Mùa Thi

Biển đảo vào đề thi Địa Lý, thí sinh hào hứng

Kết thúc buổi thi Địa lý, các thí sinh cho biết đề thi mang tính thời sự, đòi hỏi kiến thức xã hội. Câu III-1 có nói về biển đảo, nhiều em cho rằng điều này rất có ý nghĩa. Buổi chiều, các em thi môn Sinh học với thời gian 60 phút.

Bước vào ngày thi thứ hai với tâm lý thoải mái, sau 90 phút làm bài thi môn Địa Lý, các thí sinh Hà Nam rời phòng thi với tâm trạng phấn khởi. Bên ngoài các phụ huynh cũng thở phảo nhẹ nhõm khi thấy con mình bước ra ngoài với nụ cười tươi rói.

Theo đánh giá của các học sinh, đề Địa tương đối bám sát chương trình. Phần lớn đề thi đều nằm trong chương trình kiến thức đại trà và được thầy cô cho ôn tập kỹ.





Tại trường THPT Sào Nam (huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) trong môn thi Địa sáng 3/6, khi được hỏi về đề thi môn Địa lý các thí sinh học chuyên khối C cho rằng đề thi đối với mình khá dễ, còn với các thí sinh khối khác cũng tương đối “dễ thở”.



Đề Địa Lý dễ “ăn điểm”



Nguyễn Hoàng Tùng – học sinh Trường THPT Việt Đức tại điểm thi THPT Việt Đức cho biết: “Em làm bài được, nhưng có câu 1 phần liên hệ với thế mạnh lao động Việt Nam thì em thấy hơi khó. Câu đó cần có hiểu biết và lượng kiến thức nhất định về thực tế. Vấn đề này thì em không biết rõ lắm. Còn lại các câu khác thì em thấy đều rất cơ bản và khá dễ.”


Đối với các thí sinh khối C thì môn thi này không hề gây chút khó khăn nào cho các em. Nguyễn Minh Hằng – học sinh Trường THPT Nhân Chính tại điểm thi THPT Nhân Chính vui vẻ với bài làm của mình: “Đề bài không có câu hỏi nào khó chị ạ, em làm khá tốt, nhất là câu dựa trên Atlat và vẽ biểu đồ. Các bạn em đều làm bài tốt”.

Tại Quảng Bình, các thí sinh rời phòng thi với niềm phấn khởi bởi đề thi môn Địa năm nay không quá khó, trong đó có câu về biển, đảo đã khơi gợi được sự hiểu biết và nâng cao nhận thức cho các em.
Tại HĐT Trường PTDT Nội trú, cụm thi ghép giữa học sinh Trường THPT Đào Duy Từ và trường nội trú, các thí sinh rời phòng thi với vẻ mặt hớn hở vì làm được rất tốt bài thi. Trong số đó, có một số em chỉ làm được một phần bài thi.

Nhiều thí sinh rời phòng thi với tâm trạng phấn khởi
Phút vui vẻ sau buổi thi
Nhiều thí sinh rời phòng thi với tâm trạng phấn khởi. (Ảnh: Đăng Đức).

Theo nhận định của nhiều thí sinh, đề thi môn Địa năm nay không quá khó, đề bài có câu hỏi về việc tăng cường hợp tác giữa Việt Nam với các nước láng giềng trong giải quyết các vấn đề về biển, đảo đã khơi gợi được sự hiểu biết và ý thức chủ quyền cho các em. Thời gian vừa qua, tình hình trên biển Đông vốn rất “nóng”, vì vậy đề thi này có ý nghĩa rất lớn đối với các thí sinh và thế hệ trẻ sau này.


Thí sinh Hoàng Thị Phương Thảo cho biết, đề bài như vậy là vừa thời gian và phù hơp với lực học của chúng em. Đề thi sát với chương trình chúng em đã được ôn tập, trong đó có câu hỏi về biển, đảo đã góp phần khơi gợi được suy nghĩ của thí sinh, giúp chúng em nâng cao ý thức chủ quyền trong vấn đề này.

Cùng chung suy nghĩ với Thảo, một số thí sinh khác cũng tỏ ra phấn khởi với bài thi. Em Trần Văn Quang tỏ vẻ khá tự tin cho rằng, đề thi không quá dài, có thể làm kịp thời gian. Trong đó, câu vẽ biểu đồ rất dễ nhầm lẫn. Em hy vọng mình sẽ đạt được điểm cao trong môn này.


Tại HĐT Trường THPT Chuyên Quảng Bình, các thí sinh đều tự tin bước ra khỏi phòng thi. Em Hà Thị Phương Huyền cho biết, em làm được gần hết bài thi của mình, đề bài khá hay và độc đáo. Vấn đề biển đảo được đưa vào đề thi sẽ giúp cho thí sinh nâng cao sự hiểu biết của mình.

