Người đương thời

Lặng lẽ những chuyến đò nhân ái

U60, mái tóc điểm bạc, gắn bó với ngành giáo dục đã xấp xỉ 4 thập niên, thầy Trần Quốc Thường (Hiệu trưởng THCS Nguyễn Biểu, Hà Tĩnh) đau đáu, thổn thức trước những mảnh đời bất hạnh xung quanh. Thầy Thường, cùng với chuyến đò chữ nghĩa, đã âm thầm khởi động một chuyến đò khác, kết nối những trái tim, những tấm lòng để xoa dịu những nỗi đau, vốn quá nhiều trong cuộc đời này.

hatinh24h
Thầy Trần Quốc Thường trao quà cho học sinh nghèo 

Bát cháo ngon ấm lòng người nghèo

“Sao em lại gọi thầy là Giám đốc, thầy không dám nhận chức ấy đâu”, thầy Thường gọi điện trách tôi, khi tôi viết bài giới thiệu về mô hình “Bát cháo tình thương” tại Bệnh viện đa khoa Hồng Lĩnh, do Quỹ Nhân ái Hồng La, mà thầy là người phụ trách, đứng ra tổ chức; tôi  đã “phong” cho thầy chức Giám đốc Quỹ. Thực ra đối với bệnh nhân nghèo, họ không cần biết ai là Giám đốc hay Chủ tịch, mà chỉ cần biết nhờ thầy Thường, họ có bát cháo ngon, ấm lòng miễn phí vào mỗi sáng thứ 7, đỡ khó khăn trong quá trình chữa bệnh. “Tôi cũng đã đi điều trị một vài nơi, đã được ăn cháo tình thương, nhưng ở đây có cái đặc biệt là cháo do đội ngũ y bác sỹ tự tay nấu; người bệnh được mời vào ăn trong căn phòng sạch sẽ, đàng hoàng. Tôi thấy cách làm của thầy Thường rất hay”, bác Nguyễn Văn Tuấn (70 tuổi, phường Bắc Hồng), chia sẻ. “Quỹ Nhân ái Hồng La do thầy Thường phụ trách xuất kinh phí, anh chị em cán bộ, y, bác sỹ trong bệnh viện đi chợ, nấu ăn, phục vụ; trung bình mỗi nồi 100 bát, vừa ngon, sạch sẽ, vừa gắn kết tình cảm bác sỹ, bệnh nhân như trong một nhà”, Bác sỹ Trần Phan Tùng, Giám đốc Bệnh viện nhận xét. Mô hình của Quỹ tại đây được Vụ Truyền thông và Thi đua khen thưởng – Bộ Y tế đánh giá cao và sắp tới sẽ có cuộc làm việc để triển khai nhân rộng trên cả nước. Tại Bệnh viện đa khoa Đức Thọ, Quỹ Nhân ái Hồng La cũng đang nghiên cứu “dự án” xây dựng mô hình sân chơi cho bệnh nhân thiếu nhi, theo “đơn đặt hàng” của Ban Giám đốc Bệnh viện.

ảnh 2
Thầy Thường trong một chuyến thiện nguyện cùng các thành viên Quỹ Nhân ái Hồng La 

Khi tôi hỏi về một “thương hiệu từ thiện” mang tên thầy Thường, thầy cười hồn nhiên: “Mình chỉ là cầu nối giữa các nhà hảo tâm đến với các mảnh đời bất hạnh. Nói về “cơ duyên”, trong quá trình công tác tại trường Nguyễn Biểu, mình đã đứng ra kêu gọi các thầy cô đồng nghiệp, học sinh cũ quyên góp giúp đỡ các học sinh có hoàn cảnh khó khăn; sau đó cứ mở rộng dần”.

Ban đầu, thầy Thường nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình của các Mạnh Thường Quân là các Giáo sư nổi tiếng quê gốc Yên Hồ, nặng lòng với sự học của con em như Giáo sư Võ Quý, Giáo sư Trần Đức Thiệp, Giáo sư Trần Văn Bính… tài trợ các suất học bổng và khích lệ, động viên. Hiện, GS Võ Quý tài trợ học bổng Võ Viết Hiền, mỗi năm cấp hơn 30 – 35 triệu cho các học sinh nghèo, học giỏi.

Quỹ Nhân ái Hồng La

Trước yêu cầu của thực tiễn, cuối năm 2014, thầy Thường sáng lập Quỹ Nhân ái Hồng La, với mong muốn kết nối những trái tim, tấm lòng hảo tâm đến với những mảnh đời bất hạnh trên quê hương của núi Hồng, sông La. Nói là Quỹ, nhưng thực chất là một nhóm thiện nguyện do thầy Thường và khoảng 15 tình nguyện viên chủ yếu là các giáo viên, đồng nghiệp, học sinh cũ của thầy đứng ra cáng đáng mọi việc. Thầy Thường đang đảm nhiệm chức vụ Hiệu trưởng, vốn áp lực công việc nặng nề; các thành viên khác cũng hầu hết là cán bộ, công chức nên rất bận rộn. Tất cả các thành viên của nhóm, từ “Giám đốc” cho đến tình nguyện viên đều phải tranh thủ làm việc ngoài giờ, buổi trưa, buổi chiều, ngày nghỉ; không kể thời tiết xứ Nghệ nắng cháy hay rét cắt da; “thù lao” của họ là nụ cười, niềm vui, hi vọng của những mảnh đời bất hạnh được Quỹ giúp đỡ.

“Mình giúp người khó khăn đỡ khó khăn, người hoạn nạn vượt qua hoạn nạn; cảm thấy mình sống có ích; nó tạo cho mình động lực vượt qua vất vả”, thầy Thường tâm sự. Khi nhận được tin ca mổ tim của em Phan Thị Mỹ Hạnh, học lớp 10A5 Trường THPT Trần Phúthành công, thầy mừng rơi nước mắt. Hoàn cảnh của Hạnh thương đến thắt lòng: bố mất đã 2 năm, mẹ tần tảo nuôi hai chị em bệnh tật. Hạnh bị bệnh tim bẩm sinh, cong vẹo cột sống độ 4, sự sống mong manh như ngọn đèn trước gió. Mẹ em chỉ biết khóc, bất lực. Thầy Thường đã kêu gọi các nhà hảo tâm giúp đỡ Hạnh, góp được 135 triệu đồng; liên hệ với Bệnh viện Việt Đức; Hạnh được sắp xếp mổ tim với chi phí thấp nhất là 55 triệu đồng. Số tiền còn lại để giúp mẹ con phát triển kinh tế. Đến nay, mẹ em, chị Cao Thị Hóa (quê Đức Thủy), vẫn ngỡ mọi việc vừa qua như một giấc mơ.

Tin vui nhất đối với các thành viên trong Quỹ Nhân ái là những “mùa quả ngọt” sau mỗi kỳ thi tuyển sinh đại học. Em Nguyễn Thị Toàn (xã Đức An-Đức Thọ), học sinh trường THPT Trần Phú, một trong 32 em học sinh nghèo được Quỹ tài trợ, đã xuất sắc đậu Đại học Y Dược  TP Hồ Chí Minh với tổng số điểm 26,6 (Toán 8, Hóa 9,6, Sinh 9). Toàn hiện theo học khoa Y đa khoa, em tâm sự: “Hoàn cảnh của em hiện nay vẫn còn rất nhiều khó khăn, nhưng em sẽ quyết tâm vượt qua, phấn đấu trở thành một bác sỹ giỏi, có điều kiện giúp đỡ những người nghèo. Em vô cùng tri ân thầy Thường và Quỹ Nhân ái Hồng La, và nguyện được đi theo con đường của thầy”.

Tuổi “lên 3”, Quỹ Nhân ái Hồng La đã lập được kỳ tích, huy động được khoảng 1,1 tỷ đồng để sửa chữa 6 căn nhà; đỡ đầu chăm nuôi hàng tháng 30 cụ già neo đơn và 40 em mồ côi, tàn tật; tặng 450 xe lăn cho những người bị bại liệt; giá trị các quà tặng, thiết bị khoảng 500 triệu đồng; tổ chức các chương trình dạy bơi cho trẻ em, nấu cháo cho bệnh nhân…. Các hoàn cảnh khó khăn nhiều; các nhà hảo tâm trên cả nước, cộng đồng người Việt ở nước ngoài… đã biết tiếng Quỹ Nhân ái Hồng La nên tin tưởng hỗ trợ; vì vậy khối lượng công việc ngày một lớn trong khi các thành viên chỉ là kiêm nhiệm, “nghiệp dư”.

ảnh 3
Thầy Thường với một nhóm trẻ khó khăn 

Quê nghèo nuôi chí học hành

Vào đầu năm học, công việc của Hiệu trưởng rất bận; nhưng thầy vẫn dành thời gian cho các hoạt động của Quỹ. Kế hoạch trước mắt của Quỹ là trao quà cho 48 người mù của huyện Đức Thọ, sẽ tổ chức vào ngày Vì người nghèo 17.10. Một chương trình khác mà Quỹ Nhân ái Hồng La đang xúc tiến là “Đàn gà cho em”, tài trợ cho 70 em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn, mỗi em một đàn gà giống trị giá khoảng 700 nghìn; thành viên Quỹ còn hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc, khử trùng, hỗ trợ chi phí làm chuồng gà; nếu cuối năm kiểm tra ai chăm sóc tốt nhất sẽ có thưởng quần áo mới. Đây là hành động nhằm giúp các em biết tiết kiệm, lập nghiệp từ việc đơn giản nhất, theo triết lý “cho cần câu chứ không cho cá”.

Cũng với quan niệm “cho cần câu”, thầy Thường và Quỹ Nhân ái Hồng La đang thực hiện dự án “Tủ sách trường học”, hiện nay đã huy động được 16 tủ sách cho các lớp, từ đóng góp chủ yếu của các học sinh cũ, cả sách và chi phí. Cùng với chương trình tủ sách là các phần thưởng, học bổng dành cho những học sinh nghèo vượt khó. Lớn lên từ mảnh đất Yên Hồ, cái nôi học hành, khoa bảng của quê nghèo Hà Tĩnh, thầy Thường và các thầy cô thấm thía nỗi vất vả cũng như khát vọng vươn lên của bao thế hệ học trò nơi đây. Vì vậy, các thầy cô đã làm tất cả để giúp các em học sinh nghèo có cơ hội đến trường, được học lên; với quan niệm “học để thoát nghèo, lập nghiệp, và giúp đỡ người khác”. Đáng quý nhất là hàng chục thế hệ học trò của thầy Thường, và các nhà giáo khác, dù đã là tỷ phú, quan chức hay các công chức bình thường, lập nghiệp ở Hà Tĩnh hay ở bốn phương trời, đều hướng về mái trường cũ, chung tay ủng hộ quỹ, giúp đỡ các thế hệ sau. Họ tin vào người thầy mà họ đã kính mến từ thuở cắp sách đến trường, cùng đồng hành với thầy trên hành trình vô tận kết nối những trái tim, ước vọng.

Hỏi, thầy có thấy khó khăn trong thời điểm nhạy cảm và nhiều áp lực hiện nay, thầy Thường cười: “Trên đời có việc gì dễ đâu; nhưng khó khăn, áp lực cũng là thử thách, tôi rèn ý chí; quan trọng là mình làm đúng, thanh thản”. Những người từng là học trò của thầy, biết thầy không bao giờ nổi nóng, nặng lời với ai; bao giờ cũng nhẹ nhàng, từ tốn; nhưng kiên định. Mong muốn lớn nhất của thầy bây giờ là sớm được…về hưu; để chuyên tâm làm cầu nối cho những chuyến đò từ thiện, được ung dung, tự tại làm điều mình thích.

GHI CHÉP CỦA QUANG ĐẠI

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP