Giáo dục

Hà Tĩnh: 'Cấp cứu' tình trạng thiếu giáo viên, chờ đề án theo thông tư mới?

Trước thềm năm học mới, ở TX Kỳ Anh (Hà Tĩnh) và một số huyện thị xảy ra tình trạng thiếu giáo viên trầm trọng, các Sở chức năng tỉnh Hà Tĩnh cho biết, đang lập đề án tham mưu cho tỉnh theo Thông tư mới.

Thừa thiếu giáo viên cục bộ

Như ANTT đã đưa tin, sau ngày tựu trường (25/8), các huyện Kỳ Anh, Can Lộc, đặc biệt là TX Kỳ Anh thiếu giáo viên trầm trọng. Năm học mới đã cận kề nhưng hiệu trưởng nhiều trường vẫn như ngồi trên đống lửa chờ đợi giáo viên, phân công lãnh đạo, tìm giáo viên hợp đồng...

Tuy nhiên, việc tìm giáo viên hợp đồng cũng gặp khó khăn vì nhiều sinh viên sư phạm ra trường muốn gắn bó với nghề nhưng với số tiền 1.800.000 đồng/tháng, họ không đủ tiền xăng xe nên chẳng mấy người mặn mà.

Trường THCS, các tổ chuyên môn có thể dạy tăng tiết hoặc “cầu viện” giáo viên những trường xung quanh. Tuy nhiên, trường tiểu học cần phải có giáo viên chủ nhiệm lớp nên không có con đường nào khác ngoài việc bố trí hiệu trưởng, phó hiệu trưởng đứng lớp. Đến thời điểm hiện tại, các trường Tiểu học Kỳ Long (TX Kỳ Anh), Tiểu học Mỹ Lộc (Can Lộc)... đều phải bố trí cả 2 phó hiệu trưởng phụ trách lớp.

Nhiều trưởng tiểu học đang phải bố trí cả 2 phó hiệu trưởng phụ trách lớp

Một hiệu trưởng tại Kỳ Anh (đề nghị giấu tên) chia sẻ: “Đầu năm học, với cán bộ quản lý công việc ngập đầu với trăm thứ phải lo. Thiếu giáo viên trở thành một gánh nặng cho các trường. Kêu cũng chẳng được vì huyện và phòng giáo dục cũng kêu nhiều năm rồi mà cũng không cải thiện được tình hình”.

Không riêng gì các nhà trường, phụ huynh học sinh cũng lo lắng trước tình trạng thiếu giáo viên đứng lớp

Trước việc thiếu giáo viên trầm trọng tại một số địa phương, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Sở Nội vụ và Sở GD & ĐT Hà Tĩnh.

Ông Trần Huy Liệu - Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Tĩnh cho biết: “Trước tình trạng thiếu giáo viên cục bộ ở một số địa phương, cách đây khoảng vài chục ngày, Sở đã trình phương án đề nghị UBND tỉnh cho một số huyện thị tuyển giáo viên. Tại Hội nghị triển khai năm học mới, ông Đặng Quốc Vinh cũng đã phát biểu sẽ xem xét cho tuyển giáo viên mới trên cơ sở HĐND Tỉnh đã cho chỉ tiêu. Tuy nhiên hiện nay, UBND Tỉnh vẫn chưa có quyết định”.

Còn ông Phan Đình Lai, Trưởng phòng Tổ chức Sở GD&ĐT cho biết: “Sở đã chỉnh sửa, bổ sung lần 3 đề án về đội ngũ giáo viên trình UBND tỉnh nhưng tỉnh chưa phê duyệt. Gần đây, tôi đã tham mưu cho Sở trình UBND tỉnh không thực hiện đề án đó vì trước đây đang tính định mức theo Thông tư 35.

Hiện nay, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư 16 (Hướng dẫn danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong cơ sở giáo dục phổ thông công lập có hiệu lực từ ngày 28/8/2017 - PV). Việc có được tuyển mới giáo viên theo Thông tư 16 hay không thì theo quy trình, UBND tỉnh cần phải trình HĐND tỉnh phê duyệt đề án mới thực hiện được”.

Tuy nhiên, thông tin từ bà Nguyễn Thị Nữ Y - Phó chủ tịch HĐND tỉnh Hà Tĩnh cho biết: “Kì họp HĐND tỉnh gần nhất sắp tới sẽ họp vào tháng 12/2017”.

Như vậy, nếu không có một phương án xử lí mang tính cấp thiết thì ít nhất đến hết học kỳ 1 năm học 2017 – 2018, các huyện thị còn thiếu cũng chưa được bổ sung thêm nguồn giáo viên tuyển mới.

Những nghịch lý còn bỏ ngỏ

Tại Hà Tĩnh, trong khi nhiều huyện thị thiếu giáo viên trầm trọng thì toàn tỉnh còn thừa hơn 600 giáo viên phổ thông. Tỉnh Hà Tĩnh đã có nhiều chủ trương sắp xếp lại đội ngũ để giải quyết tình trạng thừa thiếu cục bộ, nhưng từ năm 2015 đến nay vẫn dẫm chân tại chỗ.

Qua nghiên cứu đối chiếu các nội dung giữa Thông tư liên tịch số 35/2006/TTLT-BGDĐT – BNV ngày 23 tháng 8 năm 2006 và Thông tư số 16/TT-BGDĐT ngày 12/7/2017, số lượng vị trí việc làm cho thấy tăng lên chứ không giảm xuống.

Trao đổi về phương án Sở GD&ĐT đang trình UBND tỉnh tạm dừng đề án tuyển bổ sung giáo viên, ông Nguyễn Hữu Sum, Trường phòng GD - ĐT TX Kỳ Anh lo lắng: “TX Kỳ Anh đã đến lúc phải “cấp cứu” về tình trạng thiếu giáo viên. Nhiều năm qua, cực chẳng đã, chúng tôi phải “oằn lưng” gánh chịu chi trả kinh phí hợp đồng giáo viên.

Trước mắt, về giáo viên tiểu học (giáo viên văn hóa - PV) cần phải có ít nhất 1GV/lớp, về vị trí việc làm này Thông tư 16 (năm 2017) không khác Thông tư liên tịch 35 (năm 2006) nên nếu tỉnh dừng lại ngày nào chúng tôi “chết “ ngày đó.

Hiện chúng tôi còn thiếu hẳn 10 giáo viên chủ nhiệm lớp ở tiểu học. Còn để giải quyết được dứt điểm tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ, tôi mạnh dạn đề xuất với tỉnh thực hiện cơ chế khoán quỹ lương. Không thể để tình trạng đã thừa giáo viên lại được hưởng nhiều nguồn chi thường xuyên trong khi đơn vị thiếu được ít nguồn lại “oằn lưng” tự chi trả tiền hợp đồng giáo viên thiếu được”.

Tờ trình của UBND thị xã Kỳ Anh về việc xin tuyển dụng giáo viên

Thiết nghĩ, đã đến lúc UBND tỉnh Hà Tĩnh cần phải có một giải pháp hợp tình hợp lí về tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ. Trước mắt là giải quyết dứt điểm hiện tượng thiếu giáo viên đứng lớp ở bậc tiểu học ở một số huyện, thị xã để không ảnh hưởng đến chất lượng dạy học.

Tác giả: Quôc Hiệp - Quốc Hoàn

Nguồn tin: antt.vn

  Từ khóa: thiếu , thừa , giáo viên , Hà Tĩnh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP