Người đương thời

Hà Tĩnh: Cánh chim nhỏ giữa đại ngàn vùng sơn cước

Chị Trần Thị Khang với mô hình nuôi 500 con lợn

Chị Trần Thị Khang, chủ tịch Hội LHPN xã Phúc Trạch, người cán bộ Hội luôn đi đầu trong thực hiện nhiệm vụ “Vận động, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế” được ví như cánh chim nhỏ giữa đại ngàn vùng sơn cước.

hatinh24h

Nhận thấy rõ những khó khăn, vất vả đã bao đời đeo bám người dân, chị đã mạnh dạn tìm tòi, học hỏi, thử nghiệm nhiều cách làm kinh tế với mong mỏi tìm hướng đi mới cho gia đình và những người xung quanh để rồi sau hơn mười lăm năm tìm kiếm, hôm nay chị đã trở thành chủ nhiệm HTX chăn nuôi An Khang, chủ mô hình kinh tế chăn nuôi lợn 500 con/lứa cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.
Nhớ lại những ngày đầu thử nghiệm, chị Khang bùi ngùi kể lại quá trình vượt khó đi đầu cho chúng tôi nghe. Năm 2000, khi bà con nhân dân xã Phúc Trạch chỉ cày vài ba sào ruộng, nuôi 1-2 con lợn lấy công làm lãi để bán vào dịp lễ Tết thì chị Khang đã mạnh dạn sửa sang chuồng trại, mở rộng quy mô nuôi 10 con lợn. Lứa đầu, do không có kĩ thuật, mua 10 con giống chỉ còn 6 con sống sót, lứa sau, chị mạnh dạn nuôi 20 con. Lợn ngày ấy nuôi bằng rau và cám nên dù chỉ với 20 con lợn cũng đã đủ làm chị lăn lộn vất vả quanh năm. Đến năm 2005 chị lại đầu tư tiếp nuôi lợn nái để cung cấp con giống. Tuy thấy mô hình lợn nái có ổn định nhưng vất vả và thu nhập còn bấp bênh trong khi mô hình “vườn – ao – chuồng” có nhiều người thành công, chị lại đạp xe đi vào Quảng Bình và Nghệ an để học hỏi, rồi đào ao, phát rừng, một mình bươn chải ra tận Nghệ An mua cá giống về nuôi. Kỹ thuật đào ao, xử lý môi trường không hợp lý khiến mấy tạ cá của chị chỉ sau một đêm đã chết trắng cả hồ. Không bỏ cuộc, chị tiếp tục ra Nghệ An lần thứ hai, vừa để học hỏi kỹ thuật vừa tiếp tục đầu tư cá giống. Sau một năm, tại vùng đất hạn hán vào mùa Hạ, lũ quét vào  mùa Thu, thực tiễn cho chị thấy chỉ nuôi cá thôi chưa đủ trang trải cho cuộc sống.
Đến năm 2006, khi xã có chủ trương giao đất giao rừng cho các hộ dân, mặc dù vườn nhà bên bờ sông Ngàn Sâu có diện tích đủ để chị tiếp tục mô hình VAC nhưng chị Khang lại một lần nữa mạnh dạn xung phong vào rừng cải tạo đất, “xẻ rừng gieo hạt”. Sau một thời gian tích góp, chị đã hoàn chỉnh được mô hình V-A-C của mình với 300 gốc cam, 100 gốc bưởi, 1000 cây gió trầm, 3 ao thả cá, 500 con gà thả đồi, chuồng lợn thịt 200 con và 20 lợn nái, mô hình thành công mang lại thu nhập ổn định cho kinh tế gia đình.
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới, được tiếp cận các chủ trương chính sách khuyến khích về phát triển nông nghiệp, Tháng 7 năm 2012, chị Trần Thị Khang đã  tuyên truyền, vận động 7 thành viên trước đây là chăn nuôi nhỏ lẻ tham gia thành viên hợp tác xã chăn nuôi lấy tên là Hợp tác xã chăn nuôi An Khang, chị vinh dự được chị em tín nhiệm bầu làm giám đốc hợp tác xã.
Tháng 6/2014, chị bàn bạc, thuyết phục gia đình và quyết định ký hợp đồng liên kết nuôi gia công lợn thương phẩm với Công ty Khoáng sản và thương mại Hà Tĩnh quy mô 500 con/. Sau 3 tháng chăn nuôi, hoàn toàn bằng công nghệ kỹ thuật hiện đại, 500 con lợn lứa thứ nhất  đã mang lại cho gia đình chị lợi nhuận trên 80 triệu đồng lần thứ hai trên 100 triệu đồng, chưa kể tiền thu được từ sản phẩm phụ (tiền phân bón khoảng 15 triệu đồng/1 lứa, điện, ga từ hầm Bioga sử dụng thoải mái không mất tiền). Bên cạnh việc nuôi lợn, chị tiếp tục chăn nuôi gà thả đồi, trồng cây ăn quả, nhờ đó thu nhập gia đình mỗi năm đạt trên 300 triệu đồng. Đến nay, Hợp tác xã chăn nuôi An Khang gồm có 25 con lợn nái thường xuyên cung cấp con giống cho những hội viên có nhu cầu, hàng năm xuất chuồng 1.500 con lợn thịt, cung cấp hàng trăm tấn phân cho những hội viên có nhu cầu sản xuất, trồng trọt, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 8 lao động với mức lương trung bình 4,5 triệu đồng/người/tháng. HTX thực hiện đầy đủ nghĩa vụ, hàng năm đóng nộp đầy đủ nghĩa vụ thuế. Thực hiện tốt vệ sinh an toàn lao động và các chính sách an sinh xã hội.
Với nước da rám nắng nhưng nụ cười tươi luôn thường trực trên môi, ở xã Phúc Trạch này không ai không biết chị Khang là người cán bộ Hội mẫu mực, nhiệt tình, say mê công tác hội, gương mẫu luôn đi đầu trong làm ăn kinh tế. Dù ở cương vị nào, chị Khang luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Từ khi Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới bắt đầu đến nay, gần như không có cuộc sinh hoạt chi hội nào chị vắng mặt. “Về với hội viên, nghe hội viên nói và chia sẻ cho hội viên nghe kinh nghiệm làm kinh tế,  kinh nghiệm sống, giúp hội viên hiểu và làm theo … là những việc mình làm không biết mệt”.  Chị đã chia sẻ với chúng tôi như vậy. Từ tấm gương của chị Khang, hiện nay ở xã Phúc Trạch đã có thêm rất nhiều mô hình phát triển kinh tế cho thu nhập cao và ổn định như: Tổ hợp tác chăn nuôi lợn 10 hộ, 200 con/lứa liên kết với công ty Khoáng sản và thương mại Hà Tĩnh Mitraco, mô hình Tổ hợp tác chăn nuôi lợn 10 hộ 200 con/ lứa liên kết với Công ty thức ăn chăn nuôi gia súc Austfeed, mô hình chăn nuôi, mô hình trang trại tổng hợp, nhiều vườn bưởi Phúc trạch, vườn gió trầm cho thu nhập kinh tế cao…
Trong nhiều năm qua, chị liên tục nhận được nhiều giấy khen, bằng khen của các cấp, các ngành. Mô hình của chị đã hai lần vinh dự được đồng chí Võ Kim Cự, Bí thư tỉnh ủy Hà Tĩnh, Chủ tịch HĐND tỉnh đến thăm khi về làm việc về Nông thôn mới ở Hương Khê. Gần đây, chị là gương điển hình được tham dự Hội nghị điển hình tiên tiến cấp huyện, là 1 trong 12 điển hình của huyện Hương Khê được tham dự Hội nghị điển hình tiến tiến cấp tỉnh, là 01 trong 05 điển hình do Hội LHPN huyện Hương Khê đề xuất dự Hội nghị điển hình tiến tiến do Hội LHPN tỉnh Hà Tĩnh tổ chức. Gần đây nhất, chị vinh dự được Phó chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Trần Thị Hương về thăm và đề nghị dự Hội nghị thi đua yêu nước giai đoạn 2010 – 2015 do Trung ương Hội LHPN Việt Nam tổ chức. Đặc biệt, chị cũng đã vinh dự được Thủ tướng chính phủ tặng bằng khen.
Dẫu còn bao nhọc nhằn trong việc mưu sinh nhưng với bản tính chăm chỉ và nghị lực mạnh mẽ, tin rằng những mô hình phụ nữ phát triển kinh tế như chị Trần Thị Khang sẽ còn tiếp tục được nhân rộng. Cánh chim nhỏ, hoài bão lớn sẽ mãi ca khúc ca của của lòng nhiệt huyết để nâng cánh những ước mơ làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình./.

Tác giả bài viết: Nguyễn Thị Huế /Hương Khê

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP