Càng giáp Tết, người dân càng háo hức chờ được thưởng thức những bộ phim hài hước mang tới cho họ nụ cười sảng khoái để chào đón năm mới. Nhưng càng háo hức bao nhiêu, khán giả càng thất vọng bấy nhiêu vì nội dung đĩa hài nhàm chán, thậm chí nhạt nhẽo, vô bổ. Không những thế lại có quá nhiều đoạn quảng cáo lộ liễu khiến khán giả bức xúc.
Một cảnh trong Đại gia chân đất 2014
Đại gia chân đất 2014 được quảng cáo rầm rộ có sự tham gia diễn xuất của hai hot girl là Mai Thỏ và Andrea, bộ phim hứa hẹn nhiều bất ngờ và thú vị. Nhưng hai hot girl chỉ xuất hiện vài phút trước khi hết phim càng khiến khán giả thêm thất vọng.
Vừa xem vừa tức
Đó là cảm giác khi xem hài mà xuyên suốt clip là những dòng chữ quảng cáo chạy bền bỉ từ đầu đến cuối. Đĩa mới chạy, khán giả chưa kịp nhìn thấy những hình ảnh đầu tiên của bộ phim thì những đoạn quảng cáo đã chềnh ềnh trước mắt. Có hẳn 3-5 phút quảng cáo riêng nhưng trong suốt bộ phim, nhà sản xuất vẫn còn cố tận dụng bằng cách cho những dòng chữ quảng cáo chạy chậm phía dưới màn hình. Song song, hai bên phải trái, phía góc màn hình cũng được tận dụng nhét thêm logo của một vài công ty. Dù đã được sắp xếp khéo léo nhưng quảng cáo xuất hiện một cách dày đặc cũng khiến khán giả khó tránh khỏi cảm giác thấy bực bội, khó chịu.
Điển hình như sản phẩm hài Tết để yêu thương của Công ty Cổ phần Nghe nhìn Thăng Long. Sản phẩm này có một tiểu phẩm hài mang tên Hàm răng của ai với sự tham gia của nghệ sĩ hài Xuân Hinh, Hồng Vân. Nội dung tiểu phẩm là câu chuyện hài hước của một nhân vật do Xuân Hinh thủ vai. Nhân vật này tuổi đã cao, răng đã rụng gần hết, chỉ còn duy nhất một cái. Gia đình đã bày cách cho ông này đến trung tâm nha khoa để làm răng giả.
Như nhiều đĩa hài khác, nhà sản xuất cũng tận dụng triệt để màn hình với những dòng chữ và logo để quảng cáo. Lộ liễu hơn, trong quá trình diễn xuất còn có những câu thoại khô khan, không có chút gì là hài hước nhằm giới thiệu về một trung tâm nha khoa, về sản phẩm của một doanh nghiệp kinh doanh đồng hồ.
Sản phẩm hài Làng ế vợ cũng trong tình trạng tương tự với một loạt hình ảnh quảng cáo về thạch rau câu, quần áo, đồ điện máy, thực phẩm chức năng, thuốc…
Như lời chia sẻ của đạo diễn Trần Bình Trọng – cha đẻ của sản phẩm hài Đại gia chân đất trên một trang báo có nói rằng: “Năm nay có khá nhiều khó khăn. Mọi năm thì tôi không quá quan trọng việc kêu gọi tài trợ hay bán quảng cáo. Nhưng năm nay khó khăn quá nên ngoài những đơn vị thường xuyên đồng hành thì chúng tôi cũng kêu gọi thêm”.
Vẫn biết nền kinh tế còn trong tình trạng khó khăn, tình trạng in sao đĩa lậu nhiều nên lợi nhuận cũng bị ảnh hưởng, không cẩn thận có thể lỗ, nhưng các nhà sản xuất cũng nên cân nhắc hơn thiệt, xử lý khéo léo, tìm giải pháp mới vẹn cả đôi đường, để đến mức khán giả cảm thấy “bị lừa” thì đó là tổn thất nặng nề nhất. Khán giả mua đĩa hài để xem hài, chứ không phải mua đĩa hài để xem quảng cáo.
“Bữa tráng miệng” liệu có bị “ôi”?
Ngay từ những tuần đầu tiên của tháng áp tết, hàng loạt bộ phim hài đã được trình làng với sự xuất hiện của những nghệ sĩ tên tuổi như Quang “Tèo”, Chiến Thắng, Xuân Hinh, Hồng Vân, Bình Trọng, Vượng “Râu”… Có thể đếm sơ sơ được vài chục bộ phim đủ để khán giả thỏa sức giải trí trong suốt kì nghỉ Tết như Làng ế vợ, Mèo nào cắn mỉu nào, Sinh nghề tử nghiệp, Đại gia chân đất 4, Tết lo phết, Chôn nhời, Tết để yêu thương, Thị Hến kén chồng…
Làng ế vợ là câu chuyện về một hội trai làng ế vợ được thành lập để bảo vệ gái làng khỏi bị trai làng khác tăm tia. Với lối diễn xuất hài hước quen thuộc, Quang “Tèo” và Chiến Thắng mang đến cho khán giả nhiều tiếng cười. Tuy nhiên, kịch bản phim vẫn là những câu chuyện cũ sau lũy tre làng nên khó tránh khỏi sự nhàm chán. Dù đã đưa vào những vấn đề thời sự như nạn lừa bán phụ nữ qua biên giới nhưng bộ phim vẫn chưa có sức đột phá gây ấn tượng với khán giả.
Những bộ phim hài khác như Sinh nghề tử nghiệp cũng không có gì nổi bật, thậm chí còn không đưa được “vị Tết” đến với khán giả.
Năm 2013, Đại gia chân đất xoay quanh câu chuyện về hành trình “tìm của lạ” của hai ông thông gia quê mùa thì năm 2014, bộ phim là câu chuyện về vấn đề mua bán, dàn xếp tỉ số của nền bóng đá nước nhà và các mảng sáng – tối trong showbiz. Tuy nhiên, theo khán giả nhận xét thì “kịch bản năm nay ít hài, năm ngoái hay bao nhiêu thì năm nay dở bấy nhiêu”.
Năm 2013 được coi là một năm với nhiều sự kiện nóng hổi, có thể là chất liệu hay và hấp dẫn cho kịch bản hài nhưng đáng tiếc là chưa kịch bản nào khiến khán giả trầm trồ thích thú. Nếu tình trạng này cứ tiếp diễn, e rằng hài tết sẽ nhanh chóng trở thành “món tráng miệng” nhàm chán và dễ dàng bị khán giả bỏ qua. Khán giả vẫn đang nín thở, hồi hộp chờ đợi những bộ phim hài đủ tầm, đủ nóng hổi, đủ sâu cay và đủ hài hước.