Người bệnh binh tàn nhưng không phế !
Khi chiến tranh lùi xa, hòa bình thống nhất đất nước, xuất ngũ trở về địa phương, người bệnh binh Phan Hồng Lý (Sn 1948, xã Hương Trạch, Hương Khê, Hà Tĩnh) phải mang trong mình bao di chứng của chiến tranh để lại. Dù bị mất sức lao động tới 61% nhưng bản thân ông vẫn tiếp tục phát huy ý chí người chiến sỹ thời bình, đưa kinh tế gia đình từ nghèo khó dần vươn lên thoát khỏi cảnh thiếu ăn.
Năm 1995, gia đình ông cùng với nhiều người dân xóm Bắc Lĩnh, xã Hương Trạch đã mạnh dạn nhận hàng chục héc ta rừng để đầu tư khoanh nuôi, phủ xanh đất trống đồi trọc, phát triển kinh tế theo Quyết định số 327-CT của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ), ngày 15/9/1992.
Vào thời điểm nhận rừng, kinh tế gia đình hết sức khó khăn. Ông Lý cùng với vợ là bà Đinh Thị Lượng (Sn 1945) nỗ lực, lấy sự cần cù, chịu khó cải tạo hơn 3 héc ta rừng nghèo kiệt được UBND huyện Hương Khê giao cho để canh tác phát triển kinh tế.
Trải quãng thời gian khó khăn, hai vợ chồng người bệnh binh này cũng đã biến mảnh rừng vốn nghèo kiệt, trọc trống, thành một vùng đất phủ kín cây xanh. Cả xóm nghèo, ai cũng nể phục vợ chồng bệnh binh “tàn nhưng không phế” với nghị lực và sự chịu khó vươn lên thoát nghèo.
Từ mảnh rừng nghèo kiệt, gia đình bệnh binh Phan Hồng Lý đã phủ kín màu xanh cho những mảnh đồi trọc |
Hơn 20 năm gắn bỏ với mảnh rừng, hơn ai hết, ông đã cho người dân địa phương thấy được rằng “rừng là vàng” như lời Bác Hồ từng nhắc nhở bao thế hệ. Khắc phục dần những khó khăn, vay mượn đầu tư cây giống, rồi ông Lý cũng đã nhận “quả ngọt”. Cả gia đình từ mảnh rừng ấy mà có cái ăn, cái mặc, con cái ông được ăn học đến nơi đến chốn.
Tâm sự với PV, ông Lý nhớ lại: “Vào thời điểm đó nói tới rừng ít ai quan tâm. Rừng thì ngay cạnh nhà, nhưng không có cây xanh. Chỉ còn những mảnh rừng trọc, nghèo kiệt. Nhiều người đã lắc đầu khi được giao rừng, nhưng cũng có nhiều người như gia đình tôi mạnh dạn xin cấp rừng, nhận rừng để phát triển kinh tế.
Tới giờ thì mọi chuyện khác xưa, trải qua những ngày ăn ngủ trên rừng cả tháng trời với cơm đùm muối trắng, nay thì rừng cũng trả ơn người. Cứ 4 năm đến 6 năm một lần là lại có thu hoạch từ cây rừng, chủ yếu là cây keo tràm. Nhờ đó, gia đình tôi và nhiều gia đình khác có thêm thu nhập mà phát triển kinh tế, còn không chưa biết khi nào mới thoát khỏi cảnh nghèo, chạy ăn từng bữa.”.
Có nguy cơ trắng tay sau hơn 20 năm gắn bó với rừng
Trong lá đơn kêu cứu gửi PL&DS người bệnh binh già kể lại câu chuyện: Những năm đầu nhận rừng, nhiều gia đình đã phải chấp nhận bỏ rừng được giao xa quê hương làm thuê làm mướn kiếm tiền. Không có tiền đầu tư, không đủ lao động để cải tạo, rừng không thể bỗng nhiên “sinh vàng, sinh bạc” cho chủ rừng được. Vì vậy, họ đành phải bỏ rừng, kiếm kế khác mà sinh nhai.
