Thời gian qua, cử tri tại xã Cẩm Vĩnh (Cẩm Xuyên - Hà Tĩnh) rất bất bình trước thực trạng một diện tích lớn đất sản xuất nông nghiệp của nhiều hộ dân bị san lấp ồ ạt.
Ông Bùi Văn M. - công dân xã Cẩm Vĩnh, bức xúc chia sẻ: "Họ san lấp đó từ lâu rồi. Toàn bộ diện tích đất sản xuất nông nghiệp của người dân mà chưa thấy chính quyền kiểm tra hay xử lý dứt điểm".
Theo đó, hơn 14.000m2 đất nông nghiệp của 18 hộ dân thuộc 2 xóm Tam Trung, Yên Khánh xã Cẩm Vĩnh đã “được” một doanh nghiệp san lấp để thực hiện dự án “Xưởng sản xuất đồ gỗ Yên Thịnh” dù chưa hoàn thành xong việc bồi thường giải phóng mặt bằng.
Dự án: Xưởng sản xuất đồ gỗ Yên Thịnh san lấp mặt bằng khi chưa hoàn thành thủ tục. |
Trước đó, ngày 20/4/2023 UBND xã Cẩm Vịnh nhận được phản ánh của người dân về việc có đơn vị tự ý đổ đất phong hóa lên đất nông nghiệp của người dân. Ngay sau khi tiếp nhận thông tin UBND xã Cẩm Vịnh đã tiến hành lập biên bản và ghi nhận tại thời điểm đó đơn vị đã tiến hành san lấp được 450 m3 đất và yêu cầu đơn vị chấm dứt việc san lấp trên và báo cáo lên UBND huyện Cẩm Xuyên, Phòng TNMT huyện và Ban quản lý dự án huyện.
Dự án “Xưởng sản xuất đồ gỗ Yên Thịnh” tại Cụm Công nghiệp Bắc Cẩm Xuyên, huyện Cẩm Xuyên được UBND tỉnh Hà Tĩnh chấp thuận chủ trương đầu tư và chấp thuận quy hoạch vào ngày 19/6/2023. Đến ngày 03/11/2023 tại quyết định số 2844/QĐ-UBND tỉnh Hà Tĩnh mới thành lập Hội đồng thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường. |
Đến ngày 4/7/2023 tại biên bản làm việc giữa cơ quan chức năng và đại diện chủ đầu tư thì khối lượng san lấp đã lên đến khoảng 1400 m3.
Tại cuộc làm việc, ông Trần Văn Lô - Trưởng thôn Yên Khánh và ông Lê Văn Bích - Trưởng thôn Tam Trung xã Cẩm Vĩnh đều nêu rõ bức xúc, đồng thời có quan điểm: Nhân dân đồng tình thực hiện dự án nhưng cần kiểm đếm, bồi thường đầy đủ, kịp thời theo đúng quy định. Tuy nhiên, chính quyền địa phương vẫn chưa hề có động thái xử lý, xử phạt theo quy định đối với hành vi của doanh nghiệp.
Hàng nghìn m2 đất đã bị san lấp. |
Ghi nhận của phóng viên sáng 29/12/2023, chủ đầu tư dự án “Xưởng sản xuất đồ gỗ Yên Thịnh” đã cơ bản san lấp gần hết phần diện tích đất được phê duyệt là 14.406 m2.
“Họ lấy toàn là đất, đá thải, rác thải xây dựng về để san lấp. Không hiểu vì sao cụm công nghiệp thì đang đầu tư khu xử lý chất thải mà lại cho họ san lấp chất thải ở nơi khác về đây” - một người dân bức xúc.
Sáng cùng ngày, xác nhận qua điện thoại lãnh đạo xã Cẩm Vĩnh cho biết: Chiều nay mới đền bù giải phóng mặt bằng. Các thủ tục cơ bản họ làm ở huyện, xã chỉ giải phóng mặt bằng thôi… Xã đã báo cáo lên Phòng kinh tế hạ tầng với Phòng Tài nguyên & môi trường huyện 2 lần. Việc xử lý là của huyện, xã không có thẩm quyền.
Hầu hết đất thải được dùng san lấp mặt bằng. |
Hiện tại, Chủ đầu tư dự án “Xưởng sản xuất đồ gỗ Yên Thịnh” vẫn chưa có hồ sơ thuê đất, chiều nay mới hoàn thành thủ tục hồ sơ bồi thường giải phóng mặt bằng, sang tuần mới làm thủ tục thuê đất được - lãnh đạo Phòng TN&MT huyện Cẩm Xuyên thông tin thêm.
Sáng 30/12, trao đổi qua điện thoại, ông Phan Đình Hợi - đại diện Chủ đầu tư dự án “Xưởng sản xuất đồ gỗ Yên Thịnh”, thừa nhận: Chiều hôm qua (29/12 - PV) đã trực tiếp chi trả cho dân, có 3-4 hộ chưa trả được vì họ chưa đến nhận. Sau khi xong cái đó (Bồi thường GPMB - PV) thì mới triển khai các thủ tục khác được... Do dự án tỉnh phê duyệt được có 12 tháng nên hơi gấp.
Việc một doanh nghiệp tự ý san lấp trái phép đất nông nghiệp với diễn tích lớn tại xã Cẩm Vĩnh đã diễn ra trong một thời gian khá dài; đề nghị chính quyền địa phương, UBND huyện Cẩm Xuyên, UBND tỉnh Hà Tĩnh và các sở, ban ngành có liên quan cần sớm kiểm tra, có biện pháp xử lý dứt điểm thực trạng trên, tránh bức xúc trong cử tri địa phương.
Hành vi san lấp trái phép đất nông nghiệp có thể bị xử phạt hành chính theo Điều 15 Nghị định 91/2019/NĐ-CP, cụ thể: Đối với những trường hợp làm biến dạng địa hình hoặc làm suy giảm chất lượng đất thì hình thức, mức xử phạt như sau: - Phạt tiền từ 02 - 05 triệu đồng nếu diện tích đất bị hủy hoại dưới 0,05 héc ta; - Phạt tiền từ 05 - 10 triệu đồng nếu diện tích đất bị hủy hoại từ 0,05 héc ta - dưới 0,1 héc ta; - Phạt tiền từ 10 - 30 triệu đồng nếu diện tích đất bị hủy hoại từ 0,1 héc ta - dưới 0,5 héc ta; - Phạt tiền từ 30 - 60 triệu đồng nếu diện tích đất bị hủy hoại từ 0,5 - dưới 01 héc ta; - Phạt tiền từ 60 - 150 triệu đồng nếu diện tích đất bị hủy hoại từ 01 héc ta trở lên. Ngoài ra còn bị áp dụng thêm các biện pháp khắc phục hậu quả, buộc phải khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm. Trong trường hợp người có hành vi vi phạm không chấp hành thì Nhà nước thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 64 của Luật Đất đai. |
Tác giả: Nam Thành
Nguồn tin: Pháp Luật Plus