Những con người thầm lặng
Một ngày tháng Tư, tại bảo tàng Không quân phía Nam đã diễn ra cuộc gặp gỡ vô cùng xúc động giữa những người thợ máy, dẫn đường, thông tin, hậu cần, chỉ huy và phi công. Họ là những nhân chứng sống, những người đã tham gia chuẩn bị cho phi đội Quyết thắng cất cánh lúc 16h15’ ngày 28/4 tấn công sân bay Tân Sơn Nhất. Cuộc không kích quan trọng này, không quân ta đã phá hủy 25 máy bay các loại cùng nhiều kho tàng xăng và vũ khí của địch, góp phần rất lớn cho thắng lợi của ngày 30 tháng Tư năm 1975.
Hơn 40 năm đã qua, những con người thầm lặng ấy tóc đã bạc, khuôn mặt bị thời gian cầy chi chít vết nhăn, nhưng họ vẫn giữ nguyên nét tinh anh trong đôi mắt và cả sự hóm hỉnh.
Họ gần như đã dành cả cuộc đời phục vụ trên các sân bay từ thời chiến cho tới thời bình, họ đã quen sống trong tiếng ồn của động cơ phản lực, nơi thường phải giao tiếp phải bằng tay như diễn kịch câm, hầu hết họ bị “điếc” kĩ thuật nên khi nói chuyện, ai cũng như hét vào nhau.
Họ gần như dành cả cuộc đời đứng đàng sau các phi công, chăm lo cho máy bay phóng tên lửa trúng mục tiêu; Bom cắt phải rơi đúng địa chỉ; Lo cho phi công khi thực hiện thao tác thoát hiểm đạn phải nổ để phóng ghế thành công ra khỏi buồng lái và dù phải mở; Lo động cơ không bị rơi vào trạng thái hóc khí; Lo cho đồng hồ dẫn bay tổng hợp không bị chỉ sai….
Khi họ giơ cao ngón tay cái là ám hiệu “OK”- kí hiệu cho phi công biết máy bay đã sẵn sàng: bom đã treo, dầu tra nạp đủ, lốp chịu tải tốt, các chốt an toàn đã rút…
Phi đội Quyết Thắng trở về sân bay Thành Sơn (Phan Rang) sau khi ném bom Tân Sơn Nhất. Ảnh tư liệu |
Trước khi các phi công lăn ra đường băng xuất kích, các chuyên viên kỹ thuật thường đập nhẹ tay lên cánh máy bay. Cái đập tay này như lời chúc đồng đội giành thắng lợi và hẹn gặp lại.
Từ cựu thù trở thành đồng đội
Trong căn nhà của ông Từ, ngay bên cạnh bộ tràng kỉ kiểu cổ của đồng bằng bắc Bộ là một bảo tàng thu nhỏ các loại cần lái máy bay được cắm trên một khúc gỗ mít, xung quanh là lọ hoa và cơ man các vật dụng đều được làm từ sắt thép. Bao trùm lên tất cả là nắp buồng lái máy bay tròn trịa.
Ngắm nghía một cách thú vị, tôi gợi chuyện, góc này giống như một bàn thờ. Chú có kiểu sắp đặt bàn thờ rất lạ, có lẽ độc nhất vô nhị?
Ông Từ- vốn là một anh hùng phi công mỉm cười: “Chẳng phải bàn thờ đâu, đây là góc kỉ niệm cuộc đời bay của tôi. Đây là nơi tôi ghi nhớ công sức các anh em kỹ thuật, những người đã giúp tôi có được những chuyến bay an toàn, đi đến nơi về đến chốn. Vì họ là dân kĩ thuật nên các vật dụng ở góc này tôi chủ ý làm bằng sắt thép. Chứ cắm hoa tươi thì giống kiểu thờ cúng quá khứ đã qua”.
Ông Từ, người đã bay số 2 của phi đội Quyết Thắng, người có mặt trong trận ném bom Tân Sơn Nhất chiều ngày 28/3/1975 say sưa kể về các đồng đội, các nhân viên kỹ thuật, những người đã đứng sau “dọn đường” cho phi đội của ông tấn công sân bay Tân Sơn Nhất 43 năm về trước. Câu chuyện của một nhân chứng lịch sử đã giúp tôi có cái nhìn sống động về truyền thống của không quân Việt nam là “đoàn kết hiệp đồng, lập công tập thể”...
Sau ngày 10/4/1975, các cấp lãnh đạo quyết định chuẩn bị thu hồi các máy bay A37 chiến lợi phẩm. Những người tham gia thực thi là lực lượng kĩ thuật hàng không tập hợp từ nhóm các anh em kĩ thuật Mig 17 ngoài Bắc vào và nhóm các anh em kĩ thuật từng làm việc cho Không quân Sài Gòn chế độ cũ. Mặc dầu họ nhanh chóng làm quen và phối hợp làm việc trôi chảy, nhưng thực tế vẫn có sự ganh đua ngầm. Điều này cũng là những tâm lý thường tình.
Sự ganh đua cũng là do giữa 2 nhóm đã thụ hưởng các phương pháp đào tạo cũng khác nhau. Nhóm đến từ phía Bắc vốn là các kĩ sư do Liên Xô đào tạo, họ có xu hướng tìm tòi để trả lời câu hỏi “Tại sao?”. Nhóm này nắm rất cơ bản về lí thuyết. Còn nhóm các nhân viên kĩ thuật từng làm việc cho chế độ cũ, được Hoa Kỳ đào tạo lại luôn tìm cách đáp ứng câu hỏi “làm như thế nào?”. Nhóm này cực rành rọt về thực hành.
Phó phòng máy bay động cơ của quân chủng phòng không ngay khi có mặt tại sân bay Đà nẵng đã cùng phụ trách kĩ thuật của máy bay A37 thống nhất xây dựng một qui trình hồi phục các máy bay bị bỏ lại. Việc phục hồi những máy bay này khó có thể thành công trong thời gian ngắn nếu không có sự hỗ trợ, tiếp sức của nhóm các anh em kĩ thuật từng làm việc cho Không quân Việt Nam cộng hòa.
Công việc phục hồi được thực hiện trôi chảy dưới sự điều hành của một thượng sĩ nhất – người thường xuất hiện với trang phục màu trắng là lượt phẳng phiu, đi giầy trắng bóng, tóc chải bóng mượt, tay đeo chiếc nhẫn to lấp lánh kim cương.
Ông thượng sĩ nhất không làm trực tiếp. Ông thuộc làu làu tình trạng kĩ thuật của từng chiếc máy bay, chỉ cần nghe tiếng máy, chỉ cần nhìn tình trạng cầu chì nhẩy ra là ông biết ngay hỏng hóc ở đâu và chỉ đạo nhân viên kỹ thuật ra tháo bộ phận tương đương ở máy bay nào đó hay vào kho nào, lấy bộ phận nào để thay. Chỉ cần nhìn vòng quay của hai động cơ không điều chỉnh cân bằng được là ông chỉ ngay được cho nhân viên cách làm thế nào sửa chữa cực kỳ chính xác!
“Trình độ như ông thượng sĩ nhất đó, tôi mới chỉ thấy ở cụ Dần- thiếu tá tiểu đoàn trưởng thợ máy trung đoàn 923”, ông Từ quả quyết.
Cả nước thần tốc theo Đại tướng Tổng tư lệnh thì còn ngại gì?
Phi đội Quyết thắng trên đường làm nhiệm vụ ném bom Tân Sơn Nhất. Ảnh tư liệu |
Có mặt tại sân bay Phù Cát đã thực hiện thu hồi, phục dựng các máy bay bị bỏ lại, chuẩn úy Lương Ngọc Huynh cho gom nhặt các máy bay vào một khu. Rồi ông mời mấy anh em kĩ thuật của không quân Sài Gòn xúm vào kiểm tra động cơ, phục hồi các hỏng hóc, và tự mình lăn taxi các máy bay này vào ụ vòm.
Hôm đầu tiên được tiếp nhận vào sân bay để làm người hướng dẫn bay, anh Xanh và anh Trần Văn On - 2 phi công từng làm việc cho chế độ cũ khá e dè, ngại ngần khi tiếp xúc với những viên phi công từng ở bên kia chiến tuyến.
Các phi công miền Bắc đã nhanh chóng chủ động hòa đồng, xóa mờ khoảng cách. Họ cùng ăn, cùng làm việc và thi nhau kể chuyện tiếu lâm. Chỉ nửa ngày họ đã trở thành những người đồng nghiệp tận tình giúp đỡ, chia sẻ thông tin.
Khi đoàn kĩ thuật quân chủng vào tới nơi, những chiếc máy bay này cơ bản đã đủ điều kiện bay thử!
Ngày 24/4/1975 sau 2 ngày học lí thuyết, chiếc A37 đầu tiên ta thu được đã có thể tiến hành bay thử. Phi công Từ Đễ được cử bay cùng với phi công Trần Ngọc Xanh, trung úy phi công kì cựu của Không quân Việt Nam cộng hoà. Ông Xanh là người gốc Quảng Bình, ít nói, học rộng biết nhiều.
Sau đó, để chuyển máy bay từ sân bay Phù Cát vào Phan Rang, chuẩn bị cho trận ném bom Tân Sơn Nhất, tổ kĩ thuật từ miền Bắc vừa được cử vào 1 ngày, không nghỉ ngơi gì lao vào kho bom tìm xe vận chuyển, họ tự vận chuyển 20 quả bom MK 82 ra sân đỗ. Nhóm chuyên viên vũ khí từng làm cho Không quân Sài Gòn thuần thục lắp bom và thành thạo sử dụng xe nâng bom MJ1 đa năng nên chỉ trong không đầy 1 giờ họ đã chuẩn bị thành công cho 5 máy bay.
Trước câu hỏi tò mò về cảm giác lần đầu bay trên máy bay lạ, nhiều khả năng xảy ra sự cố, Anh hùng phi công Từ Đễ cho biết, “lúc bấy giờ, cả nước thần tốc theo lệnh của Đại tướng thì còn có gì mà phải lăn tăn, quan ngại nữa? Lần bay thử những chiếc máy bay lắp ráp lại này, tôi yên tâm vì bên cạnh đã có anh Trần Ngọc Xanh, người lái máy bay giỏi và có nhiều kinh nghiệm. Thêm tính liều quen rồi nên tôi chẳng lo gì”. Ông Từ cười lớn.
“Các anh ấy về đủ rồi!”
Các phi công Việt Nam chỉ có vỏn vẹn 5 ngày làm quen với máy bay A37 bị bỏ lại nên việc thuộc lòng các thao tác bay không hề đơn giản. Có rất nhiều tình huống kịch tính đã xảy ra trong những thời khắc quan trọng ấy.
Trong thời gian huấn luyện chuyển loại, những khó khăn tiếp theo lại xuất hiện. Đơn cử là các thiết bị trên máy bay A37 bố trí hoàn toàn khác so với các máy bay mà các phi công của ta đã được bay trước đó như vị trí phanh, vị trí các công tắc… Rồi việc toàn bộ các thiết bị trên máy bay đều thuyết minh bằng tiếng Anh. Trong khi đó các phi công Nguyễn Văn Lục, Từ Đễ, Hán Văn Quảng, Hoàng Mai Vượng đều không biết ngôn ngữ này. Sau đó các phi công Nguyễn Thành Trung, Trần Văn On và Trần Văn Xanh đã phải dịch các chữ đó ra tiếng Việt, viết ra giấy và dán đè lên phần chữ tiếng Anh.
Và đã xảy ra một chuyện ngoài dự liệu, khi xuất kích thì máy bay số 3 của thượng úy phi đội trưởng phi đội Quyết Thắng Nguyễn Văn Lục mặc dù thử mọi cách nhưng không thể cắt được 2 quả bom cũng làm những người kỹ thuật hậu cần phải suy nghĩ. Việc phải đeo 2 quả bom về sẽ cực kỳ nguy hiểm khi hạ cánh. Vì nếu tiếp đất thô thì bom rất dễ rơi khỏi giá bom chạy như lợn con trên đường băng tuy không nố nhưng sẽ là chướng ngại nguy hiểm. Thật may mắn, phi công Nguyễn Văn Lục sau đó đã hạ cánh an toàn.
Sự cố này, cho đến tận hôm nay, sau 43 năm, mỗi khi có dịp các nhân viên kỹ thuật vẫn tiếp tục cùng nhau phân tích, song vẫn chưa tìm ra nguyên nhân. Có thể do thợ máy đã siết quá chặt tai bom? Cũng không loại trừ giá treo bom bị kẹt? Hay cũng có thể do chính phi đội trưởng Nguyễn Văn Lục đã quên mở công tắc ném bom?
Cựu kĩ sư quân giới Chu Hải có lẽ không bao giờ có thể quên thời khắc của 43 năm trước. Khi đó, Phi đội 4 (là phi đội thiện chiến, dày dặn kinh nghiệm chiến đấu nhất, 3 lần đạt đơn vị anh hùng) Trung đoàn Không quân 923 (Sư đoàn 371) được giao nhiệm vụ không kích sân bay Tân Sơn Nhất.
14 giờ 30 chiều 28/4, Tư lệnh Quân chủng phòng không không quân trực tiếp ra mệnh lệch chiến đấu. Khi các phi công rời đất, mất hút vào mây mưa tối đen, ông Chu Hải và các anh em kỹ thuật cứ thần người ra, lòng như lửa đốt với cả tỉ câu hỏi: Liệu các anh ấy có đến được mục tiêu không? Bom cắt có rơi không? Mây có che mục tiêu không? Các anh có bị dính đạn không? Ông và nhóm nhân viên kỹ thuật cứ ngóng nhìn không dứt về phía nam…
Thời gian chờ đợi dài dằng dặc. Tất cả chung tâm trạng hồi hộp.
Tới khi kỹ sư vô tuyến điện Lê Hải miệng hét to, tay chỉ về phía núi: Có 1 chấm kìa các bố ơi. 2 …3 … 4 ... 5. Các anh ấy về đủ cả rồi. Mặc dù đã bồn chồn trông đợi, nhưng tuyệt nhiên chẳng có tiếng reo hò ầm ĩ, chẳng thấy ai nhảy lên… tất cả lặng đi, nín thở dõi theo từng chấm đen to dần và bắt đầu hạ cánh. Tới khi người phi công cuối cùng mở cửa bước ra, tất cả mới vỡ òa reo hò, nhảy nhót ôm chầm lấy nhau.
“Giây phút ấy, trạng thái ấy tôi được trải qua 1 lần duy nhất trong đời lính trong ngày 28/4/1975”, ông Chu Hải đến giờ vẫn nhớ như in cái thời khắc đã đi vào lịch sử của không quân Việt Nam, của đất nước.
Tác giả: Tuần Việt Nam
Nguồn tin: Báo VietNamNet