến lượt ghép mái taluy, vậy nhưng đơn vị thi công đã làm ngược lại.
Công nhân thi công tại hiện trường thừa nhận, nhà thầu bỏ qua khâu ghép ván khuôn nên trong quá trình đổ dầm bê tông không đảm bảo độ kín, xẩy ra chảy nước xi măng trong quá trình đổ bê tông, đầm lèn bê tong. Mặt khác, việc làm cẩu thả này còn dẫn đến hình dáng và kích thước cấu kiện sai theo thiết kế; quá trình đổ dầm bê tông không đảm bảo chất lượng, dầm bê tông chổ cao, chổ thấp vì nền đổ ghồ ghề đã làm mất đi tính thẩm mỹ.
Có mặt tại hiện trường, chúng tôi nhận thấy trong quá trình đổ khung dầm bê tông được triển khai làm rất ẩu. Ông Nam-người của đơn vi thi công đang có mặt tại hiện trường còn giải thích, sở dĩ ghép mái taluy trước khi đổ dầm là do nền mái quá dốc, đây là sự linh hoạt của nhà thầu.
Dầm bê tông và thép trụ đổ lệch nhau
Còn chứng kiến những bất cập khác, nhiều khung dầm được đổ bê tông một đường, thép một nẻo. Thép đai ở các khung dầm bê tông cũng được buộc theo kiểu đối phó, từ 25 cm đến 40 cm/ đai. Có những dầm dài 2m, với 4 cây thép chịu lưc nhưng chỉ có 3-4 đai thép. Ngoài ra có rất nhiều tấm lát bị vỡ trong quá trình thi công nhưng vẫn được nhà thầu sử dụng tại công trình.
“Những dầm bê tông bị đổ lệch thép là do trong quá trình làm gặp phải trời mưa nên công nhân mới ẩu như thế. Còn các tấm lát bị vỡ là do mới đổ được vài ba ngày đã đem vào thi công nên bê tông độ cứng của bê tông chưa đảm bảo”, ông Nam giải thích.
Cách làm ngược, ghép mái trước đổ dầm sau
Thời điểm chúng tôi có mặt tại hiện trường, ngoài lực lượng công nhân đang thi công và một người tên Nam tự xưng của nhà thầu thì không hề có một bóng dáng cán bộ quản lý hay cán bộ kỹ thuật nào của chủ đầu tư.
Trước sự việc trên, chúng tôi đã đem những hình ảnh ghi lại được trao đổi với ông Lê Thanh Nghị- Trưởng phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện Vũ Quang (đơn vi trực tiếp giám sát công trình) thì được ông Nghị cho biết, do công trình đang thi công nên cứ để nhà thầu làm. Đến lúc nghiệm thu bàn giao những nơi không đạt chất lượng sẽ yêu cầu nhà thầu đập ra làm lại.
Mục tiêu của công trình nhằm hoàn thiện mạng lưới giao thông, đảm bảo an toàn giao thông, tạo điều kiện đi lại phát triển kinh tế, góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân vùng đang gặp nhiều khó khăn. Vậy nhưng, chứng kiến việc làm cẩu thả của đơn vị thi công, sự thờ ơ của chủ đầu tư trong quá trình giám sát khiến người dân không khỏi lo lắng trước nguy cơ công trình không thể đưa vào sử dụng.
Tác giả: Sỹ Thông – Đức Cảnh
Nguồn tin: Báo Tài nguyên và Môi trường