Di tích - Thắng cảnh

Khu di tích Lịch sử – Văn hoá có giá trị Du lịch chưa được khám phá

Ai đi qua khu vực cầu Bến Thuỷ (cũ và mới) hẳn thấy sự khác nhau giữa hai phía đầu cầu. Phía bắc, thuộc phần đất Nghệ An, các công trình công cộng, các di tích lịch sử – văn hoá được trùng tu, tôn tạo và xây dựng một cách hoành tráng, đẹp đẽ, hấp dẫn du khách đi qua nơi đây trên đường thiên lý bắc – nam. Nào là đền thờ Quang Trung trên núi Quyết, cụm tượng đài kỷ niệm Xô-viết Nghệ Tĩnh bên cầu phao Bến Thuỷ, công viên, nhà hàng dịch vụ mọc lên san sát.

Còn ở phía nam cầu Bến Thuỷ, chúng ta có gì? Ngoài mấy khách sạn cũ và mới đang dần thưa vãn khách, mấy dãy hàng quán thì chỉ có một công trình đáng kể là chùa Phong Phạn, tuy chưa hoàn thiện.

CAU PHAO BEN THUYMố cầu phao Bến Thuỷ

Trong khi, trên phần đất phía nam, chúng ta có cả một hệ thống di tích rất giá trị. Đó là quần thể di tích Ngã ba Da Lách – Chùa Phong Phạn – Núi Cơm – Mố cầu phao Bến Thuỷ nằm trên địa phận xã thị trấn Xuân An, huyện Nghi Xuân. Đây là khu dích có ý nghĩa văn hoá – lịch sử to lớn, nối liền những cuộc đấu tranh giành độc lập của dân tộc ta từ thời Quang Trung ra bắc đại phá quân Thanh vào Tết Kỷ Dậu (1789) đến sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam và Cao trào Xô-viết Nghệ Tĩnh năm 1930 và cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đến quốc Mỹ của nhân dân Hà Tĩnh vào nửa cuối thập kỷ 60 nửa đầu thập kỷ 70 của thế kỷ XX. Và xa hơn một quãng là đền Kịn thờ Cao sơn Cao các Đại vương, đồng thời cũng là dấu tích oanh liệt của nhân dân ta thời kháng chiến chống Mỹ. Nơi đây có 10 liệt sĩ lái xe và 03 dân công hoả tuyến đã ngã xuống đêm 22 rạng ngày 23 tháng 11 năm 1972 tại km số 2, Trạm Barie khu vực đền Kịn – Hang Lần tuyến đường 18 chiến lược, thuộc địa phận xã Xuân Viên, huyện Nghị Xuân. Một di tích mà về tầm ý nghĩa lịch sử không kém gì di tích 10 cô gái TNXP Ngã ba Đồng Lộc.

Thế nhưng, sau gần 10 năm được xếp hạng di tích lịch sử – văn hoá cấp tỉnh (2008), khu di tích Ngã ba Da Lách – Chùa Phong Phạn – Núi Cơm – Mố cầu phao Bến Thuỷ vẫn chưa được quan tâm phục dựng, tôn tạo để đưa vào khai thác một cách đồng bộ; ngoại trừ chùa Phong Phạn được một doanh nhân bỏ tiền ra đầu tư xây dựng. Thế nhưng, đã 43 năm qua, sự hy sinh oanh liệt của các liệt sĩ tại Đền Kịn – Hang Lần vẫn chưa được chính thức tôn vinh; ngoài trừ sự tôn vinh có tính chất tự phát của một nhóm Phật tử, họ đã có công tìm lai lịch các liệt sĩ và lập một miếu thờ tạm để hương khói cho các anh linh.

anh phong phanChùa Phong Phạm

Vậy mà, sau khi chùa Phong Phạn được xây dựng, Đại đức Thích Viên Như được Tổng hội Phật giáo Việt Nam cử về trụ trì ở đây, thấy khu vực Núi Cơm – Mố cầu phao Bến Thuỷ vớ một diện tích đất khá rộng nằm bên bờ sông Lam sơn thuỷ hữu tình nhưng còn bị bỏ hoang, sư thầy đã cùng với các Phật tử đề xuất với chính quyền địa phương và các cơ quan hữu quan xin được kêu gọi xã hội hoá để đầu tư phục dựng, tôn tạo thì không được đồng ý.

Thiết nghĩ, hiện nay, khi ngành văn hoá, thể thao và du lịch đã và đang triển khai thực hiện Kế hoạch 75/KHUBND tỉnh Hà Tĩnh về việc thực hiện nhiệm vụ phát triển dịch vụ du lịch và thương mại năm 2014-2015, thì không lẽ gì mà khu di tích văn hoá – lịch sử quan trọng nói trên lại không được quan tâm đầu tư để khai thác. Chúng ta có thể xây dựng ở đây một hệ thống điểm du lịch bắc Hà Tĩnh liên hoàn từ khu di tích Ngã ba Da Lách – Chùa Phong Phạn – Núi Cơm – Mố cầu phao Bến Thuỷ (Xuân An, Nghi Xuân) đến Đền Kịn – Hang Lần (Xuân Viên, Nghi Xuân), Trúc lâm Thiền Viên núi Hồng (Xuân Viên, Nghi Xuân), Khu di tích Nguyễn Du, Bãi tắm Xuân Thành,…

Nếu được sớm đầu tư, xây dựng một cách sáng tạo, phù hợp thì đây sẽ là một tua du lịch tuyệt hảo cho du khách gần xa.

Trà Sơn Phạm Quang Ái

(theo Tạp chí Văn hoá Hà Tĩnh)

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP