Tin về HĐH Hà Tĩnh

Tết của người Hà Tĩnh tại Vương quốc Anh

Dù là người có thâm niên hàng chục năm trên đất Anh hay mới qua Anh một vài tháng, Tết nguyên đán vẫn là thời điểm hết sức trọng thị và thiêng liêng. Tạo dựng không khí ấm áp, thân tình và cùng hướng về quê hương với những niềm tin sâu sắc là cách mà rất nhiều người Hà Tĩnh trên đất Anh chia sẻ trong ngày Tết cổ truyền.


Ngày 30 Tết và đêm giao thừa trùng vào chủ nhật – một sự trùng hợp thú vị dành cho những người ăn Tết âm trên đất Anh. Đơn giản vì nếu không có chủ nhật, mọi người sẽ vẫn phải đi làm, đi học theo nhịp sống náo nhiệt.


Người Hà Tĩnh định cư hợp pháp trên đất Anh không nhiều nhưng đội ngũ lao động tự do (làm nail, làm bảo vệ nhà hàng, làm nhân viên phục vụ…) và các bạn học sinh sinh viên lại chiếm một số lượng tương đối trong cộng động người Việt. Dù là người có thâm niên hàng chục năm trên đất Anh hay mới qua Anh một vài tháng, Tết nguyên đán vẫn là thời điểm hết sức trọng thị và thiêng liêng trong lòng mỗi người con quê hương.

Tết của người Hà Tĩnh tại Vương quốc Anh

Tiệc tất niên của sinh viên Cantenbury

Anh Nguyễn Đức Thọ quê ở xã Thạch Trung – TP Hà Tĩnh (nguyên là tiền đạo của đội tuyển bóng đá Hà Tĩnh, từng vô địch giải U16 toàn quốc năm 1999) hiện đang sống tại TP London nói rằng: đây đã là cái Tết thứ 7 xa quê hương và trong tâm khảm hương vị Tết quê nhà vẫn luôn in đậm. Đón Tết Nhâm Thìn, vợ chồng anh Thọ đã phải đặt các sản vật của quê nhà như bánh chưng, dò chả, hương, vàng…trước từ mấy tuần. Anh Thọ cho biết ở London chẵng thiếu bất cứ thứ gì thuộc về sản vật Việt Nam (kể cả mắm tôm, mắm tép, cà pháo, rau muống…) nhưng muốn mua thì phải đặt trước, phải thông thạo hệ thống cửa hàng Tàu Việt và quan trọng hơn là phải biết chấp nhận giá…cao. Do đã ở lâu trên đất Anh nên ngày Tết gia đình anh Thọ là điểm đến của khá nhiều đồng hương. Uống với nhau một chén rượu, ăn với nhau một bữa tiệc tất niên, thắp một nén hương vọng về tổ tiên từ nơi đất khách quê người dường như càng nhân lên niềm xúc cảm, cố kết thêm tình cảm cộng đồng.


Đối với những sinh viên đang du học tại Anh lại có cách đón giao thừa theo kiểu sinh hoạt tập thể. Ngày 30 Tết mọi người cùng xắn tay góp sức làm tiệc tất niên tại ký túc xá. Tại Trung tâm ngoại ngữ Cantenbury, nhóm sinh viên người Việt cùng tập trung ở một nhà rồi làm cỗ, ăn từ trưa và chờ đến giờ phút giao thừa. Dù không đầy đủ nhưng mâm cỗ ngày Tết vẫn hội đủ các món cổ truyền như bánh chưng, giò, măng nấu xương, xôi đỗ, nem rán, thịt nấu đông… Không khí đón Tết trở nên vui vẻ, ấm cúng hơn với cành hoa mai vàng cùng những dòng chữ được trình bày ở nơi trung tâm nhất.

Tết của người Hà Tĩnh tại Vương quốc Anh

Niềm vui năm mới của những người Hà Tĩnh tại London

Dù vậy gần đến thời khắc giao thừa, khi mà ở quê nhà mọi người đã sum họp đầy đủ thì trên khuôn mặt mỗi người không thể dấu được nét buồn xa xăm. Người sử dụng máy tính, người sử dụng điện thoại tranh thủ liên lạc với người thân. Nhờ sự tiến bộ của công nghệ mà dường như khoảng cách đã được rút ngắn và nỗi buồn cũng vơi đi.


Anh Trần Quang Huy quê ở Thị xã Hồng Lĩnh (nguyên là học sinh khóa 2 trường chuyên Hà Tĩnh) công tác tại Kiểm toán nhà nước, hiện đang theo học ngoại ngữ ở Cantenbury theo đề án 165 cho biết: được quây quần trong không khí tập thể, được chia sẻ lời chúc tụng từ các bạn sinh viên quốc tế phần nào xua đi nỗi nhớ gia đình trong lần đầu tiên ăn Tết xa nhà. Ngoài các sản vật truyền thống, theo anh Huy những bài hát về Hà Tĩnh được cất lên trong bữa tiệc cuối năm cũng đã hâm nóng tình yêu quê hương trong lòng mỗi sinh viên.


Cộng đồng ăn Tết âm tại Anh nói riêng và các nước phương Tây nói chung không có ngày mùng 1 Tết, đơn giản vì đấy là ngày làm việc đầu tiên của một tuần mới theo dương lịch. Do vậy mọi tình cảm và mọi sự giao thoa được dồn nén cả vào ngày 30 Tết và đêm giao thừa. Tạo dựng không khí ấm áp, thân tình và cùng hướng về quê hương với những niềm tin sâu sắc là cách mà rất nhiều người Hà Tĩnh trên đất Anh chia sẻ trong ngày Tết cổ truyền.


Trần Long (Bradford College – Vương quốc Anh)


Báo Hà Tĩnh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP