Khám phá

Hiện tượng kỳ thú: cá trê lên bờ đớp bồ câu

Tạp chí Discover (Mỹ) đưa tin hiện tượng kỳ thú do các nhà khoa học vừa phát hiện: những con cá trê khổng lồ lao mình lên cạn đớp những chú chim bồ câu tại miền tây nam nước Pháp.

Những con cá trê khổng lồ này có tên khoa học là Silurus glanis. Nạn nhân của chúng chính là các chú chim bồ câu có tên khoa học là Columbia livia vốn đang kiếm ăn và tắm mát tại khu vực mép sông Tarn thuộc miền tây nam nước Pháp.


Xem clip cá trê khổng lồ châu Âu lao mình lên cạn đớp bồ câu tại sông Tarn, miền nam nước Pháp – Nguồn: You Tube



Một vài con cá trê bơi quan sát con mồi trong vùng nước nông gần bãi biển đầy sỏi (ảnh lớn) – nơi đàn chim bồ câu đang tập trung uống nước và tắm làm sạch bộ lông. Trong số đó, một con cá trê chọn được đối tượng, lao lên bờ và đớp con chim bồ câu (các ảnh nhỏ) – Ảnh: Plos One



Sau khi nhận được những báo cáo từ ngư dân địa phương, nhà khoa học Julien Cucherousset làm việc tại ĐH Paul Sabatier, Pháp tìm đến khu vực sông Tarn quan sát và ghi hình được hành vi kỳ lạ trên.


Ông Cucherousset mô tả những con cá trê có chiều dài cơ thể từ 1-1,5m và là loài cá nước ngọt lớn nhất châu Âu “trông giống như những con cá voi sát thủ nước ngọt”.


“Trong 45 trường hợp ghi hình (từ năm 2011) những con cá trê lao lên cạn bắt bồ câu thì có đến 28% cuộc tấn công của chúng thành công”, ông Cucherousset cho biết.


Theo bài báo đăng trên tạp chí khoa học PLOS ONE, cá trê có những chiếc râu dài nhạy cảm trên hàm, râu sẽ duỗi thẳng ra trong quá trình chúng dò tìm và tấn công chim bồ câu, điều này chứng tỏ chúng cảm nhận được sự rung động của con mồi khi ở mép nước.


Cá trê khổng lồ châu Âu là loài động vật ngoại lai, chúng đến cư trú ở sông Tarn từ năm 1983 và hiện đang phát triển mạnh tại đây. “Rất có thể chúng là “những kẻ xâm lược” đã ăn quá nhiều cá tại sông này, nay nguồn thức ăn khan hiếm buộc chúng phải săn những con bồ câu?”, ông Julien Cucherousset đặt giả thuyết.


THIÊN NHIÊN

Tuổi Trẻ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP