Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ phát biểu chỉ đạo tại Trường quốc tế Học viện Anh quốc .Ảnh: NGH
Đến thăm Trường ĐH Bà Rịa-Vũng Tàu (BVU), nơi Tập đoàn Nguyễn Hoàng (NHG) tâm huyết đầu tư trong dịp này, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói: “Đào tạo mà gắn được với doanh nghiệp – bên sẽ tiếp nhận người học sau khi ra trường – thì rõ ràng trường đào tạo rút ngắn khoảng cách với thực tiễn”.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ dành gần hai tiếng đồng hồ làm việc tại BVU trong buổi sáng 14.3. Tại đây, GS-TSKH Hoàng Văn Kiếm, Hiệu trưởng BVU, cho biết sau khi trở thành thành viên của NHG, 5 năm tới BVU sẽ đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức đào tạo.
Từ năm 2017, trường tiến hành thiết kế lại chương trình đào tạo đại học để đảm bảo thời gian học từ 3 – 3,5 năm trên cơ sở không giảm khối lượng kiến thức; bố trí thời gian và không gian đào tạo hợp lý; Giảm thiểu các nội dung hàn lâm, bổ sung kiến thức về tư duy sáng tạo và khởi nghiệp; Ứng dụng mạnh mẽ công nghệ hiện đại vào giảng dạy và học tập; Tăng cường bồi dưỡng kỹ năng công nghệ thông tin và ngoại ngữ. BVU phấn đấu đạt chứng nhận đánh giá ngoài trong năm 2018, từng ngành đạt kiểm định chất lượng của Bộ GD-ĐT, một số ngành đạt chuẩn khu vực ASEAN. Ngoài ra, các chương trình đào tạo theo hướng quốc tế cam kết 100%, các chương trình đào tạo khác từ 85 – 100% sinh viên sau một năm tốt nghiệp có việc làm phù hợp.
Học sinh UKA đón Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng xu hướng các nhà đầu tư vào trường đại học ngày càng phải đi vào chiều sâu, thiết thực. Đào tạo và thực hành phải gắn kết với nhau. Trường đại học là nơi đào tạo nghiên cứu nhưng phải gắn với nhu cầu sử dụng nhân lực của doanh nghiệp, đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư. Trong đó cần đáp ứng được trình độ chuyên môn, đặc biệt là trình độ ngoại ngữ. Chọn tầm nhìn đại học phải xa, chọn chương trình đào tạo có tính đặc sắc. Giá trị cốt lõi chính là chất lượng đào tạo và các thầy cô phải là người tạo nên thương hiệu cho trường, để ngôi trường này trở thành niềm tự hào…
“Không những trong quá trình đào tạo mà ngay cả khi xây dựng chương trình, chọn nghề phải gắn kết cho được với doanh nghiệp. Vì thế, định hướng chiến lược, thiết kế chương trình giảng dạy phải có sự tham gia của doanh nghiệp ngay từ bước đầu, chứ không phải khâu sau”, Bộ trưởng nói thêm.
NHG tâm huyết đầu tư nâng tầm Trường ĐH Bà Rịa-Vũng Tàu
Tháng 7.2016, BVU chính thức trở thành thành viên của NHG và bắt đầu có những thay đổi mạnh mẽ về chất lượng giáo dục đào tạo. Trong dịp đến thăm và làm việc với BVU ngày 14.3, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chia sẻ: “Tập đoàn Nguyễn Hoàng có những cơ sở kinh doanh, dành nhiều tâm huyết và bám sát vào nhu cầu thực tiễn. Tôi đánh giá cao sự đầu tư của Tập đoàn Nguyễn Hoàng vào Trường ĐH Bà Rịa-Vũng Tàu. Tôi tin với cách làm của NHG thì những điểm yếu của sinh viên Việt Nam, trong đó có điểm yếu về tính thực tiễn, đặc biệt là hiểu biết về môi trường doanh nghiệp sẽ được đào tạo tốt hơn”. Một trong những đổi mới có tính đột phá của BVU sau khi trở thành thành viên của NHG là hợp tác quốc tế trong giáo dục đào tạo. Được biết, BVU đã ký kết và triển khai các chương trình hợp tác với 35 đối tác quốc tế từ 9 quốc gia. Mỗi năm trung bình có hơn 250 lượt trao đổi sinh viên quốc tế hai chiều với các đối tác tại Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp, Hà Lan, các nước ASEAN. Hiện nay, BVU đón tiếp trung bình 10 – 20 chuyên gia, nhà khoa học nước ngoài hằng năm đến làm việc, đồng thời gửi 5 – 10 giảng viên BVU tu nghiệp nước ngoài.
Dịp này, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói: Quản trị doanh nghiệp thông thường có thể theo hình thức khoán sản phẩm đầu ra nhưng đối với quản trị đại học phải biết tạo dựng, khích lệ con người để nâng cao chất lượng. Các tập đoàn khi tham gia đầu tư giáo dục cần khuyến khích và thúc đẩy sự tham gia của giáo viên, của những người hưởng lợi để lắng nghe ý kiến và tư vấn của họ – đó là nguồn tài nguyên vô giá trong giáo dục. “Tôi thấy những tập đoàn thành công thường đi theo quan điểm chất lượng, chất lượng và chất lượng. Làm giáo dục cũng vậy. Các nhà đầu tư giáo dục thành công có thể hy sinh lợi nhuận bước đầu, chấp nhận chưa thu lợi nhuận ngay, thay vào đó họ theo đuổi chất lượng. Chất lượng phải ngấm từ người quản lý cho đến nhân viên, từ sinh viên đến giảng viên. Tôi nghĩ rằng, các tập đoàn có tinh thần doanh nghiệp, nhưng phải rất hiểu về quản trị đại học thì sẽ thành công”, ông Nhạ nhấn mạnh. Xung quanh việc doanh nghiệp đầu tư vào giáo dục, ông Nhạ cho rằng: Các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực giáo dục có lợi thế rất lớn về việc sinh viên được thực hành, trải nghiệm với kinh doanh thực, trong cộng đồng kinh doanh của họ. Như sinh viên trường y mà được gắn chặt với bệnh viện vậy. Trường ĐH Bà Rịa-Vũng Tàu cùng với Tập đoàn Nguyễn Hoàng đã tìm cách đưa được chương trình đào tạo của một hiệp hội vận tải quốc tế để dạy cho sinh viên logistic, rất chịu khó, rất có lợi cho sinh viên và doanh nghiệp sử dụng sau này. Tôi mong, các trường đại học vận động theo cách thực tiễn ấy. Bộ sẽ tạo điều kiện hết sức”.
UK Academy – nơi chắp cánh cho các em bay cao bay xa
Đó là chia sẻ của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khi ông đến thăm và làm việc tại UK Academy (Bà Rịa-Vũng Tàu). Trong không khí thân tình, Bộ trưởng đã chia sẻ thêm: “Tôi rất ấn tượng khi vừa đặt chân đến Trường UK Academy. Thấy các em học sinh ở đây rất vui vẻ, tự nhiên, năng động và nề nếp. Các em có thể tự hào về ngôi trường đã chắp cánh cho các em bay cao bay xa. Tôi đánh giá cao trách nhiệm và cách thức tiếp cận nền giáo dục tiến bộ của UK Academy. Nếu như mỗi địa phương có ít nhất một trường như UK Academy thì sự đổi mới của giáo dục và đào tạo ở Việt Nam sẽ diễn ra nhanh hơn rất nhiều”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, UK Academy là hệ thống trường liên cấp mầm non, tiểu học và trung học. UK Academy có 1 cơ sở tại Bà Rịa và một cơ sở sắp ra đời tại TP.HCM. UK Academy cung cấp cho học sinh 5 chương trình gồm: Chương trình Anh ngữ Cambridge chuẩn quốc tế, Chương trình giáo dục của Bộ GD-ĐT, Chương trình giá trị sống – kỹ năng sống, Chương trình công nghệ thông tin, Chương trình thể thao kích thích chiều cao. Đặc biệt, chương trình đào tạo của UK Academy được giảng dạy theo quy chuẩn quốc tế. Theo đó, chương trình Anh ngữ quốc tế – Cambridge, toán và khoa học được dạy bằng tiếng Anh. Hội đồng Anh Việt Nam – British Council công nhận và cấp giấy phép là Trung tâm khảo thí tiếng Anh tại Việt Nam, bài thi IELTS hoặc bài thi Aptis theo chuẩn châu Âu cho UK Academy.
Học sinh sẽ được tổ chức thi lấy chứng chỉ tiếng Anh Cambridge theo quy chuẩn quốc tế, đảm bảo cấp tiểu học, hết lớp 5 học sinh thi cấp chứng chỉ Cambridge Flyers; cấp THCS, hết lớp 9, học sinh thi cấp chứng chỉ tiếng Anh IELTS 5.0; cấp THPT, hết lớp 11, học sinh thi cấp chứng chỉ tiếng Anh IELTS 6.0. Trong đó, chuẩn đầu ra của học sinh học hết lớp 11 đạt IELTS 6.0, đáp ứng các điều kiện sẽ được miễn thi tốt nghiệp tiếng Anh lớp 12 và đủ điều kiện theo học tại các trường đại học có chương trình quốc tế. Bên cạnh việc rèn luyện Anh ngữ, học sinh còn được học các môn toán và khoa học bằng tiếng Anh như nền tảng để có thể du học ở các nước trên thế giới. Riêng hệ thống UK Academy tại TP.HCM, học sinh được luyện thi chứng chỉ SAT (Scholastic Assessment Test), là một trong những kỳ thi chuẩn hóa cho việc đăng ký vào một số đại học tại Mỹ. Đó cũng là một trong những yêu cầu quan trọng được hầu hết các trường cao đẳng, đại học tại Mỹ sử dụng nhằm quyết định việc chấp nhận sinh viên theo học và còn là căn cứ quan trọng để xét cấp học bổng. UK Academy định hướng phát triển rất rõ. Theo đó, trong vòng 5 năm tới, UK Academy sẽ có khoảng 15 cơ sở trải đều trên toàn quốc, tại các thành phố lớn với sức chứa mỗi cơ sở khoảng 2.000 học sinh từ mầm non đến lớp 12. Hằng năm, đảm bảo tỷ lệ tốt nghiệp THPT và vào đại học của học sinh UK Academy là 100%. Trong đó, đảm bảo những học sinh có nhu cầu đi du học nước ngoài được công nhận và du học thuận lợi về trình độ ngoại ngữ cũng như trình độ kiến thức.
Thiên Thảo/Theo Thanh niên