Đường vào ấp Hòa Ngãi, xã An Vĩnh Ngãi - nơi anh Nguyễn Hữu Nghị đang cư ngụ |
"Không có nhân vật Nguyễn Văn Nghị, SN 1979"
Sáng 20/5, trao đổi với Báo Giao thông, một lần nữa Công an tỉnh Long An khẳng định: từ khi xảy ra vụ sát hại 2 nữ nhân viên Bưu điện Cầu Voi cho đến khi kết thúc điều tra vụ án, Cơ quan CSĐT không mời, không triệu tập người có tên Nguyễn Văn Nghị (SN 1979, ngụ huyện Cai Lậy, Tiền Giang) để làm việc như báo chí đã đăng trước đây.
Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Long An cũng khẳng định chỉ có mời và triệu tập làm việc đối với anh Nguyễn Hữu Nghị (SN 1985, ngụ ấp Hòa Ngãi, xã An Vĩnh Ngãi, TP.Tân An, Long An) con ông Nguyễn Văn N. và bà Lê Thị O.
Theo đó, ngày làm việc đầu tiên với anh Nguyễn Hữu Nghị (sau khi vụ án xảy ra) diễn ra lúc 13h30 ngày 14/1/2008 tại Phòng (CSĐTTP về TTXH) Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an tỉnh. Lần tiếp tục ngày 5/3/2008, Cơ quan CSĐT mời, ghi lời khai của Nguyễn Hữu Nghị để làm rõ thêm một số nghi vấn xung quanh vụ án. Do đó, không có căn cứ cho rằng Nguyễn Hữu Nghị bỏ trốn khỏi địa phương và cho đến nay anh Nguyễn Hữu Nghị vẫn có ở địa phương.
Thời điểm năm 2008, khu vực Cầu Voi có rất ít quán cà phê, khoảng 5 quán nhưng ban đêm không bán hàng. |
Trước việc dư luận thắc mắc đối tượng nghi vấn trong vụ án Hồ Duy Hải được nhiều tờ báo đăng tải là Nguyễn Văn Nghị (ngụ huyện Cai Lậy, Tiền Giang) nay xuất hiện người mang tên Nguyễn Hữu Nghị (ngụ ấp Hòa Ngãi, xã An Vĩnh Ngãi, TP.Tân An)...
Cơ quan CSĐT khẳng định từ khi vụ án xảy ra đến khi kết thúc hồ sơ chuyển sang Viện Kiểm sát cùng cấp để truy tố, xét xử, Cơ quan CSĐT khẳng định chưa lần nào tiếp xúc cũng như cung cấp thông tin cho báo chí về đối tượng Nguyễn Văn Nghị. Đồng thời cũng không cung cấp địa chỉ quán cà phê khu vực Cầu Voi như báo chí nêu...
Chủ tiệm dịch vụ cầm đồ Kim Hưng xác nhận đã cầm điện thoại di động Nokia của Hồ Duy Hải thời điểm năm 2008 với giá 1,5 triệu đồng |
Vì sao Nghị được loại khỏi danh sách đối tượng tình nghi?
Sáng 20/5, PV Báo Giao thông đã tìm đến khu vực Cầu Voi, từ chân cầu Cầu Voi đến ngã ba Bình Ảnh theo hướng Tiền Giang đi TP.HCM và ngược lại hiện có khoảng 20 quán cà phê lớn, nhỏ. Tuy nhiên, theo chủ quán cà phê Huỳnh Liên đối diện Bưu điện Cầu Voi, ở thời điểm xảy ra vụ án, khu vực này có khoảng 5 quán cà phê nhỏ, chỉ bán ban ngày.
Do khu vực này, thời điểm năm 2008 rất vắng vẻ, vừa tối là ít thấy người ra đường nên không có quán cà phê nào bán vào ban đêm. Ông Nguyễn Thành Chương, nhà khu vực Cầu Voi cũng xác nhận, thời điểm năm 2008 khu vực này không có quán cà phê bán ban đêm.
Chúng tôi đi tìm lại những quán cà phê gần bưu cục Cầu Voi, địa điểm mà các báo đăng tin Nguyễn Văn Nghị khai với công an thời điểm xảy ra vụ án, Nghị đang uống cà phê tại một quán ở khu vực này và có xảy ra mâu thuẫn to tiếng với thanh niên khác. Chính bà chủ quán cà phê ra can ngăn... Với chứng cứ ngoại phạm này CQĐT đã loại Nguyễn Văn Nghị ra khỏi danh sách đối tượng tình nghi.
Tuy nhiên, Công an Long An khẳng định không có người tên là Nguyễn Văn Nghị liên quan đến vụ án Cầu Voi, chỉ có người mang tên Nguyễn Hữu Nghị.
Công an tỉnh Long An cho biết, tại biên bản ghi lời khai của Nguyễn Hữu Nghị và qua xác minh những nhân chứng đã xác định Nghị ngoại phạm. Khoảng 19h30 (đây là khoảng thời gian xảy ra án mạng ở Bưu điện Cầu Voi) ngày 13/1/2008, Nghị ở tại nhà cùng uống cà phê và đánh bài (binh xập xám) với anh Nguyễn Thanh Nhàn (SN 1981, nhà đối diện nhà Nghị) cùng ông Nguyễn Văn Tròn (SN 1969, gần nhà Nghị). Đến 21h cùng ngày, anh Nhàn và ông Tròn về nhà nghỉ ngơi. Cả 2 người này đều ký biên bản xác nhận với cơ quan điều tra là đã cùng uống cà phê và đánh bài chung với Nghị trong thời gian trên.
Chủ tiệm vàng không nhớ chính xác giờ Hồ Duy Hải đến cầm đồ
Liên quan đến vụ án 12 năm trước, để tìm hiểu về thời gian Hồ Duy Hải đi cầm đồ (điện thoại) tại tiệm cầm đồ Kim Hưng, ấp Rạch Đào, thị trấn Thủ Thừa, huyện Thủ Thừa (Long An), PV đã trao đổi trực tiếp với chủ tiệm Kim Hưng, bà Trinh cho biết, lâu quá rồi (12 năm) không nhớ lúc đó mấy giờ, chỉ nhớ là buổi tối.
“Tôi là người trực tiếp kiểm tra chiếc điện thoại Nokia và làm thủ tục cầm tài sản cho Hải, do thủ tục đơn giản nên làm rất nhanh, chỉ vài phút. Thời điểm đó, điện thoại di động hiệu Nokia là tốt lắm nên tôi cầm cho Hải với giá 1,5 triệu đồng. Tất cả giấy tờ liên quan đến việc cầm tài sản của Hồ Duy Hải, công an đã thu giữ hết...”, bà Trinh cho biết.
Ngay sau thời điểm Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao bác kháng nghị của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, giữ nguyên án tử hình với Hồ Duy Hải, Luật sư của Hồ Duy Hải và một số Đại biểu Quốc hội cho rằng cần xem xét lại các điểm chưa rõ trong vụ án mà kháng nghị đã chỉ ra. Cụ thể là, Hồ Duy Hải không thể từ tiệm Kim Hưng đi tới Bưu điện Cầu Voi trước 19g 39 phút 32 giây; lời khai của bị cáo không phù hợp với thực tế khách quan, với hiện trường vụ án về vị trí và dấu vết trên chiếc ghế; không có dấu máu tại hiện trường; không có dấu vân tay của Hồ Duy Hải tại hiện trường...
Tác giả: Hải Đường
Nguồn tin: Báo Giao Thông