Mất cả đôi tay
Sau lần thi rớt đại học, Thắng quyết định vừa ôn thi vừa đi làm thêm để đỡ gánh nặng cho gia đình thuần nông có mười miệng ăn của mình. Là thành viên chính thức trong ca đoàn nhà thờ nên ngay từ nhỏ, Thắng đã được học đàn để hát Thánh ca và chơi nhạc. Trong một lần vô ý cầm tuýp sắt leo lên mái rạp cưới dưới đường dây điện cao thế, chàng “nghệ sĩ vườn” bị cháy cả hai tay.
Với hy vọng cứu sống đứa con trai tuổi đời còn phơi phới, cha mẹ Thắng bán hết những gì quý giá nhất trong nhà và tìm mọi cách vay mượn để đủ tiền chữa trị. Nhưng Thắng thật sự sốc khi bác sĩ quyết định cắt bỏ hai cánh tay đang hoại tử dần. “Lúc đó tôi cảm thấy tất cả đều sụp đổ. Cho đến khi xuất viện được mọi người an ủi mới lấy lại được niềm tin cho mình”, Thắng kể. Từ đó, Thắng bầu bạn với cây đàn organ và khó khăn thực sự bắt đầu khi hai cánh tay đã bị cưa gần đến cùi chỏ.
Màn trình diễn xúc động của Dương Quyết Thắng
Thế rồi được nghe câu chuyện của những người khiếm khuyết đôi tay như tấm gương Hoa Xuân Tứ, nhà giáo Nguyễn Ngọc Ký, Thắng tự nhủ lòng người ta làm được thì mình cũng có thể làm được. Bắt đầu từ đó Thắng tự đảm nhiệm mọi sinh hoạt, tập viết chữ và học đánh đàn bằng chân.
Tuy nhiên, khi ấy Thắng đã ngoài 20 tuổi nên những ngón chân không còn độ mềm như trước nữa. Thắng đành quay qua dùng thử đôi tay cụt. Như được sống lại với niềm đam mê, Thắng tập cả ngày lẫn đêm, nhiều bữa phải đeo headphone vì sợ ảnh hưởng đến hàng xóm. Công sức tập luyện của một người khuyết tật với ý chí mạnh mẽ đã được bù đắp khi hai cùi chỏ của người “nghệ sĩ vườn” đã biết nhảy múa điêu luyện trên từng phím đàn.
Nghị lực phi thường
Thế nhưng khi quay trở lại với nghề, khó khăn lại đến với người nhạc công trẻ. Mặc dù rất khâm phục tài năng của Thắng, nhưng rất ít nơi mời một người khuyết tật như anh đi phục vụ đám cưới vì sợ… xui! Những ngày tháng này, Thắng mang nặng nỗi mặc cảm, tự ti.
May mắn lại đến với anh khi được bạn bè động viên dự thi chương trình Tìm kiếm tài năng Việt Nam. Ngay ở vòng sơ tuyển, ban giám khảo đã xúc động với phần tác phẩm tự biên tự diễn của một thí sinh cụt hai tay. Đây cũng là mối duyên đầu tiên, để sau đó Thắng được mời đi biểu diễn tại các sân khấu và cả phòng trà như Sen Hồng, Nam Quang… với lượng khán giả hâm mộ ngày một đông hơn.
Anh Thắng thăm một trại trẻ mồ côi
Tiếng đàn lời ca của Thắng ngày một vang xa và anh trở thành tấm gương về nghị lực cho các bạn trẻ noi theo. Nhiều chương trình về Nghị lực sống, Hạt giống tâm hồn tại các trường học, xí nghiệp đã có “chú chim cánh cụt” tham gia với tư cách là người thuyết trình đến sẻ chia về hoàn cảnh sống và ý chí vươn lên của một số phận kém may mắn.
Thắng tâm sự: “Đã từng làm đại sứ cho một số chương trình nhưng với tôi, ấn tượng nhất là khi đến thăm các trại trẻ mồ côi khuyết tật, đặc biệt là các phạm nhân trong trại cải tạo ở các tỉnh Bình Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu, Khánh Hòa”. Không ít phạm nhân sau đó tự trách mình là người lành lặn mà lại làm điều sai trái, trong lúc còn rất nhiều tấm gương tàn nhưng không phế như Thắng.
Dù đã có nghề nghiệp ổn định nhưng Thắng vẫn còn phải ở nhờ một người đồng hương tại quận 2, thi thoảng mới gom góp được ít tiền về thăm người vợ mới cưới đang sống ở quê cùng bố mẹ chồng. Còn nhiều vất vả phía trước nhưng Thắng vẫn cảm ơn những người như thầy Thạch dạy nhạc, MC Thanh Bạch, chủ nhà hàng Hương Sơn… đã giúp anh tìm được lối đi riêng trong cuộc đời kém may mắn của mình.
CHU LỄ/ CAND