Đền Chợ Củi (còn gọi là đền ông Hoàng Mười) nằm cách thành phố Hà Tĩnh khoảng 40km về phía Đông Bắc và cách thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An khoảng 10km về phía Nam. Đền Chợ Củi nằm cách quốc lộ 1A khoảng 200m, tọa lạc giữa khu dân cư đông đúc, quay mặt về hướng Tây Bắc, lưng tựa vào núi, phía trước là dòng sông Lam tạo nên một không gian kiến trúc linh thiêng nhưng rất gần gũi.
Hình ảnh người ăn xin ngay trong đền Chợ Củi gây phản cảm. |
Đền Chợ Củi có rất nhiều lễ hội, nhưng mồng 10/10 âm lịch là một trong những lễ hội lớn nhất của năm. Hàng năm, vào ngày này, nhân dân khắp vùng từ Hà Nội, Thái Bình, Hải Dương, Lạng Sơn, Thanh Hóa... đến tận Sài Gòn đều tụ tập về đây, thành kính dâng những nén tâm hương, cầu xin được chở che, an lành.
Thời điểm này, nhiều người ăn xin lợi dụng để "hành nghề", khiến không ít người khi đến ngôi đền này phải chịu sự phiền toái vì cảnh ăn xin hay bị chèo kéo để đổi tiền lẻ.
Theo quan sát của PV, ngày 24/11 (tức ngày 10/10 âm lịch), ngay từ sáng sớm, nhiều người ăn xin đã ngồi lê lết từ ngoài cổng đền. Những người này chỉ cần thấy người đi ngang qua là đồng loạt giơ chiếc nón rách tơi tả, úa màu và cáu bẩn để xin tiền. Những tờ tiền có mệnh giá 2.000, 5.000, 10.000 đồng... liên tục được khách lễ chùa bỏ vào nón của họ. Một số người vì cảm thấy phiền toái đành chấp nhận móc túi tiền ra cho.
|
Nhiều người khỏe mạnh vẫn cắp nón đi xin. |
Những người "hành nghề" ăn xin đầy đủ các lứa tuổi, thành phần, trong đó chủ yếu là những người già và người tàn tật, trẻ nhỏ.
Chị Nguyễn Thị Giang (ở Thanh Hóa) bức xúc cho biết: "Năm nào cũng vậy, cứ vào dịp đầu năm hay đến ngày lễ lớn gia đình tôi lại về đền Chợ Củi để dâng hương, cầu mong bình an đến với người thân. Thế nhưng, mỗi lần về đây tôi lại chán ngán cái cảnh người ăn xin họ níu kéo để xin tiền. Cho người này lại mất người kia nên rất khó xử. Hi vọng lực lượng chức năng sớm giải quyết tình trạng này để tránh mất phản cảm ở chốn linh thiêng".
Dịch vụ đổi tiền lẻ vẫn còn diễn ra tại đền Chợ Củi. |
Anh Lê Văn Hương, một du khách đến dâng hương đền Chợ Củi, ngao ngán: "Đi đến những nơi tâm linh là để thắp hương cầu cho gia đình bình yên, may mắn nhưng ngán nhất là cảnh người ăn xin bủa vây mình. Nhiều lúc làm ngơ không cho thì lương tâm cắn rứt, còn cho một người thì người khác lại đến xin, bực nhất là nhiều người trẻ, khỏe vẫn đi ăn xin".
Người Việt Nam vốn có truyền thống "lá lành đùm lá rách", sẵn sàng giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn, những mảnh đời bất hạnh... Thế nhưng, đừng vì thế mà lợi dụng lòng trắc ẩn của người khác để trục lợi, đừng theo kiểu sức khỏe có thừa nhưng vẫn ngồi "há miệng chờ sung".
Thiết nghĩ về vấn đề này, Ban quản lý đền Chợ Củi, các lực lượng chức năng sớm có phương án xử lý. Nếu tình trạng này cứ tiếp diễn thì nay mai nơi đây sẽ mất đi sự linh thiêng vốn có. Người đi đền cũng sẽ cảm thấy mình bị dẫn vào một thế giới trần tục và bon chen chẳng khác nào ở ngoài đời.
Đền Chợ Củi được xây dựng từ cuối triều Lê sơ và được Bộ VHTT&DL xếp hạng là di tích lịch sử - kiến trúc nghệ thuật quốc gia năm 1993. Đền có kiến trúc gồm ba tòa: hạ điện, chính điện và thượng điện, với các cung thờ tam tòa Thánh Mẫu (mẫu tam phủ), Ngũ vị Tôn ông, cung Hoàng Mười, cung Chầu Mười, cung Trần Triều (thờ Đức Thánh Trần). |
Tác giả: Sơn Nguyễn
Nguồn tin: Báo GĐ&XH