Trong thôn xã, những người kiên trì bám trụ lấy “đất nghèo” như gia đình ông phải nói là đếm trên đầu ngón tay. Và đôi khi còn bị xem là “gàn dở” khi cứ không chịu buông rừng lo mà kiếm kế khác để có cái ăn, cái mặc. Dù biết sẽ gặp muôn vàn khó khăn, kinh tế sẽ không phải ngày một, ngày hai mà khấm khá nhưng gia đình ông vẫn không bỏ mặc, vẫn cố bám trụ và từng bước cải tạo lại mảnh rừng.
Bản thân là một người lính, được học hành và có nhiều kinh nghiệm, nên ông vẫn biết áp dụng những tư duy tiến bộ trong cải tạo đất, trồng cây rừng để mảnh rừng nghèo kiệt ấy sớm mang lại lợi ích. Từ những cái học được, ông luôn chia sẻ, giúp đỡ những người trồng rừng khác. Những năm tháng đầy gian truân đó, họ đã tựa vào nhau để phủ xanh đất trống đồi trọc.
Ông Phan Hồng Lý tâm sự với PV về 20 năm gắn bó với rừng |
Oái ăm thay, khi rừng bắt đầu phát huy giá trị, mỗi năm đem lại hàng chục triệu đồng từ việc thu hoạch cây cối thì cũng là lúc gia đình ông rơi vào cảnh không yên bình. Ông Lập – một người mà ông Lý giúp đỡ trong quá trình trồng rừng quay lại đòi lấy hết đất rừng của nhà ông.
Câu chuyện được bắt đầu khi Nhà nước có chính sách cấp quyền sử dụng đất lâm nghiệp cho từng hộ cá nhân đã được giao đất giao rừng. Mục đích giúp người dân có Giấy chứng nhận để vay vốn Ngân hàng, tăng cường đầu tư vào rừng để rừng tăng thêm hiệu quả kinh tế. Ông Tập bỗng trở mặt, quay lại tranh chấp, ngăn trở ông Lý làm giấy chứng nhận quyền sử dụng mảnh đất được Nhà nước cấp giao.
“Biết gia đình họ khó khăn, tôi đã không ngại ngần tạo điều kiện để gia đình ông Tập có thêm cái ăn, cái mặc. Dù gia đình ông Tập không được giao rừng, không nhận mảnh rừng nào, ông Tập có xin mượn tôi một mảnh nhỏ trong toàn bộ diện tích Nhà nước giao cho tôi sử dụng để trồng rừng, làm ăn, tôi sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ. Ngờ đâu, khi Nhà nước có chính sách cấp giấy chứng nhận, tôi làm hồ sơ trình lên các cấp thì ông Tập lại đứng ra tranh chấp. Ông ấy định cướp trắng mảnh rừng mà bao công sức, mồ hôi, thậm chí cả máu mà vợ chồng tôi đổ xuống để được như ngày hôm nay.” – ông Lý bùi ngùi.
Trước sự tranh chấp vô lý của ông Tập, ông Lý vì muốn xử lý dứt điểm, đã sẵn sàng chịu thiệt, nhường lại một phần đất rừng cho ông Tập làm ăn theo nguyện vọng khi chính quyền xã Hương Trạch đứng ra hòa giải. Nhưng rồi, ông Tập lại “được voi, đòi tiên”, cố tình muốn chiếm dụng toàn bộ số diện tích mà Nhà nước đã giao cho gia đình ông Lý. Và cách mà ông Tập dùng đó là mượn hồ sơ, quyết định giao đất giao rừng cho một hộ gia đình khác để đi tranh chấp với ông Lý.
PL&DS sẽ tiếp tục thông tin trong bài viết tiếp theo, mời độc giả đón đọc.
Tác giả: Hoàng Phạm
Nguồn tin: Báo Pháp luật và Dân sinh