Tuy nhiên, việc đảm bảo an toàn giao thông đường thủy vẫn chưa được các chủ phương tiện quan tâm. Trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh có nhiều bến đò dọc, đò ngang nhưng đa số các phương tiện giao thông đường thủy chưa chấp hành Luật giao thông đường thủy nội địa như chưa đăng ký, đăng kiểm, người điều khiển phương tiện chưa có chứng chỉ chuyên môn; tình trạng không mặc áo phao, chở quá số người theo quy định còn phổ biến…, gây tiềm ẩn nhiều nguy cơ về tai nạn giao thông.
Huyện Vũ Quang có 4 bến đò ngang với 4 phương tiện hoạt động nhưng tất cả các bến nói trên đều không có giấy phép mở bến; 3/4 người điều khiển phương tiện chưa có chứng chỉ chuyên môn. Tại huyện Hương Khê cũng có 3 bến đò ngang tại 3 xóm 11, 12, 13 của xã Hương Thủy nhưng cả 3 bến nói trên đều không có giấy phép mở bến. Trong quá trình hoạt động, các phương tiện giao thông thủy còn thường xuyên chở quá số người so với quy định vào các giờ cao điểm, không trang bị áo phao cứu sinh cho người tham gia giao thông. Trong những năm gần đây, các cơ quan chức năng và Ủy ban Nhân dân các huyện, thành phố, thị xã của tỉnh Hà Tĩnh đã triển khai các giải pháp nhằm quản lý và đảm bảo giao thông đường thủy nội địa trên địa bàn.
Đặc biệt, tỉnh Hà Tĩnh đã đầu tư hơn 1,5 tỷ đồng để đóng mới 18 chiếc thuyền trang bị cho các địa phương.Tỉnh cũng cấp kinh phí cho Sở Giao thông Vận tải để hỗ trợ đăng ký, đăng kiểm lần đầu, đào tạo cấp chứng chỉ lái thuyền cho các chủ phương tiện phục vụ vận chuyển hành khách ở các địa phương và phương tiện thuộc các dự án ứng cứu lụt bão trên địa bàn toàn tỉnh.Tuy vậy, phần lớn các chủ phương tiện vẫn không đến làm thủ tục đăng ký, đăng kiểm. Một số huyện như Lộc Hà, Đức Thọ, Hương Sơn, Nghi Xuân và thị xã Hồng Lĩnh không cử người đi tập huấn cấp chứng chỉ chuyên môn cho người điều khiển phương tiện.
Đơn cử, vào giữa tháng Bảy vừa qua, Sở Giao thông Vận tải Hà Tĩnh tổ chức đợt tập huấn về việc cấp chứng chỉ nhưng chỉ có 22/77 người tham gia. Trước thái độ “thờ ơ” của 5 đơn vị trên, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh Võ Kim Cự đã nghiêm khắc phê bình Chủ tịch các huyện, thị xã; yêu cầu Ủy ban Nhân dân huyện, thị xã nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm để quản lý tốt hơn trong thời gian tới.Ngoài việc đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về an toàn giao thông đường thủy nội địa, Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh cũng yêu cầu các cơ quan chức năng, các địa phương mở đợt cao điểm kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông đường thủy, nhất là tại các bến đò ngang, thuyền chở khách tham quan du lịch, lễ hội; cương quyết đình chỉ hoạt động các bến đò trái phép, không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn, vi phạm quy định về đăng ký, đăng kiểm.Đại tá Nguyễn Phúc Tiến, Trưởng phòng Cảnh sát đường thủy-Công an tỉnh Hà Tĩnh cho biết từ đầu năm đến nay, đơn vị đã kiểm tra, lập biên bản xử phạt trên 231 trường hợp vi phạm. Tuy nhiên, lực lượng công an đường thủy ở tuyến tỉnh quá mỏng nên rất cần có sự “vào cuộc” của chính quyền địa phương để tuyên truyền, vận động người dân chấp hành tốt quy định khi tham gia giao thông đường thủy./.
VietNam+