Vũ Quang

Vũ Quang: Không có chuyện xây cầu treo phục vụ… hai hộ dân

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN khẳng định không có việc xây cầu treo chỉ cho hai hộ dân.

1
Phó Tổng cục trưởng Phạm Quang Vinh khẳng định việc xây cầu treo Khe Tây là phù hợp với các tiêu chí của Đề án

Vị trí xây cầu hợp lý, khách quan

Trước thông tin về việc xây cầu treo dân sinh Khe Tây, xã Sơn Thọ, huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh) chỉ để phục vụ hai hộ dân, chia sẻ với Báo Giao thông, ông Phạm Quang Vinh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN khẳng định, không có chuyện xây cầu treo cho hai hộ dân và việc báo chưa phản ánh đúng thực tế.

Theo ông Vinh, vị trí xây dựng cầu treo Khe Tây là để phục vụ việc đi lại, sản xuất của cụm dân cư sinh sống nằm bên sườn núi khe Tây thuộc Thôn 6 của xã Sơn Thọ, vùng này bị bao bọc bởi hai con suối là suối Khe Tiên và suối Khe Trươi nên về mùa mưa lũ dân cư sống hai bên suối bị cô lập, đi lại khó khăn, ảnh hưởng đến việc học tập, sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp.

Hiện tại, có 26 hộ dân sinh sống nơi đây được hưởng lợi nhưng theo quy hoạch xây dựng nông thôn mới của xã Sơn Thọ được UBND huyện Vũ Quan phê duyệt, số hộ dân trong khu vực tăng lên 42 hộ với diện tích sản xuất là 584,66 ha. Lưu lượng người qua lại khoảng 500 lượt/ngày đêm theo biên bản làm việc ngày 1/11/2014 giữa đơn vị Tư vấn thiết kế với đại diện chính quyền địa phương.

Giải thích về vị trí cầu Gãy, ông Vinh cho biết, vị trí cầu nằm cách cầu treo Khe Tây khoảng 500m là công trình thuộc tuyến đường chính Khe Ná-Chi Lời, không phải là đường đi vào cụm dân cư Thôn 6 được hưởng lợi từ việc xây dựng cầu treo Khe Tây. Việc kết nối giữa cụm dân cư Thôn 6 với tuyến đường Khe Ná-Chi Lời bị chia cắt bởi suối Khe Tiên nên cô lập vào mùa mưa lũ. Việc xây dựng cầu treo dân sinh Khe Tây là hoàn toàn phù hợp với tiêu chí của đề án đã được Bộ GTVT phê duyệt.

Khẳng định việc này, trong văn bản giải trình của UBND xã Sơn Thọ với Sở GTVT tỉnh Hà Tĩnh và UBND huyện Vũ Quang do ông Nguyễn Đình Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã ký nêu rõ, vùng dân cư khe Bùn-Eo Nâm thuộc Thôn 6 có 26 hộ dân sinh sống, nằm bên sườn núi khe Tây bị bao bọc bởi hai khe suối là Khe Tươi và khe Tiên, vào mùa mưa lũ thì bị cô lập hoàn toàn.

“Khi có chủ trương của Bộ GTVT xây dựng cầu dân sinh, UBND xã đã đề nghị UBND huyện Vũ Quang, Sở GTVT tỉnh Hà Tĩnh xây dựng chiếc cầu treo nối vùng dân cư này với đường Khe Ná-Chi Lời. Việc xây dựng cầu treo Khe Tây là cần thiết và vị trí xây dựng cầu là hợp lý, khách quan”, công văn của UBND huyện Vũ Quang khẳng định.

2
Bản đồ vệ tinh vị trí cầu treo Khe Tây.

Triệt để tinh thần tiết kiệm

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Trung Sỹ, Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng đường bộ (Tổng cục Đường bộ VN) cho biết, việc xây dựng cầu treo dân sinh đảm bảo ATGT vùng dân tộc thiểu số nhằm giải quyết triệt để nhu cầu đi lại của nhân dân, nhất là trong mùa mưa lũ và là cơ hội để đồng bào dân tộc vùng sâu, vùng xa cải thiện đời sống cũng như mang lại niềm vui cho người dân được hưởng lợi từ những cây cầu.

Quán triệt tinh thần “dự án nhỏ nhưng ý nghĩa lớn” của Bộ trưởng Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ VN đã tích cực triển khai với tinh thần cao nhất tất cả cho việc hoàn thành những cây cầu. Trong giai đoạn đầu triển khai đề án, nhận thấy một số điểm có thiết kế chưa hợp lý, Tổng cục đã tiến hành rà soát, đánh giá hiệu quả kết cấu của cầu treo dân sinh, qua đó rút kinh nghiệm, nghiên cứu điều chỉnh thiết kế cầu phù hợp với thực tế nhằm tiết kiệm tối đa chi phí đầu tư, xây dựng được nhiều cầu hơn cho người dân tại các vùng sâu, vùng xa.

Tổng cục đã kiến nghị Bộ GTVT, điều chỉnh một số điểm trong Thông tư 11 về hướng dẫn công tác thiết kế, thi công và nghiệm thu cầu treo dân sinh. Khi điều chỉnh hợp lý hơn, giá thành để xây cầu treo sẽ tiết kiệm hơn, cùng một lượng tiền đó sẽ làm được nhiều cầu hơn. “Theo tính toán của chúng tôi, nếu điều chỉnh giảm về quy mô sẽ tiết kiệm được khoảng 20% so với giá dự toán, nghĩa là tiết kiệm trong xây dựng 4 cầu sẽ có thêm một cầu mới”, ông Sỹ khẳng định.

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN cho biết, việc điều chỉnh quy định Thông tư 11 sẽ rất có ý nghĩa trong việc tiết kiệm kinh phí để làm được nhiều cầu mà vẫn đảm bảo an toàn cho các cây cầu.

Công trình cầu treo dân sinh Khe Tây, xã Sơn Thọ, huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh thuộc Đề án xây dựng cầu treo dân sinh đảm bảo an toàn giao thông trên phạm vi 28 tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên đã được xây dựng hoàn thành vào tháng 6/2015. Cầu có chiều dài 70m, rộng 2m với tổng chi phí xây dựng là 4 tỷ đồng.

Trần Duy/ Báo Giao Thông

  Từ khóa: phục vụ , Cầu Treo , hộ dân

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP