Khu di tích quốc gia đặc biệt Ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh)
Tiếng hát ai vang vọng
Trời Can Lộc xanh, Ngã ba Đồng Lộc trong những năm tháng chiến tranh chi chít hố bom, giờ đây mang trên mình một màu xanh ngút ngàn của cây sim, cây mua, đồi thông cùng các loại cây quý đặc trưng của từng vùng miền được đồng bào cả nước mang về trồng lưu niệm. Ai cũng có một cảm giác gần gũi, thanh bình, khó tả khi đặt chân lên mảnh đất này, phải chăng đó chính là tính dân tộc của mỗi con người Việt Nam, thật trang nghiêm, hùng hồn, linh thiêng.
Văng vẳng trên loa truyền thanh của Khu di tích là những câu hát “Đi giữa trời khuya sao đêm lấp lánh, tiếng hát ai vang vọng núi rừng…, mặc bom rơi pháo sáng mịt mùng, em vẫn mở đường để xe đi tới”, câu hát vang lên nghe vui nhộn quá, câu hát của một thời bom đạn mà sao chẳng có chút gì hãi hùng, đau thương, chết chóc.
Có lẽ chính cuộc sống của những cô gái mở đường đã làm cho chiến tranh thêm nét độc đáo và bom đạn của kẻ thù ở nơi này trở nên mềm yếu. Chúng tôi lặng nghe tiếp “… yêu biết bao cô gái đang ngày đêm mở đường, hỏi em bao nhiêu tuổi mà sức em phi thường...”, có cái gì đó như rạo rực trong lòng, hình ảnh của những cô gái TNXP tay cuốc, tay xẻng đang hối hả mở ra những cung đường cứ chập chờn trước mắt, có tiếng cười, có bím tóc đung đưa, có giọt mồ hôi nhí nhảnh đùa trên vầng trán,… có cả tiếng máy bay, tiếng bom chát chúa đâu đó.
Đây chính là khung cảnh của Ngã ba Đồng Lộc 48 năm về trước, đứng trên mảnh đất thiêng, không khí đó cứ ùa về, tất cả cứ dâng lên niềm tự hào, nước mắt cứ thế trào ra.
Cháy mãi ngọn lửa thiêng
Phần mộ 10 cô gái thanh niên xung phong hi sinh tại Ngã ba Đồng Lộc, nơi hội tụ và tỏa sáng tình yêu Tổ quốc
Trong tiết trời giá lạnh của buổi sáng sớm mùa đông, mới 6h30 chúng tôi đã gặp những TNXP sống trong thời bình, những cán bộ của Ban quản lý khu di tích Ngã ba Đồng Lộc khoác trên mình màu xanh áo lính với chiếc mũ tai bèo đang hối hả quét dọn vệ sinh tổng thể trong khuôn viên, lau chùi những kỷ vật chiến tranh, sắp xếp các vật dụng để chuẩn bị bước vào một ngày làm mới.
Gặp chúng tôi, vẫn những nét mặt vui tươi hồn nhiên của tuổi trẻ, họ chia sẻ niềm vinh dự và tự hào khi được sống và làm việc tại địa danh lịch sử này. Anh Trần Đình Ước – Trưởng Ban quản lý khu di tích – chia sẻ: “Để đón tiếp và phục vụ du khách được chu đáo, hàng ngày cán bộ, công nhân viên trong cơ quan phải đi làm sớm hơn giờ hành chính 30 phút để lao động, tổng vệ sinh, chuẩn bị tốt các điều kiện đảm bảo cho công tác đón tiếp và hướng dẫn khách tham quan; làm việc liên tục tất cả các ngày trong tuần, cả ngày tết, ngày lễ… nhưng anh em cán bộ ai cũng vui vẻ, nhiệt huyết.
Mỗi năm BQL khu di tích đón tiếp, hướng dẫn cho gần 300.000 lượt khách trong nước và quốc tế đến tham quan, đón tiếp nhiều đoàn khách cấp cao của Đảng, Nhà nước về dâng hương; để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách tham quan”.
Trong không khí hào hùng kỷ niệm 72 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam và chuẩn bị bước sang năm mới 2017, bất chấp cái lạnh của mùa đông, chúng tôi bắt gặp nhiều đoàn khách từ mọi miền quê hương của Tổ quốc đến tham quan. Trong dòng người ấy có các cô, các bác đã từng vào sinh ra tử, trên ngực lấp lánh huân huy chương; có các bạn học sinh, sinh viên, các em thiếu niên, nhi đồng đang ngồi trên ghế nhà trường và nhiều tầng lớp nhân dân…, tất cả với một tấm lòng thành kính dâng lên các anh hùng liệt sỹ những nén tâm nhang; nghe các anh chị hướng dẫn viên kể những câu chuyện đau thương những rất nỗi tự hào về 10 cô gái TNXP Ngã ba Đồng Lộc.
Chúng tôi lên thắp hương tại nhà bia tưởng niệm TNXP toàn quốc và các Anh hùng liệt sỹ hy sinh tại Ngã ba Đồng Lộc – nơi ghi danh hơn 4.000 liệt sỹ. Nhà bia tưởng niệm chính là trang sử hào hùng và bi tráng của lịch sử một thời đánh Mỹ, là hiện thân của lực lượng “vai trăm cân, chân vạn dặm”, không tiếc tuổi xuân và xương máu vì độc lập tự do của Tổ quốc.
Đây là nơi mà tên tuổi của các Anh hùng liệt sỹ TNXP toàn quốc, các Anh hùng liệt sỹ hy sinh tại Ngã ba Đồng Lộc được lưu danh muôn đời, để lớp con cháu ngưỡng vọng, tôn kính, tự hào.
Từ tháp chuông Đồng Lộc cao vút, những tiếng chuông vang xa chạm vào 10 ngôi mộ, chạm vào dòng chữ ghi tên bao người đã ngã xuống cho đất nước hồi sinh, thì thầm lời nguyện cầu cho những người con bất tử trong lòng dân tộc, mong cho quốc thái dân an, nước nhà ngày càng phồn thịnh, mong cho thế giới hòa bình.
Hội tụ những tấm lòng tri ân
Thật may mắn, khi sang viếng mộ của 10 cô gái lại bắt gặp đoàn đại biểu tham dự 1 hành trình 3 quốc gia Việt Nam – Lào – Thái Lan, gần 700 đại biểu quây quần bên 10 ngôi mộ, khi anh hướng dẫn viên kể chuyện về sự hy sinh anh dũng của 10 cô gái, tất cả mọi người đều khóc, những giọt nước mắt xúc động nhưng rất đổi tự hào. Chúng tôi đã dâng lên các chị những cành hoa lặng lẽ, cùng những trang sức hàng ngày, để một nơi nào đó trong cõi hư vô, các chị tiếp tục sống những ngày bình dị của đời người con gái, có gương lược chải đầu, có vòng hoa cột tóc và không bao giờ có khói súng chiến tranh.
Gần 50 năm trôi qua, giờ đây, du khách về với Ngã ba Đồng Lộc thấy một quần thể di tích với nhiều đổi mới khang trang, nhiều hạng mục công trình được trùng tu, tôn tạo nhằm phát triển khu di tích xứng tầm là Khu di tích lịch sử cấp Quốc gia đặc biệt. Nhìn về phía tháp chuông, chúng tôi thấy một ngôi đền đang được xây dựng, khi tìm hiểu chúng tôi được biết đây là công trình Đền thờ Ngã ba Đồng Lộc được xây dựng bằng nguồn kinh phí đóng góp của các đơn vị, các nhà hảo tâm và nhân dân cả nước để thờ các liệt sỹ TNXP toàn quốc, các liệt sỹ hy sinh và nhân dân bị sát hại tại chiến trường Đồng Lộc. Tuy đền thờ chính đã được hoàn thành, nhưng nhiều hạng mục phụ trợ, cảnh quan sân vườn và đặc biệt là nội thất đồ thờ chưa được đầu tư do còn thiếu kinh phí.
“Hướng tới kỷ niệm 70 năm ngày thương binh liệt sỹ (27.7.1947 – 27.7.2017); kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Ngã ba Đồng Lộc, tưởng niệm 50 năm ngày hy sinh của 10 Nữ liệt sỹ TNXP (24.7.1968 – 24.7.2018), kính mong các cấp, các ngành và các tổ chức, các nhà hảo tâm tiếp tục quan tâm đóng góp kinh phí để xây dựng hoàn thành tổng thể công trình Đền thờ Ngã ba Đồng Lộc đưa vào sử dụng, đáp ứng lòng mong mỏi của cán bộ, chiến sỹ, nhân dân Hà Tĩnh và đồng bào cả nước; thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa” đối với các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh vì Tổ quốc”, anh Trần Đình Ước tâm sự.
Sự sống và cái chết của lớp lớp thanh niên năm xưa là bài học vô giá để thanh niên hôm nay thêm tự hào và lấy đó làm biểu tượng, làm tấm gương để noi theo. Sự tồn tại của Ngã ba Đồng Lộc trong chiến tranh là sự tồn tại của huyết mạch giao thông thì trong thời bình là sự tồn tại của dòng chảy lịch sử, của sự lưu truyền giá trị dân tộc Việt đời đời.
QUỐC CƯỜNG – CAO TUÂN