Du lịch

Hoang sơ Cồn Cỏ

Sau hai giờ đồng hồ dập dềnh trên con tàu sắt công vụ, đảo Cồn Cỏ hiển hiện trước mặt chúng tôi qua hình ảnh cột cờ Tổ quốc sừng sững trên nền xanh thẫm của núi rừng, tạo cho khách cảm giác thân thiện ngay khi đặt chân tới đảo lần đầu.

Cậu thanh niên địa phương bắt ốc dưới biển

Không gian thị tứ trên đảo khoáng đạt, tĩnh lặng giữa tứ bề là rừng nguyên sinh. Thỉnh thoảng vang vọng tiếng sóng vỗ vào bãi đá như muốn kéo thời gian, nhịp sống nơi đây chậm lại.

Viên ngọc thô giữa trùng khơi

Không chỉ nổi tiếng từ những năm tháng còn chiến tranh, từng hai lần được phong đảo anh hùng, Cồn Cỏ (Quảng Trị) còn được biết đến là một hòn đảo có cảnh quan thiên nhiên hoang sơ với rừng nguyên sinh, hải sản quý hiếm...

Tuy nhiên, trong suốt một thời gian dài Cồn Cỏ vẫn chưa được đầu tư hạ tầng, vẫn chưa nhiều du khách đặt chân lên đảo.

Mãi đến đầu năm 2017, huyện đảo Cồn Cỏ đã bắt đầu xây dựng cột cờ Tổ quốc, cổng chào và trùng tu một số điểm tham quan nhằm biến nơi đây trở thành điểm đến du lịch hút khách.

Nhưng đến nay, cơ sở hạ tầng Cồn Cỏ còn thiếu thốn, toàn thị trấn chỉ có hai nhà nghỉ với sức chứa không quá 50 người và việc đi lại giữa đất liền và đảo xa lệ thuộc vào lịch chạy của tàu công vụ.

Hàng cây cổ thụ bàng vuông tỏa bóng mát

Dù vậy, chúng tôi vẫn quyết định ở lại Cồn Cỏ thêm một ngày với mục tiêu khảo sát tận nơi, khám phá cảnh quan. Có lẽ do nằm giữa đại dương lại được bảo tồn nghiêm ngặt nên dù một thời bị chiến tranh tàn phá, đến nay rừng vẫn phủ kín xanh, rậm với nhiều tầng cây cỏ và tràn xuống tận bờ biển xung quanh.

Một cảm giác thật ngây ngất khi đi dưới hàng cây cổ thụ bàng vuông tỏa bóng mát và ngắm nhìn bông hoa tựa như chùm pháo hoa bung nở bên chùm quả bàng hệt những chiếc đèn lồng hình vuông xinh xắn.

Có điều lạ là hoa bàng vuông chỉ nở vào ban đêm như hoa quỳnh, dạ lý hương và sẽ khép cánh lúc bình minh, rồi chờ khi đêm xuống lại tiếp tục thi nhau khoe sắc, tỏa hương.

Cùng với cây phong ba, loại cây bàng vuông biểu tượng cho sự kiên cường, hiên ngang trước phong ba bão táp hầu như có mặt khắp nơi trên đảo, vừa góp phần tạo màu xanh vừa là điểm đến thú vị cho bất cứ ai có dịp đến Cồn Cỏ.

Để có được cảnh quan sinh thái phát triển tốt như ngày hôm nay, chính quyền địa phương ban hành quy định nghiêm cấm hành vi chặt phá cây rừng, hủy hoại rạn san hô dưới biển, bắt cua đá (một loài đặc sản của Cồn Cỏ)...

“Người nhái” hoạt động dưới làn nước trong xanh

Lung linh thủy cung

Nắng lên và trải dài trên bãi Hà, một bờ biển toàn đá bazan bọt được hình thành từ dòng nham thạch trong núi lửa tuôn trào xưa kia. Cảnh vật mênh mông, vắng lặng, may mà trên những đợt sóng nhấp nhô ven bờ, thấp thoáng bóng dáng hai cậu thanh niên đang ngụp lặn bắt ốc.

Chúng tôi cũng háo hức lao ngay xuống biển, nhanh chóng bơi theo họ nhằm thỏa mãn tính hiếu kỳ và nếu thuận lợi sẽ “săn” vài bức ảnh đẹp.

Lặn biển hay đi dạo dưới lòng đại dương ngắm nhìn thế giới sinh vật biển đã là thú vị, nhưng được chiêm ngưỡng cảnh tượng “người nhái” hoạt động dưới làn nước trong xanh thì trên cả tuyệt vời.

Bởi mọi động tác của người thợ lặn lúc nổi lên hít thở, cho đến ngụp sâu xuống đáy biển, rồi lướt qua rạn san hô hoặc luồn lách giữa khe đá ngầm để chộp từng chú ốc dừa, ốc nón, ốc thổ ẩn mình trong hốc đá... dưới áp lực của nước biển đều uyển chuyển, lả lướt như một vũ điệu bay bổng.

Sau chừng hai giờ đồng hồ cật lực bơi lặn, hai cậu thanh niên địa phương đã bắt được hơn 60kg ốc các loại. Một phần nhỏ đãi chúng tôi nướng ăn tại chỗ, số còn lại sẽ gửi tàu đưa về Đông Hà kịp bán cho thương lái vào sáng mai, với giá trung bình khoảng 40.000 đồng/kg.

Trước lúc chia tay, khi nghe chúng tôi dọ hỏi về gia đình và cuộc sống thường nhật, cậu thanh niên vô tư trả lời: “Còn chật vật lắm, nhưng chẳng sao vì mọi người đều thế cả”.

Không cưỡng lại được lời rủ rê cùng với lời hứa hẹn chắc nịch của mấy anh em công nhân ở Vĩnh Linh ra đây thi công mạng lưới điện rằng sẽ đưa đi ngắm những rạn san hô đặc sắc nhất, buổi chiều chúng tôi tiếp tục ra bãi Nghè nằm vị trí hướng nam thị trấn tiếp tục lặn biển.

Thủy triều xuống dần nên chỉ cần bơi ra xa vài ba mét, chúng tôi đã tiếp cận một vùng san hô nhiều màu sắc và chủng loại.

Đặc biệt đám rong nho, một loại tảo biển, hình dáng đẹp mắt tựa hạt ngọc xanh, mọc chi chít thành chùm, buông thả tự nhiên trên từng nhánh san hô như tô điểm chốn thủy cung thêm lung linh, sống động.

San hô dưới biển Cồn Cỏ - Ảnh tư liệu TT

70% diện tích là rừng nguyên sinh

Nằm án ngữ ở cửa ngõ phía nam của vịnh Bắc Bộ, Cồn Cỏ là một đảo tiền tiêu của Tổ quốc, cách Cửa Việt - Quảng Trị khoảng 30km.

Năm 2014, Cồn Cỏ được phân cấp đơn vị hành chính cấp huyện với diện tích 2,2km2, trong đó chiếm hơn 70% là rừng nguyên sinh và dân số khoảng 500 người, phần đông là những gia đình cựu thanh niên xung phong tỉnh Quảng Trị ra đây xây dựng kinh tế từ năm 2002.

Được biết, đảo Cồn Cỏ cách đất liền khoảng 30 km, trước đây vốn là một đảo quân sự. Hơn mười năm lại đây chuyển thành đảo dân sự. Hiện có khoảng mười hộ dân đang sinh sống trên đảo.

Tác giả: TRẦN LÝ MẪN HUY

Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP