Vừa qua bản Phú Lâm chừng vài trăm mét đã nghe tiếng cưa máy gầm rú lẫn tiếng cây đổ ầm ầm. Từ đây, những con đường lồ lộ hiện ra chằng chịt như mạng nhện. Trên các con đường, xuất hiện từng tốp người với đủ lứa tuổi, tay xách, nách mang nào là cưa máy, lương thực nối đuôi nhau vào rừng sâu.
Đi chừng hơn 1km nữa, chúng tôi lọt vào khu vực đại công trường khai thác gỗ. Tại đây, tiếng cưa máy gầm rít đinh tai, nhức óc, mùi xăng khét lẹt. Chốc chốc lại có tiếng cây gỗ đổ ào như gió rít. Không thể đếm hết được bao nhiêu thân gỗ lớn chừng hai đến ba người ôm không xuể, trong đó có cả những cây gỗ hàng chục năm tuổi như lim, táu, dổi bị xẻ thịt ngổn ngang. Có điểm, lâm tặc xẻ cùng lúc gần chục cây gỗ lớn. Gỗ được kéo đi để lại những gốc cây vừa bị đốn hạ còn chảy mũ xen lẫn mùi mùn cưa bốc lên thơm đến nghẹt thở.
Qua tiếp cận với một nhóm lâm tặc, chúng tôi biết được, hàng ngày trong khu vực rừng phòng hộ đầu nguồn này có đến hàng chục nhóm khai thác gỗ. Nhiều nhóm còn dựng hẳn cả lều trại để ăn nghỉ tại chỗ cả tháng trời. Mỗi nhóm lâm tặc chừng 4 người, chỉ với một chiếc cưa xăng, trung bình một ngày có thể đốn và xẻ khoảng 2 đến 3m3 gỗ. Cứ theo con số này, nếu nhân lên cho một năm cũng đã thấy lượng gỗ bị đốn hạ lớn đến chừng nào. Thế mới hay vì sao rừng phòng hộ Sông Tiêm nhanh chóng bị cạo trọc đến vậy?.
Điều đáng nói, nơi lâm tặc đang triệt hạ rừng chỉ cách trạm kiểm lâm của BQL rừng phòng hộ Sông Tiêm chừng 200m nhưng không thấy một bóng dáng cán bộ bảo vệ rừng nào. Đặc biệt, tuyến đường từ bản Phú Lâm ra thị trấn huyện Hương Khê là con đường độc đạo, có hai chốt chặn bảo vệ cùng lực lượng đồn biên phòng 571 nằm ngay cửa ngõ vào rừng nhưng hàng ngày gỗ vẫn nườm nượp được vận chuyển trót lọt về xuôi. Câu hỏi đặt ra, phải chăng chủ rừng cũng như các cơ quan chức năng ở địa phương bất lực hay còn nguyên nhân khác?
Trung Thông – Gia Phô
ĐS&PL