Tại TPHCM, kết thúc môn Địa sáng nay các thí sinh ra khỏi phòng thi với vẻ mặt đăm chiêu. Các thí sinh đánh giá đề năm nay mang nhiều kiến thức xã hội.

Ngoài kiến thức ôn tập bắt buộc học sinh phải nắm vững kiến thức thời sự, các vấn đề xã hội như hoạt động xuất khẩu, hợp tác với các nước trong giải quyết vấn đề biển đông. Kiến thức trong đề này yêu cầu nếu chỉ học theo sách giáo khoa và tài liệu ôn tập sẽ không đủ. Em Trần Thị Thu Hằng, học sinh trường THPT Phú Nhuận đánh giá rằng nếu chỉ ôn trong đề cương chắc chỉ được 6-7 điểm. Đề này đòi hỏi học sinh nắm nội dung thời sự.


Thí sinh làm bài đến cuối giờ mới kịp. (Ảnh Lê Phương)
Thí sinh làm bài đến cuối giờ mới kịp. (Ảnh Lê Phương).

Tương tự, em Kim Anh, học sinh trường THPT Gia Định cho biết “ngay khi phát đề ra, các bạn trong phòng thi của em đều “nhăn mặt”. Đề này buộc chúng em phải suy luận nhiều, áp dụng hiểu biết bên ngoài trong khi đó phần vận dụng Atlat cũng ít. Ở câu 2 “Hoạt động xuất khẩu của nước ta có những chuyển biến tích cực thế nào” và câu 3.1 “Việc tăng cường hợp tác giữa Việt Nam và các nước láng giềng trong giải quyết vấn đề biển, đảo có ý nghĩa như thế nào”, em cứ viết bừa thôi. Với dạng đề này, chúng em làm đến hết giờ mới kịp.



Nhiều thí sinh cho biết đề “mở” rộng nhiều vấn đề của xã hội (Ảnh Lê Phương)
Nhiều thí sinh cho biết đề “mở” rộng nhiều vấn đề của xã hội. (Ảnh Lê Phương).

Nhiều thí sinh cho rằng phần vận dụng Atlat trong đề này ít. Theo em Chu Đình Chiến, học sinh trường Hưng Đạo thì trong cơ cấu đề có 7 câu thì chỉ 2 câu phải dùng tới Altat là ít. Đề “rất mở”, với học sinh chuyên môn này thì rất thích nhưng với các bạn học trung bình thì sẽ rất “chật vật”. Nhiều bạn lớp em than rằng chỉ làm được 4 điểm. Mặc dù vậy, thí sinh này cũng đánh giá câu 3.1 khá hay. “Là một công dân Việt Nam thì bắt buộc phải quan tâm đến tình hình của nước nhà như thế nào. Câu hỏi này buộc học sinh không chỉ lo học mà phải biết đến vấn đề thời sự của đất nước.”, Chiến cho biết.


Đối với thí sinh thi hệ GDTX thì đề Địa năm nay khá nhẹ nhàng. Nội dung đề ra thì hết 90% là dùng Atlat là làm được.

Kết thúc buổi thi Địa lý, nhiều thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT tại các hội đồng thi trên địa bàn TP Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) tỏ ra khá hứng khởi vì làm được bài.

Biển đảo vào đề thi Địa Lý, thí sinh hào hứng
Thí sinh dự thi tốt nghiệp tại Trường THPT Chu Văn An (TP Buôn Ma Thuột) ra về sau môn thi Địa lý, trưa ngày 3/6 (Ảnh: Viết Hảo).

Em Trần Thị Thu Thủy, dự thi tốt nghiệp tại Trường THPT Chu Văn An (TP Buôn Ma Thuột) niềm nở cho biết: “Đề thi môn Địa lý năm nay theo nhận định của em là không khó lắm! Không chỉ em mà hơn 2/3 các thí sinh cùng phòng thi với em đều hoàn thành bài thi khá nhanh chóng. Nói chung đề ra bám sát chương trình sách giáo khoa lớp 12, không đánh đố thí sinh, em làm xong bài thì còn dư khoảng 15 phút”.


Trong khi đó, thí sinh Bích Đào dự thi cùng trường với thí sinh Trần Thị Thu Thủy cho hay: “Đề thi môn Địa lý năm nay nhìn chung tương đối khá dài, trong đó tập trung vào các câu hỏi lý thuyết. Theo em với đề thi này, học sinh trung bình có thể dễ dàng làm được trên 5 điểm nếu chịu khó học bài. Các bạn trong phòng em khi ra khỏi phòng ai cũng hứng khởi, em nghĩ là các bạn đã làm được bài”.


Biển đảo vào đề thi Địa Lý, thí sinh hào hứng
Thí sinh tại TP Buôn Ma Thuột cho biết, đề thi Địa lý không khó, thí sinh trung bình có thể làm được 5 điểm. (Ảnh: Viết Hảo).

Còn theo sĩ tử Nguyễn Văn Hải, phần vẽ nhận xét biểu đồ được xem là khó lấy điểm tối đa. “Sau khi vẽ biểu đồ cột kết hợp đường thể hiện diện tích, năng suất lúa của Đồng bằng Sông Cửu Long qua các năm như đề thi yêu cầu, còn lại là phần nhận xét thì tương đối khó lấy điểm tối đa. Đề thi này em làm được khoảng 70% số điểm”, sĩ tử Hải cho biết. Trong khi đó, một số em khác cho biết, đề thi Địa lý năm nay đã đề cập đến vấn đề biển đảo, mang tính thời sự, câu hỏi đưa ra đòi hỏi tư duy của người làm bài.

Tại Bình Định, ngày thi đầu tiên diễn ra khá thuận lợi, thêm vào đó thời tiết mát mẻ ủng hộ sĩ tử có được một tinh thần thoải mái nhất để làm bài thi.


Kết thúc 90 phút làm bài môn Địa Lý, các thí sinh bước ra cổng trường với vẻ mặt tươi cười. Nhiều thí sinh cho rằng đề Địa hơi dài nhưng cũng dễ lấy điểm nhưng đều nằm trọng tâm trong chương trình ôn thi. Phần lớn câu hỏi chỉ cần dùng Atlat là có thể làm bài tốt. Riêng câu II trong đề thi được thí sinh cho là khó yêu cầu phải nắm vững kiến thức, thuộc bài mới làm được.

Biển đảo vào đề thi Địa Lý, thí sinh hào hứng
Thí sinh tại Hội đồng thi trường THPT Trần Cao Vân cười tươi sau khi kết thúc môn thi Địa. (ảnh Doãn Công).

Các thí sinh đều nhận định đề Địa nhẹ nhàng và có những câu hỏi hay như vấn đề lao động việc làm đang được xã hội quan tâm, nhất là đối với các bạn thí sinh sắp trở thành những sinh viên lại phải đối mặt với chuyện sau khi học xong ra trường sẽ làm gì. Đặc biệt, trong đề thi có câu liên quan đến tăng cường giữa Việt Nam với các nước láng giềng trong các vấn đề biển, đảo được các thí sinh quan tâm.


Nhận xét về đề thi, em Nguyễn Thanh Thủy, dự thi tại hội đồng thi trường THPT Trần Cao Vân chia sẻ: “Nhìn chung đề Địa cũng nhẹ nhàng, các câu hỏi không quá khó vì kiến thức tập trung trong sách giáo khoa được thầy cô ôn rất kỹ nên dễ kiếm được khá trở lên”.


Nêu lên quan điểm về vấn đề bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam, Thủy chia sẻ thêm: “Đây là câu hỏi hay, khơi gợi cho thế hệ trẻ chúng em hiểu hơn về vấn đề bảo vệ chủ quyền biển đảo của nước ta. Theo em tăng cường hợp tác giữa Việt Nam với các nước láng giềng trong các vấn đề biển, biển đảo chính là bảo vệ lãnh thổ đất nước…”.

Kết thúc buổi thi các thí sinh tại điểm thi trường Lê Quý Đôn (TP Nhà Trang, Khánh Hòa) cho biết đề thi tương đối, không dễ cũng không khó, đa số các em đều làm được. Em Lê Công Hoài Sơn, học sinh trường Nguyễn Thiện Thuật, Nha Trang cho hay em đã làm hoàn thành 4 câu hỏi của đề thi, trong đó em tâm đắc nhất câu 3 về việc tăng cường hợp tác giữa Việt Nam với các nước láng giềng trong giải quyết các vấn đề biển, đảo có ý nghĩa như thế nào.



Các thí sinh tại điểm thi trường Lê Quý Đôn vui vẻ ra về sau khi hoàn tất bài thi. (Ảnh: Trịnh Anh)

Các thí sinh tại điểm thi trường Lê Quý Đôn vui vẻ ra về sau khi hoàn tất bài thi. (Ảnh: Trịnh Anh).

Tương tự em Nguyễn Hữu Quỳnh cũng cho biết em đề thì không khó, tương đương với đề thi học kỳ vừa rồi nhưng nhiều hơn. Theo em nếu bạn nào chịu khó học hỏi thì làm được hết bài, ngược lại cũng có bạn làm không hết 4 câu.


Chiều nay, các thí sinh thi môn Sinh học với thời gian 60 phút.

Nhóm PV

Dân Trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP