Chính sách

Những triệu phú vùng biên Hà Tĩnh

Giữa núi rừng bạt ngàn biên giới Hà Tĩnh – Lào xuất hiện nhiều con đường rộng, nhà mái ngói đỏ tươi. Nơi đây từng là vùng khó khăn nhất Hà Tĩnh, sau khi Tổng đội Thanh niên xung phong xây dựng vùng kinh tế mới Tây Sơn (huyện Hương Sơn)- giờ đã xuất hiện nhiều đội viên triệu phú.

Anh Lê Quốc Phong cùng đoàn công tác thăm Nhà máy chế biến chè búp tươi thuộc Tổng đội thanh niên xung phong- xây dựng vùng kinh tế mới mới Tây Sơn. Ảnh: Quang Lộc

Vùng biên đổi thay

Anh Nguyễn Thế Hoàn, Bí thư Tỉnh Đoàn Hà Tĩnh cho biết, Tổng đội được thành lập từ tháng 3/2003, với chủ trương của Tỉnh Đoàn là đưa thanh niên hoặc các cặp vợ chồng mới cưới lên lập nghiệp, xây dựng kinh tế mới.

“Từ một vùng đất hoang vu, dân cư thưa thớt, nay Tổng đội không những đáp ứng được việc sản xuất nông lâm nghiệp theo hướng phát triển vùng chè công nghiệp, cao su, cây ăn quả, chăn nuôi gia súc, gia cầm mà còn thực hiện nhiệm vụ giữ vững an ninh – quốc phòng”, anh Hoàn nói.

Giới thiệu về các gương thanh niên làm kinh tế giỏi, Bí thư Tỉnh Đoàn Hà Tĩnh dẫn đến thăm mô hình của đội viên Nguyễn Viết Lĩnh. Đứng trên quả đồi bát ngát chè xanh đang đến mùa thu hoạch, anh Lĩnh cho biết, đây vốn là đồi hoang, toàn sim và cỏ dại. Anh thuê lại cải tạo thành cánh đồng chuyên canh trồng chè sạch.

Anh Lĩnh kể, năm 2007, gia đình dời quê Tùng Lộc (Can Lộc, Hà Tĩnh) lên Tổng đội lập nghiệp. Được giao đất, gia đình dựng tạm một nhà tạm bằng tre nứa, bạt để ở. Lúc đó, chưa có điện chiếu sáng cũng như nước sinh hoạt và đường đi lại.

“Lúc mới nhận đất, gia đình tưởng chừng không thể làm được. Nhiều đêm nghĩ, chán nản, mình tính bỏ trở lại quê. Rồi vợ chồng nhiều lần bàn bạc, mình có sức khỏe, sức trẻ, mọi người làm được mình cũng sẽ làm được, động viên nhau quyết tâm ở lại bám đất, bám rừng lập nghiệp”, anh Lĩnh nhớ lại.

Được giao 2ha đất nông nghiệp, 6ha rừng sản xuất, hai vợ chồng Lĩnh cùng sự giúp sức của người thân vào rừng phát cây bụi khai hoang. Sau được Tổng đội hỗ trợ giếng nước, máy khai hoang đất, giống, cho ứng trước phân bón, hướng dẫn kỹ thuật, vay vốn phát triển chăn nuôi… 10 năm sau, gia đình anh Lĩnh có nhà mới khang trang, hệ thống điện chiếu sáng, đường giao thông đến tận ngõ.

Gia đình trồng được 0,7ha chè công nghiệp, thu hoạch từ chè búp tươi; chăn nuôi đàn lớn gia súc, gia cầm; 6ha rừng trồng nguyên liệu. “Sản phẩm chè búp tươi được Tổng đội bao tiêu với giá cao và ổn định. Tổng thu nhập năm 2016, gia đình tôi lãi khoảng 300 triệu đồng”, anh Lĩnh nói.

Gia đình anh Đào Văn Toàn cũng rời xa quê ở Tùng Lộc (Can Lộc, Hà Tĩnh) lên Tổng đội lập nghiệp từ năm 2004. Được giao 1,7ha đất nông nghiệp, 10ha rừng để sản xuất.

Anh Toàn kể, thời gian đầu rừng núi hoang vắng, là chốn “rừng thiêng nước độc”, các thành viên trong gia đình bị vắt rừng, sên cắn chai cả tay chân. Nhưng nghĩ cha ông mình từng xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, tại sao mình được hỗ trợ tư liệu sản xuất mà không khai hoang làm kinh tế được. Rồi các hộ đội viên trong vùng động viên nhau vượt qua khó khăn, bám lại làm kinh tế.

Đến nay, sau 14 năm khai hoang lập nghiệp, gia đình anh Toàn trồng được 0,5ha chè công nghiệp thu hoạch từ chè búp tươi; 0,3ha cây ăn quả; chăn nuôi 15 con trâu – bò, đàn vịt trời, gà hàng nghìn con, hồ nuôi cá; 10ha rừng nguyên liệu. Mỗi năm, trừ chi phí gia đình thu về khoảng 400 triệu đồng.

Mô hình làm giàu bền vững

Để có thành công hôm nay, anh Hoàng Thế Lộc, Tổng đội trưởng cho biết, cán bộ Tổng đội và Tỉnh Đoàn Hà Tĩnh phải vượt qua nhiều khó khăn, thử thách. Lúc đầu, anh Nguyễn Xuân Hùng, nguyên Tổng đội trưởng (sau đó là Bí thư Tỉnh Đoàn; hiện là Chánh Văn phòng T.Ư Đoàn) cùng một số cán bộ trực tiếp tới nhiều huyện (Nghi Xuân, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Can Lộc…) vận động, đưa đội viên lên xem địa bàn lập nghiệp. Mỗi lần đi có tới mấy chục người nhưng về các anh đều nhận câu trả lời: “Để mình về suy nghĩ”. Đa số thanh niên đã một đi… không trở lại lần hai, bởi thấy cây cối um tùm, mênh mông, hoang vắng, không đường sá đi lại.

Với sự vận động tận tình, tận tâm cán bộ tổng đội, Tỉnh Đoàn cho các thanh niên trẻ về mục tiêu của dự án, đặc biệt là việc định hướng vật nuôi, cây trồng chính phù hợp với điều kiện khí hậu, đất đai cụ thể của từng vùng để nâng cao hiệu quả kinh tế.

Sau đó nhiều thanh niên trẻ đã mạnh dạn rời quê lên Tổng đội lập nghiệp. Đến nay, Tổng đội có tới 228 hộ đội viên. Tổng đội thực hiện các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với các hộ đội viên như di dân, hỗ trợ trồng chè, vốn sản xuất… Đặc biệt, hiện Tổng đội đã có nhà máy chế biến chè.

Anh Lê Quốc Phong trao đổi, động viên đội viên Tổng đội.

Sau hơn 14 năm, Tổng đội chỉ đạo đội viên trồng nhiều loại cây như chè công nghiệp, cao su, cây ăn quả các loại theo quy hoạch và mở rộng phát triển sản xuất theo hướng trang trại, gia trại. Nay, Tổng đội tuyên truyền vận động các hộ đội viên trồng mới được 154ha chè công nghiệp (trong đó 100ha đã đưa vào kinh doanh) với sản lượng 12 tấn chè búp tươi/ha, thu nhập bình quân 84,6 triệu/ha.

Anh Nguyễn Thế Hoàn cho biết, đến thời điểm này Tổng đội đã trồng mới được 120ha cao su; 15ha cây cam bù; thành lập được 7 mô hình chăn nuôi lợn từ 500 con trở lên; 1 mô hình lợn nái quy mô 600 nái tổng vốn đầu tư trên 30 tỷ đồng. Hàng năm, Tổng đội tổ chức thu mua toàn bộ sản phẩm chè búp tươi của các hộ đội viên đưa vào chế biến với mức giá ổn định (hơn 7 nghìn đồng/1kg).

“Tổng đội đã xây dựng các trạm biến áp, đóng điện phục vụ nhu cầu sinh hoạt và sản xuất. Xây dựng các phòng học mẫu giáo, nhà văn hóa thanh niên, sân thể thao; hoàn thành 100 giếng khoan bể lọc. Mỗi năm, Tổng đội còn giải quyết việc làm thường xuyên cho hàng trăm lao động thời vụ trên địa bàn”, anh Hoàn nói.

Đến thăm mô hình Tổng đội, anh Lê Quốc Phong, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn đánh giá cao, biểu dương những nỗ lực, cố gắng và kết quả đạt được của Tổng đội. “Đề nghị Tỉnh Đoàn Hà Tĩnh tiếp tục chỉ đạo hoạt động của Tổng đội đạt kết quả tốt, đạt lợi nhuận và có tích luỹ. Tiếp tục phát triển các mô hình kinh tế hiệu quả, tăng thêm thu nhập, phát triển vùng đất Tây Sơn ngày càng trù phú hơn”, anh Phong nói.

Quang Lộc

BÀI MỚI ĐĂNG