Công an tỉnh Long An thừa nhận thiếu sót trong quá trình điều tra tại hiện trường và cho rà soát lại toàn bộ hồ sơ. |
Luật sư Trần Hồng Phong (Đoàn Luật sư TP.HCM - người được gia đình Hồ Duy Hải mời trợ giúp pháp lý) vừa gửi đơn và giao nộp chứng cứ ngoại phạm của Hồ Duy Hải đến Chủ tịch nước và khẳng định hung thủ sát hại 2 nạn nhân ở Bưu điện Cầu Voi thuận tay trái, còn Hải thuận tay phải…
Về việc này, sáng 18/5, PV Báo Giao thông đã trao đổi với Công an tỉnh Long An và được đại diện Công an tỉnh cho biết: Ngay sau khi nghe thông tin trên qua báo chí, Công an tỉnh Long An đã chỉ đạo các phòng nghiệp vụ, Phòng CSĐT rà soát lại toàn bộ hồ sơ, biên bản khám nghiệm tử thi…
“Việc rà soát này được làm kỹ lưỡng từng chi tiết nhỏ nhất để xác định lại chính xác vết cắt ở cổ 2 nạn nhân bên phải hay trái. Khi có kết quả, Công an tỉnh Long An sẽ cung cấp cho báo chí..”, vị đại diện này nói.
Thu thập vân tay của khoảng 144 người
Cũng theo Công an tỉnh, vụ án giết người, cướp tài sản ở Bưu điện Cầu Voi trong quá trình khám nghiệm hiện trường, cơ quan CSĐT không trưng cầu giám định ngay vết máu thu được tại hiện trường - đó là hạn chế, thiếu sót trong quá trình điều tra.
Việc hạn chế, thiếu sót này là do hiện trường vụ án phức tạp, phải thu thập nhiều chứng cứ, có nhiều tình tiết cần phân tích, đánh giá làm rõ nên mất nhiều thời gian, dẫn đến chậm gửi mẫu giám định. Khi giám định thì không đủ yếu tố truy nguyên là của ai.
Tuy nhiên, theo kết luận của Phân viện Khoa học kỹ thuật hình sự tại TP.HCM, “mẫu dấu vết máu thu được ở ngoài cửa nhà sau và trong nhà vệ sinh Bưu điện Cầu Voi là mẫu máu người”.
Nội dung này phù hợp với lời khai của Hồ Duy Hải. Cụ thể, Hồ Duy Hải khai, sau khi giết Hồng, Vân thì Hải cầm dao ra nhà vệ sinh rửa dao, rửa tay nên để lại dấu máu tại các vị trí nêu trên.
Luật sư Trần Hồng Phong vừa gửi đơn và giao nộp chứng cứ ngoại phạm của Hồ Duy Hải đến Chủ tịch nước và khẳng định hung thủ sát hại 2 nạn nhân ở Bưu điện Cầu Voi thuận tay trái, còn Hải thuận tay phải |
Phóng viên đặt vấn đề về dấu vân tay thu được tại hiện trường không xác định là của ai, trong đó có Hồ Duy Hải?
Cơ quan CSĐT cho biết, trong quá trình khám nghiệm hiện trường, cơ quan CSĐT phát hiện, thu giữ 7 dấu vết đường vân tay. Trong đó, 2 của nạn nhân Vân, còn lại 5 dấu vết của người khác.
Các dấu vết đường vân tay này được thu giữ ở mặt trong cửa kính trên cánh cửa sau, trên mặt kính ghế sofa, trên tủ kính trong phòng ngủ và trên tay nắm mở vòi nước ở lavabo.
Cơ quan CSĐT đã thu thập vân tay của khoảng 144 người (trong đó có Nguyễn Hữu Nghị và Nguyễn Mi Sol) nghi có liên quan để truy nguyên với các dấu vân tay thu tại hiện trường, nhưng không có kết quả trùng khớp.
Tại bản kết luận giám định số 158/KL-P1 ngày 11/4/2008 của Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Long An nêu: Các dấu vết vân tay thu được tại hiện trường vụ án không phát hiện trùng khớp với 10 ngón in trên chỉ bản của Hồ Duy Hải.
Mặc dù không phát hiện dấu vân tay thu được tại hiện trường trùng với dấu vân tay của Hải, nhưng các lời khai nhận tội của bị cáo Hải phù hợp với bản ánh hiện trường, biên bản khám nghiệm hiện trường, biên bản giám định pháp y, lời khai của người làm chứng… đủ căn cứ xác định Hồ Duy Hải là người thực hiện hành vi phạm tội.
Vụ án gây nhiều tranh cãi
Theo hồ sơ vụ án, sáng 14/1/2008, người dân phát hiện 2 nữ nhân viên của Bưu điện Cầu Voi bị sát hại tại nơi làm việc. Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Long An đã thẩm tra xét hỏi nhiều người có quan hệ tình cảm, quen biết với 2 nạn nhân. Trong đó, có Nguyễn Hữu Nghị - bạn trai của một trong 2 nạn nhân và Nguyễn Mi Sol.
Hai tháng sau, Hồ Duy Hải bị bắt và bị kết luận là hung thủ. Cả 2 phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm đều tuyên án tử hình đối với Hồ Duy Hải về tội "Giết người", "Cướp tài sản".
Ngày 24/10/2011, Viện trưởng VKSND Tối cao ban hành quyết định không kháng nghị vụ án, sau đó TAND tỉnh Long An cho biết sẽ tổ chức thi hành án.
Ngày 4/12/2014, Văn phòng Chủ tịch nước thông báo đã nhận được đơn kêu oan của mẹ Hồ Duy Hải, yêu cầu tạm dừng thi hành án. Ngày 22/11/2019, VKSND Tối cao kháng nghị giám đốc thẩm vụ án để điều tra lại.
Cả 2 phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm đều tuyên án tử hình đối với Hồ Duy Hải về tội "Giết người", "Cướp tài sản" |
Ngày 22/11/2019, VKSND Tối cao quyết định kháng nghị giám đốc thẩm đã khẳng định các cơ quan tiến hành tố tụng có nhiều vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng như: bỏ sót những chứng cứ vụ án, không trưng cầu giám định vết máu, không đưa một số lời khai của Hồ Duy Hải và người làm chứng vào hồ sơ vụ án dẫn đến sai lầm trong việc giải quyết vụ án...
Ngày 8/5/2020, Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao không chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng VKSND Tối cao, giữ nguyên án tử hình với Hồ Duy Hải.
Trước cơ hội cuối cùng, gia đình Hồ Duy Hải đã viết đơn gửi Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Thị Nga với hi vọng xem xét lại quyết định của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao.
Mới đây nhất, ngày 13/5, bà Nguyễn Thị Loan (mẹ tử tù Hồ Duy Hải) và luật sư Trần Hồng Phong đã gửi đơn lên Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và TAND Tối cao. Nội dung đơn trình bày và giao nộp chứng cứ mà gia đình cho rằng Hồ Duy Hải ngoại phạm.
Theo Luật sư Trần Hồng Phong, đối chiếu với tình tiết “thức ăn trong dạ dày đã nhuyễn” của nạn nhân Hồng, thông tin về ánh đèn trên lầu 1, các sợi mì đã nấu rơi vãi cạnh đầu nạn nhân Hồng… cho thấy khả năng hung thủ đã sát hại cùng lúc hai nạn nhân vào giờ khuya.
Qua các vết cắt rất mạnh, sâu và dứt khoát, cho thấy hung thủ có ý định giết người và ra tay rất nhanh. Không loại trừ khả năng hung thủ đã ra tay khi có mặt cả hai nữ nạn nhân.
Hung thủ cắt cổ nạn nhân Hồng trước, sau đó quay lại phía Vân, sốc nách Vân kéo vào chỗ Hồng theo hướng đi giật lùi, hung thủ ở sau lưng Vân.
Trong quá trình này, chắc chắn sẽ có giai đoạn hung thủ ở tư thế đứng hoặc quỳ phía sau lưng nạn nhân Vân, tay phải (tay không thuận) ghì người nạn nhân, tay trái dùng dao cắt cổ nạn nhân. Sau đó quăng xác Vân lên người Hồng.
Theo các tài liệu về tội phạm học, tỷ lệ hung thủ cắt cổ nạn nhân từ phía sau cao hơn là cắt cổ từ phía trước. Vì tư thế tấn công từ phía sau sẽ gây bất ngờ, khiến nạn nhân gần như không thể chống cự. Trong khi đó, nếu cắt cổ từ phía trước sẽ khó hơn nhiều vì nạn nhân dùng tay, chân chống cự lại.
Trong vụ án này, hung thủ sát hại hai nạn nhân gần như chắc chắn phải là người rất thân quen hai nữ nạn nhân (đặc biệt là với nạn nhân Hồng), trong bối cảnh đã khuya, có ăn uống.
Điều này cho chúng ta có hướng suy luận liên quan đến hai người là người yêu của nạn nhân Hồng khi đó là Nguyễn Mi Sol và Nguyễn Hữu Nghị.
Ngoài hai vết cắt cổ phù hợp với giả thuyết hung thủ là người thuận tay trái còn có rất nhiều dấu hiệu khác liên quan tại hiện trường, chẳng hạn như: vết máu bên trái cái thớt, trên mặt nạn nhân Hồng có những vết cắt phù hợp với người thuận tay trái.
Tại buổi họp báo về dự kiến chương trình kỳ họp thứ 9 Quốc hội Khóa XIV diễn ra vào chiều 18/5, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, liên quan đến vụ án Hồ Duy Hải, ngày 6/5 vừa qua, Hội đồng thẩm phán TAND tối cao đã công bố quyết định giám đốc thẩm vụ án. Ttheo đó, Hội đồng thẩm phán đã quyết định giữ nguyên bản án phúc thẩm xử phạt tử hình Hồ Duy Hải về hai tội “Giết người” và “Cướp tài sản”. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đang giao các cơ quan chuyên môn của Quốc hội nghiên cứu những ý kiến của đại biểu Quốc hội về vụ án Hồ Duy Hải, từ đó có hướng xử lý theo quy định của pháp luật… |
Tác giả: Hải Đường
Nguồn tin: Báo Giao Thông