Báo Bảo vệ pháp luật xin giới thiệu bài viết của Luật sư Trần Đình Dũng (Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh) phân tích ở góc độ "hướng điều tra" của vụ án Hồ Duy Hải.
Thời điểm nạn nhân bị sát hại tử vong trong án giết người
Trong các vụ án giết người, nạn nhân tử vong (phần lớn án truy xét vì không bắt được quả tang) như vụ án Hồ Duy Hải, Cơ quan Điều tra (CQĐT) truy xét trở lại những người có liên hệ qua điện thoại, email, trực tiếp… sát với thời điểm nạn nhân tử vong để lần tìm tung tích hung thủ. Cho nên xác định chính xác thời điểm hung thủ ra tay sát hại nạn nhân là vô cùng quan trọng trong điều tra vụ án.
Một góc hiện trường vụ án (ảnh do tác giả cung cấp) |
Hồ sơ vụ án mô tả Hồ Duy Hải giết hại 2 nạn nhân được mô tả trong bản án phúc thẩm như sau:
Khoảng 19h ngày 13/1/2008, Hải đi xe mô tô của bà Rưỡi (dì ruột) đến bưu điện Cầu Voi, vào bên trong ngồi nói chuyện với chị Hồng. Khoảng 20h30' Hải đưa tiền và kêu Vân đi mua trái cây. Khi chị Vân đi, Hải nảy sinh ý định quan hệ sinh lý với Hồng, nhưng bị chị Hồng phản ứng. Hải tức giận đánh vào mặt, bóp cổ, lấy thớt đập vào mặt và đầu làm chị Hồng bị ngất. Sau đó Hải lấy dao cắt vào cổ chị Hồng.
Căn cứ vào thời điểm mốc 20h30', Điều tra viên triệu tập các nghi can và loại dần để tìm hung thủ. Khi thời điểm này bị sai, có thể hung thủ thật sự có tình tiết ngoại phạm (chẳng hạn lúc 20h30’ đang ở quán café). Ngược lại, người thật sự không phải hung thủ có thể không chứng minh được tình tiết ngoại phạm trong thời điểm này và vô hình chung người này bị đưa vào diện “nghi can đặc biệt” để điều tra viên tập trung hướng điều tra vào họ.
Vì tính chất quan trọng của thời điểm nạn nhân bị sát hại chết nên ngay khi khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, CQĐT phải yêu cầu bác sĩ pháp y đưa ra thời điểm nạn nhân chết để sàng lọc đối tượng. Trong vụ Hồ Duy Hải cả hai nạn nhân chết do vết cắt cổ sâu tới tủy xương nên nạn nhân tử vong ngay khi hung thủ ra tay.
Trong hồ sơ các vụ án giết người phải có hai thời điểm nạn nhân tử vong. Thời điểm thứ nhất là thời điểm do bác sĩ pháp y đưa ra bằng phương pháp khoa học từ các dấu tích tại thi thể, chẳng hạn “nạn nhân tử vong cách thời điểm khám nghiệm từ 15h đến 17h”. Thời điểm thứ hai do điều tra viên suy luận từ các lời khai, chứng cứ khác nhưng phải căn cứ từ thời điểm tử vong do pháp y đưa ra, chẳng hạn trong vụ án này là 20h30’ ngày 13/1/2008. Nếu hai thời điểm này chênh nhau thì phải làm rõ trở lại, kể cả khám nghiệm lại.
Thế nhưng, trong vụ án này thời điểm tử vong của hai cô gái không được phía pháp y đưa ra mà điều tra viên dựa vào các lời khai. Đây chính là sai lầm có thể dẫn đến chệch hướng truy tìm hung thủ.
Hai kết luận Giám định pháp y số 21/PY.08 và 22/PY.08 cùng ngày 17/1/2008 đều bỏ trống thời gian tử vong của hai nạn nhân. Đây rõ ràng là thiếu sót quá nghiêm trọng. Khi phía pháp y không đưa ra thời điểm nạn nhân tử vong, việc truy xét nghi can khó có thể chặt chẽ để tránh “lọt sàng” nghi can vì lúc đó điều tra viên không có cột mốc để suy luận ra thời điểm gây án.
Cơ quan CSĐT đang tiến hành khám xét nhà bị can Hồ Duy Hải (ảnh do tác giả cung cấp) |
Các bản khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi mô tả khá chi tiết các đặc điểm như sau:
+ Biên bản khám nghiệm tử thi Nguyễn Thị Thu Vân lúc 11h40’ ngày 14/1/2008 không ghi nhận bất kỳ vết hoen ố nào ngoài da nạn nhân. Biên bản còn ghi “Bụng: da không trầy xước; Lưng: không thấy dấu vết gì” - Bút lục số 55 hồ sơ vụ án.
+ Biên bản khám nghiệm tử thi Nguyễn Thị Ánh Hồng lúc 12h10’ ngày 14/1/2008 không ghi nhận bất kỳ vết hoen ố nào ngoài da nạn nhân. Biên bản còn ghi “Lưng: không thấy dấu vết gì” - Bút lục số 57 hồ sơ vụ án. Ngoài ra Bản giám định pháp y số 21/PY.08 ngày 17/1/2008 đối với thi thể Nguyễn Thị Ánh Hồng cũng có kết luận “Bụng: da không trầy xước” - Bút lục số 60 hồ sơ vụ án.
+ Kết luận tại Bản giám định pháp y số 21/PY.08 ngày 17/1/2008 đối với thi thể Nguyễn Thị Ánh Hồng có kết luận “Dạ dày có chứa thức ăn đã nhuyễn, lượng ít” - Bút lục số 60 hồ sơ vụ án.
+ Biên bản khám nghiệm hiện trường (bắt đầu lúc 8h10’ và kết thúc lúc 13h10’) ngày 14/1/2008 ghi “Trên sàn nhà nơi hai nạn nhân nằm có vũng máu đọng chưa khô hoàn toàn.” – Bút lục số 46 hồ sơ vụ án.
Các bút lục trong hồ sơ vụ án thể hiện nhiều mâu thuẫn (ảnh do tác giả cung cấp). |
Sở dĩ nêu ra chi tiết các bút lục hồ sơ như trên để chúng ta thấy hiện rõ ba chi tiết, gồm: vũng máu chưa khô, cơ thể không có vết hoen ố và thức ăn đã nhuyễn trong dạ dày. Những chi tiết này đối chiếu với các công bố khoa học tại giáo trình pháp y cho thấy nạn nhân tử vong trong khoảng thời gian nào?
Thứ nhất, đối với dấu tích “Vết hoen tử thi”: Khi chết, trước 2h tử thi chưa xuất hiện hoen, từ 2 đến 10h hoen không cố định (bán cố định) và trên 10h sau chết hoen cố định. Nhưng các bản mô tả cho thấy trên thi thể cả hai nạn nhân không có vết hoen cố định nào. Điều này cho thấy khó mà suy ra các nạn nhân chết cách thời điểm khám nghiệm lên đến 15h đồng hồ (khám nghiệm lúc 11h40’ ngày 14/1 và điều tra kết luận chết lúc 20h30’ ngày 13/1).
Thứ hai, đối với dấu tích “Thức ăn nhuyễn trong dạ dày”: Cơm nhuyễn hoàn toàn biểu thị nó ở dạ dày đã hơn 3h. Nhưng đối với thức ăn khó tiêu hóa khác thì để thành nhuyễn phải ở trong dạ dày nhiều giờ hơn. Chúng ta lưu ý khi cơ thể ngừng hoạt động thì tất cả các cơ chế tiêu hóa ở dạ dày ngừng theo. Nếu nạn nhân chết lúc 20h30' thì phải ăn bữa tối trước 17h30'. Nhưng lúc 17h nhân chứng L.T.T.H vẫn còn ở lại Bưu điện Cầu Voi với hai nạn nhân và chưa chuẩn bị bữa ăn tối, nên khó có thể cho rằng nạn nhân đã ăn tối trước 17h30’.
Ngoài ra chi tiết “Vũng máu chưa khô” cũng có thể cho thấy nạn nhân chết cách lúc khám nghiệm hiện trường (8h10’ ngày 14/1/2008) chưa lâu. Nếu nạn nhân chết lúc 20h30’ thì tới thời điểm khám nghiệm hiện trường vũng máu đã có thời gian lên tới gần 12h đồng hồ. Khi đó không thể có vũng máu chưa khô tồn tại.
Hồ Duy Hải tại phiên tòa phúc thẩm. |
Việc bác sĩ pháp y không đưa ra khoảng thời gian nạn nhân tử vong là một thiếu sót quan trọng tới mức dẫn đến việc điều tra viên không có căn cứ xác định thời gian hung thủ sát hại nạn nhân. Điều này dẫn đến nhiều khả năng có nghi can “lọt qua” do có tình tiết ngoại phạm, ảnh hưởng tới việc truy xét tội phạm. Đây là thiếu sót nghiêm trọng có hậu quả pháp lý lệch hướng điều tra, không bảo đảm xử lý đúng người phạm tội.
VKS KHẲNG ĐỊNH “CÓ NHIỀU VI PHẠM TỐ TỤNG NGHIÊM TRỌNG”, NHƯNG TÒA KẾT LUẬN “KHÔNG CẦN THIẾT PHẢI ĐIỀU TRA LẠI VÀ HIỆN NAY CŨNG KHÔNG THỂ ĐIỀU TRA LÀM RÕ ĐƯỢC VỀ VẤN ĐỀ NÀY” Theo hồ sơ vụ án, tối ngày 13/1/2008, tại Bưu điện Cầu Voi, xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An xảy ra vụ giết người, nạn nhân là hai nhân viên bưu điện Nguyễn Thị Ánh Hồng và Nguyễn Thị Thu Vân chết do bị cắt cổ. Qua hai cấp xét xử sơ thẩm tại TAND tỉnh Long An năm 2008 và phúc thẩm tại Tòa Phúc thẩm TAND tối cao tại Thành phố Hồ Chí Minh năm 2009, Hồ Duy Hải bị kết án tử hình về tội giết người, 5 năm tù về tội cướp tài sản, tổng hợp hình phạt là Tử hình. VKSND tối cao nhận thấy đây là vụ án giết người và cướp tài sản đặc biệt nghiêm trọng; bị cáo bị áp dụng mức án cao nhất Tử hình nhưng chứng cứ buộc tội chủ yếu là lời khai của bị cáo, không có chứng cứ vật chất trực tiếp, trong khi lời khai của bị cáo không nhất quán, mâu thuẫn với nhau (có lúc nhận tội, lúc khác lại kêu oan) và mâu thuẫn với các tài liệu, chứng cứ khác; nhiều tình tiết quan trọng chưa làm rõ và có nhiều vi phạm tố tụng nghiêm trọng trong quá trình điều tra. Hàng loạt vi phạm tố tụng nghiêm trọng phải kể đến: Một là, chưa làm rõ mâu thuẫn về thời gian bị cáo xuất hiện tại nơi xảy ra vụ án vì nhân chứng Đinh Vũ Thường đến Bưu điện gọi điện về Cà Mau lúc 19h39'22" có nhìn thấy một thanh niên ngồi trong Bưu điện, nhưng vào lúc 19h13', Hải đang có mặt tại hiệu cầm đồ, việc tiêu thụ thời gian sau đó thể hiện Hải không thể có mặt tại Bưu điện Cầu Voi trước 19h39'22". Nội dung này rất quan trọng cần làm rõ nên tại phiên giám đốc thẩm, đại diện VKSND tối cao cho rằng phải hủy án để thực nghiệm điều tra lại. Hai là, quá trình khám nghiệm hiện trường có thu giữ 5 dấu vân tay, trong đó có 2 dấu thu tại trên cửa kính và Lavabo, kết quả giám định không phải của bị cáo nhưng chưa làm rõ của ai; các tài liệu thu giữ dấu vân tay và truy nguyên dấu vân tay cũng không có trong hồ sơ vụ án. Ba là, chưa làm rõ thời điểm chết của 2 nạn nhân để xác định Hồ Duy Hải có phải hung thủ không, cần hủy án để trưng cầu giám định thời điểm chết thông qua tài liệu khám nghiệm tử thi (mô tả mẫu thức ăn trong dạ dày và dấu vết hoen tử thi). Bốn là, chưa làm rõ cơ chế gây ra một số vết thương trên cơ thể nạn nhân, về khả năng con dao với đặc điểm bị cáo mô tả có thể gây ra các vết thương đó không. Năm là, chưa làm rõ động cơ gây án của đối tượng vì kết luận của bản án sơ thẩm, phúc thẩm về động cơ gây án chưa phù hợp với tình tiết khách quan của vụ án. Chủ tọa phiên tòa đã thừa nhận nhưng trong phần nhận định của quyết định giám đốc thẩm không nêu những vi phạm này. Sáu là, có nhiều vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, đặc biệt là bỏ ngoài hồ sơ nhiều tài liệu quan trọng như lời khai ban đầu bị cáo không nhận tội, lời khai nhân chứng, tài liệu thu giữ dấu vân tay và kết quả truy nguyên cá biệt dấu vân tay, cần hủy án để bổ sung các tài liệu này vào hồ sơ. Tuy nhiên, tại phiên tòa xét xử vụ án Hồ Duy Hải theo thủ tục giám đốc thẩm và sau đó là Quyết định số 05/2020/HS-GĐT ngày 8/5/2020 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao đã nhận định: “Theo lời khai của Hải tại các bản cung ngày 7/7/2008 (Bl 100-101) và ngày 11/7/2008 (Bl 116-117), sau khi dùng ghế đập đầu chị Vân trên phòng khách, Hải đem ghế để ở khu vực chân cầu thang, cạnh xác chị Hồng. Lời khai của Hải phù hợp với Bản ảnh hiện trường và Biên bản khám nghiệm hiện trường thể hiện chiếc ghế nằm dưới nền nhà và nạn nhân Vân gác chân lên ghế (Bl 44-47). Những tài liệu này đều phản ánh đầy đủ trong hồ sơ vụ án, do vậy không cần thiết hủy án để điều tra lại làm rõ nội dung này. Lời khai của Hải thể hiện, sau khi giết chị Hồng, chị Vân, Hải đi lên phòng giao dịch lấy tiền, sim card, điện thoại sau đó Hải đi dép vào rồi mới đến khu vực cầu thang chỗ chị Hồng, chị Vân chết để lấy các đồ trang sức của chị Hồng, chị Vân. Biên bản khám nghiệm hiện trường (Bl 44-47) và Bản ảnh hiện trường thể hiện: nền nhà có các hạt cơm, chiếc ghế xếp được nằm ngay sát vũng máu; Hải mô tả về đôi dép Hải đi đến chỗ xác nạn nhân để lấy tài sản là đôi dép xốp màu trắng, đế dép có rãnh đường gấp khúc chống ma sát (Bl 117-118). Như vậy, căn cứ lời khai của Hải, Biên bản khám nghiệm hiện trường, Bản ảnh hiện trường thể hiện có dấu vết dép trên ghế nên có cơ sở để nhận định, các dấu vết để lại trên mặt ghế là do Hải gây ra trong quá trình thực hiện hành vi phạm tội. Mặc dù, Cơ quan điều tra không kết luận về những vết máu quệt, vết đế dép, hạt cơm khô có trên chiếc ghế là do đâu mà có nhưng xét thấy vấn đề này không có ý nghĩa quyết định trong việc khẳng định Hồ Duy Hải có phạm tội hay không, nên không cần thiết phải điều tra lại để làm rõ hơn về tình tiết này. - Kháng nghị giám đốc thẩm cho rằng, khi cắt cổ chị Hồng, chị Vân máu bắn rất nhiều lên người bị cáo; sau khi gây án, bị cáo trèo cổng sau để đi ra cổng trước nhưng theo Biên bản khám nghiệm hiện trường thì trên cánh cổng sau không có bất kỳ dấu vết máu nào để lại. Nhận thấy, theo lời khai của Hải, sau khi cắt cổ chị Hồng và chị Vân, máu bắn rất nhiều lên người Hải nhưng sau đó Hải đã vào nhà vệ sinh rửa dao, rửa tay và gột quần áo (Bl 99, Bl 117). Lời khai của Hải phù hợp với kết quả khám nghiệm hiện trường không có dấu vết máu để lại trên cổng sau nên không phải là tình tiết mâu thuẫn như kháng nghị giám đốc thẩm đã nêu. Do đó, không cần thiết phải điều tra lại và hiện nay cũng không thể điều tra làm rõ được về vấn đề này”. Với nhận định như trên, Hội đồng thẩm phán TAND tối cao quyết định: “Không chấp nhận Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số 15/QĐ-VKSTC-V7 ngày 22/11/2019 của Viện trưởng VKSND tối cao. BVPL |
Tác giả: Luật sư Trần Đình Dũng (Đoàn LS TP Hồ Chí Minh)
Nguồn tin: Báo BVPL