Khối thạch mẫu mang hình mẹ sinh conĐền Sinh – đền Hóa cách nhau chừng 800m. Dẫn tôi vào khu hậu cung đền Sinh, ông Vũ Xuân Sơn, Trưởng đền Sinh – đền Hóa cho hay: Theo truyền thuyết, chân núi Ngũ Nhạc có 5 quả núi thờ 5 vị sơn thần cai quản 5 phương.
Vào giờ Dần ngày 8 tháng 5 năm 542, trẻ mục đồng chợt nghe có tiếng khóc. Tìm mãi, đám trẻ chỉ thấy một tảng đá chừng hai chiếc chiếu bị nứt đôi, ở giữa là một thiên đồng với tiếng khóc vang như chuông. Đám trẻ liền lấy tay làm kiệu, lấy nón làm lọng, lấy khăn của trẻ gái làm cờ rước thiên đồng xuống núi.
Khi xuống đến đền Hóa, bất chợt giông tố nổi lên, bụi bay đá cuộn, thiên đồng liền bay vút về trời. Đám trẻ vẫn nghe được câu nói: “Ta là Phi Bồng Hạo Thiên giáng hạ nhưng nay bị lộ nên phải về chầu Ngọc Hoàng”.
Dân làng bèn lập đền thờ thay cho hai ngôi miếu lợp gianh trước đó. Chỗ thiên đồng sinh ra lấy tên là đền Sinh, chỗ thiên đồng bay đi gọi là đền Hóa.Còn theo thần tích trên một tấm bia khắc vào cuối thời Nguyễn tại đền Sinh thì Phi Bồng lại là một vị tướng quân sống vào thế kỷ thứ VI. Ông có công đánh giặc cứu nước, khi mất đi được nhân dân lập đền thờ. Trải qua nhiều thế kỷ, tiểu sử của ông đã được thần thánh hóa nhiều chi tiết để tăng thêm sự huyền ảo, thiêng liêng phù hợp với tín ngưỡng của người Việt.Ông Sơn vén tấm rèm cửa màu vàng lấp lánh ánh kim để bước vào hậu cung, một không gian kỳ ảo với ánh điện màu đỏ hồng khiến tôi có cảm giác như lọt vào chốn phiêu bồng. Một tấm vải màu đỏ rộng lớn bao trùm gần như toàn bộ phiến đá.
Thấy vẻ băn khoăn của tôi, ông lý giải: “Với phiến đá có hình phụ nữ sinh nở như thế, Ban quản lý khu di tích đã họp bàn, quyết định che tấm vải này lên để tạo sự kín đáo”. Dẫu vậy, lối bài trí như thế cũng ít nhiều gây cho tôi cảm giác hụt hẫng.Theo quan sát của tôi, phiến đá cao chừng 3m, rộng bằng hai chiếc chiếu. Ông Sơn cho biết: Đây chính là thạch mẫu đã hạ sinh Đức thánh Phi Bồng. Khối đá tròn nằm ở vị trí trên cùng là đầu, khối đá phía dưới là bầu ngực, hai khối đá lớn, dài hai bên là đầu gối, ở giữa hai đầu gối có hai khối đá tượng trưng cửa bát nhã (nơi sinh nở của phụ nữ) và bào thai đang chào đời. Hai khối đá mé ngoài cùng là bàn chân. Như vậy, toàn bộ khối đá có hình một phụ nữ đang trong tư thế sinh nở – điều đặc biệt mà không nơi đâu có được.
Ông Sơn bên phiến đá hình phụ nữ sinh con.50 – 70% xin con ở đền thành công (?!)Cũng theo ông Sơn, chính khối đá này cùng những câu chuyện lưu truyền trong dân gian về Đức Thánh Phi Bồng đã khởi nguồn một nghi thức tồn tại hàng trăm năm nay, đó là tục cầu tự (xin con) tại đền Sinh.Ông lý giải: “Nghi thức này xuất hiện từ thế kỷ thứ 6. Thuở ấy, có hai vợ chồng ông Chu Thức và bà Hoàng Thị Ba ở trang Phấn Lôi (xã Thắng Cương, Yên Dũng, Bắc Giang ngày nay) đã ngoài 50 tuổi mà chưa sinh được một mụn con. Một đêm, ông bà được báo mộng đến miếu gianh bên trang An Mô (sau này là đền Sinh) mà cầu.
Hai vợ chồng liền sắm lễ vật sang miếu. Sau khi làm lễ, bước ra đến cửa, hai vợ chồng thấy một dấu chân. Bà Ba ướm thử thấy vừa như in, vết chân cũng biến mất. Quả đúng như giấc mộng, sau khi làm lễ, về nhà bà có mang rồi hạ sinh một cậu con trai đặt tên là Phúc Uy mặt mũi khôi ngô.
Năm 15, 16 tuổi Phúc Uy đã văn võ song toàn. Năm 19 tuổi, ông được vua Lý Nam Đế cử cầm quân đánh giặc Lương. Thắng giặc, ông được phong làm trấn thủ xứ Hải Dương. Sau, quân giặc lại kéo sang, ông tử trận bên Việt Yên, Bắc Giang và được lập đền thờ ở đó. Từ đó, những người hiếm muộn lại tìm về đền Sinh với mong muốn sinh được con.Theo chỉ dẫn của ông Sơn, tôi tìm gặp ông Phạm Văn Được có “ngót hai chục năm kiểm chứng những ca xin con thành công ở đền”.Ông Được năm nay 76 tuổi, nhà ở cách đền Sinh chừng 200m. Ông chính là người viết sớ xin con cho các cặp vợ chồng đến đền. Khi việc xin con thành công, cũng chính ông là người viết sớ giúp họ tạ ơn thần thánh.Biết ý định của tôi, ông Sinh liền vào nhà trong lôi ra một chiếc hòm khóa cẩn thận. “Đó là kho báu của tôi đấy”, ông cười bảo.”Kho báu” của ông Được là những cuốn sổ với chi chít những dòng tên, địa chỉ, số điện thoại của các trường hợp đến xin con ở đền. Người xa nhất ở TPHCM, phổ biến là ở Hà Nội, các huyện Chí Linh, Nam Sách (Hải Dương), Hải Phòng, Quảng Ninh…
Lần giở những trang sổ cả mới đến đã ố vàng, ông Được nhẩm tính: “Trung bình mỗi năm cũng có vài trăm trường hợp đến xin con. Theo quy ước ở đền, nếu sinh được con trai thì phải quay lại đền làm lễ tạ, con gái thì không cần.
Tính ra, năm nào cũng có khoảng 50 – 70% đến tạ. Riêng năm Quý Mùi (2003) có sự đột biến khi 365 trường hợp đến xin con thì có 325 trường hợp quay lại làm lễ tạ. Còn năm nay mới chưa đến nửa năm đã có 113 trường hợp đến xin con thì gần 50 trường hợp quay lại tạ rồi”.Ông Được kể, có những trường hợp chỉ cần xin một lần là quay lại tạ. Lại có những trường hợp phải xin 4, 5 lần mới thành công. “Ví như gia đình anh Thọ ở Quảng Ninh, anh Anh ở Cầu Giấy (Hà Nội) phải xin tới 3, 4 năm mới đẻ, lại còn sinh đôi”, ông vui vẻ cho hay.Cũng đã ngót hai chục năm nay, với công việc viết sớ của mình, ông Được đã trở thành người thân của rất nhiều gia đình từ khắp trong Nam ngoài Bắc mà theo lời ông, “nếu tôi có làm một cuộc dạo chơi xuyên Việt thì sẽ chẳng phải lo chỗ ăn, chỗ nghỉ, vì ở đâu cũng có người quen”.Mặc dù vậy, theo ông Trần Đình Trung, Phó Chủ tịch xã Lê Lợi: “Việc xin con này đơn thuần là đức tin. Do đó, người dân không nên thần thánh hóa, thổi phồng để rồi phụ thuộc vào nó quá nhiều mà bỏ qua những tiến bộ của y học hiện đại”.
Theo ông Được, ít nhất có khoảng 50 – 70% xin con ở đền thành công.
Phía sau đền Hóa hiện còn một hòn đá in hình dấu chân khổng lồ có chiều dài chừng 40cm, hằn sâu chừng 10cm. Tương truyền, trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông, Trần Hưng Đạo ngày đêm suy nghĩ phương kế đánh giặc, trong đó có việc thiếu thuyền. Một đêm ông nằm mơ, thấy thánh Phi Bồng hiển linh nói sẽ giúp cho chiến thuyền. Sáng hôm sau, thuyền đậu kín bến sông.
Sau khi đánh tan quân Nguyên Mông, Trần Hưng Đạo làm lễ tạ. Đêm đó trời nổi phong ba, đoàn thuyền tự nhiên biến mất. Từ An Mô đến Vạn Kiếp xuất hiện 3 dấu chân khổng lồ in hằn xuống đá, một dấu ở sườn Ngũ Nhạc sau đền Hóa, một dấu ở núi Trò, một dấu ở núi Trán Rồng. Còn trên dãy núi Phượng Hoàng xuất hiện hai đường kéo thuyền. Mọi người cho đó là dấu chân và đường kéo thuyền của Phi Bồng giúp Hưng Đạo Vương đánh giặc.
Thanh Thủy
Bee