Theo đó, nội dung được phê duyệt bao gồm tu bổ, chỉnh trang lại một số hạng mục đã xuống cấp thuộc hạ tầng của khu di tích Nguyễn Du. Đồng thời, từng bước xây dựng cơ sở hạ tầng xứng tầm với Khu di tích Quốc gia đặc biệt.
Tượng đài Nguyễn Du. |
Tổng mức dự án xây lắp là 21.785.170.000đ, được khởi công ngày 24.3.2015, hoàn thành ngày 29.12.2015 do Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch làm chủ đầu tư và Công ty CP xây dựng Anh Đào (thị xã Hồng Lĩnh) làm chủ thầu.
Mặc dù mới bàn giao và đưa vào sử dụng chưa được 3 tháng nhưng khu trưng bày, nhà đón tiếp đã có dấu hiệu bong tróc từng mảng, làm mất tính thẩm mĩ của công trình cấp Quốc gia đặc biệt này.
Nói là tu bổ, chỉnh trang nhưng có nhiều chỗ, nhiều bộ phận không còn nguyên trạng nữa, nhưng vẫn không được khắc phục.
Chẳng hạn như song ngang cửa sổ bị gãy, lan can tầng 2 cong vênh, nền gạch bị hở mạch, chỗ gắn điều hòa bị rơi vữa lòi gạch, bờ tường có lỗ thủng khá to nhưng không được trát lại,… Phải chăng những nội dung này không có trong hạng mục của công trình?
Bờ tường, mái trong bong tróc, lở loét |
Khi được hỏi về nguyên nhân dẫn đến hiện tượng sơn tường bong tróc từng đám cục bộ trên diện rộng thì ông Trần Ngọc Bảo, Trưởng ban quả lí xây dựng cơ bản Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch cho biết: “Khu di tích này đã được xây dựng hơn 20 năm, độ kết dính thấp, tường luôn ẩm ướt, rêu phong. Hơn nữa trong thời gian thi công, thời tiết không thuận lợi, độ ẩm quá cao, sơn lâu khô…”
Trao đổi về yêu cầu kỹ thuật được xử lí trước khi tiến hành sơn tường, vị cán bộ này giải bày: “Nhà thầu đã xử lí mất cả tháng trời, kì cọ rất cẩn thận, sau đó tít lại rồi sơn tiếp 3 lớp. Về quy trình là rất đảm bảo, chúng tôi rất yên tâm về điều đó”.
PV đặt vấn đề là có hay không việc sử dụng sơn không đạt yêu cầu, vị Trưởng ban chia sẻ: “Đây là sơn Cova – loại tốt tại thị trường Hà Tĩnh, chúng tôi yêu cầu nhà thầu lấy đúng đại lí chính hãng. Tôi lấy trách nhiệm và danh dự cá nhân để bảo đảm rằng chất lượng và màu sắc của sơn đều đảm bảo. Tuy nhiên sự việc bong tróc này là bất khả kháng”.
Về vai trò giám sát của chủ đầu tư đối với dự án này, ông Bảo khẳng định: “Không hề có chuyện thi công ẩu mà có thể là do trong quá trình xử lí chỗ ẩm mốc đó không được triệt để. Chúng tôi cũng đã cố gắng hết sức. Nhân viên chỉ có sáu người nhưng chúng tôi luôn có mặt cùng với anh em từ đầu đến cuối”.
Biết trước nhưng không thể xử lý được.
Theo thông tin mà chúng tôi nắm được thì dự án chỉ quy định cạo lớp vôi ve bên ngoài rồi sơn lại. Với diện tích gần 2000m2 tường, lại có nhiều mảng bị mốc meo, rêu phong… nếu không đục bỏ lớp da áo thì không thể đảm bảo chất lượng.
Ông Trần Ngọc Bảo, Trưởng ban quả lí xây dựng cơ bản Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch cho biết:“Đây là sơn Cova – loại tốt tại thị trường Hà Tĩnh, chúng tôi yêu cầu nhà thầu lấy đúng đại lí chính hãng”. |
Về vấn đề này vị cán bộ Sở trải lòng: “Trong quá trình làm, chúng tôi cũng nhận thấy điều đó. Thợ sơn cũng cảnh báo là sơn theo tổng thể tòa nhà, còn những chỗ ẩm mốc, rêu phong nếu không xử lý kỹ thì sẽ khó đáp ứng được yêu cầu. Tuy nhiên nếu đục cả tòa nhà đó đi rồi trát lại thì quá to công, chi phí sẽ phát sinh rất nhiều, hơn nữa thời gian cũng không cho phép. Vì thế đành phải để nguyên tường cũ”.
Khi hỏi trách nhiệm thuộc về ai và hướng giải quyết như thế nào thì đại diện đơn vị đầu tư quả quyết: “Công trình mới bàn giao, đang trong thời gian bảo hành nên trách nhiệm vẫn thuộc về nhà thầu thi công, họ hứa sẽ giải quyết trong thời gian sớm nhất. Ý đồ của chúng tôi là để thêm một thời gian nữa cho nó bong tróc hẳn ra rồi xử lí luôn thể. Dự kiến sang tháng tư, tháng năm khô ráo sẽ triển khai”.
Cũng theo ông Bảo, tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Đại thi hào Nguyễn Du có nhiều hạng mục cũng đang cần xử lí chứ không riêng gì sơn tường, chẳng hạn như ống thoát nước khi trời mưa to, bơm nước tưới cây.v.v. Tuy nhiên những việc này nằm trong tầm kiểm soát nên không khó.
Một số hình ảnh tại Khu lưu niệm Nguyễn Du do PV Tầm Nhìn ghi lại:
Quốc Hoàn – Đình Chuân – Đặng Sơn