Sau gần 1 năm chuyển đến 2 khu TĐC, nhiều hộ dân “sống dở, chết dở” bởi tình trạng thiếu nước và nước bị ô nhiễm. Trong số 347 giếng nước khoan tại 2 khu TĐC Hói Trung, Khe Ná – Khe Gỗ có 157 giếng sử dụng được, chiếm 45,24%; số giếng gặp sự cố, không có khả năng sử dụng là 190 (26 giếng không có nước, 19 giếng nước yếu, 145 giếng nước có mùi tanh, màu vàng, chuyển màu đen khi pha với nước chè).
Theo ông Nguyễn Đình Đức – Trưởng ban Bồi thường hỗ trợ TĐC, Phó Chủ tịch UBND huyện Vũ Quang, nguyên nhân là do quá trình triển khai không thống nhất lại qua nhiều lần điều chỉnh phê duyệt nên chủ đầu tư gặp không ít khó khăn. Thêm nữa, trong quá trình di dời vào các khu TĐC, có hộ vào trước, hộ vào sau nên rất khó kiểm tra, phát hiện.
Đúng là dự án đã được điều chỉnh đến 5 lần như trình bày của ông trưởng ban. Chỉ có điều, ngày 13/6/2011, UBND tỉnh ra Quyết định số 1285 về việc điều chỉnh từ giếng đào sang giếng khoan, thì trước đó, vào ngày 25/1/2010, chủ đầu tư đã tự ý ký kết hợp đồng khảo sát với đơn vị tư vấn khảo sát thiết kế là Công ty CP Tư vấn xây dựng Hà Tĩnh để khảo sát nước ngầm và thiết kế giếng khoan. Điều đáng nói là, các đơn vị tư vấn khảo sát thiết kế và đặc biệt là người chủ trì (như đã nêu ở trên) không có năng lực, kinh nghiệm hành nghề khoan thăm dò nước dưới đất. Thậm chí, không có giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất theo quy định tại Quyết định số 17/2006/QĐ-BTNMT ngày 12/10/2006 của Bộ TN&MT, vi phạm Điểm a, b, Khoản 1, Điều 49 của Luật Xây dựng.
Dù thay máy bơm mới nhưng hộ anh Đinh Văn Viên (xóm Kim Quang – khu TĐC Hói Trung) vẫn không thể sử dụng được nước sinh hoạt vì bị nhiễm sắt |
Không chỉ có vậy, theo quy chuẩn QCVN 09:2008/BTNMT kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước ngầm của Bộ TN&MT, để đánh giá chất lượng nguồn nước ngầm, cần kiểm tra đánh giá theo 26 tiêu chí, tuy nhiên, các đơn vị tư vấn thiết kế chỉ đánh giá chất lượng nước từ… 11-14 tiêu chí.
Theo hồ sơ báo cáo khảo sát địa chất thủy văn cụm dân cư số 1, 2 khu TĐC Hói Trung do Công ty Hợp danh tư vấn xây dựng Hưng Thịnh lập, kết quả phân tích mẫu nước một số chỉ tiêu như: pH, Clorua, Fe (sắt) vượt quá chỉ tiêu cho phép, tuy nhiên, chất lượng nước vẫn được đánh giá là… đảm bảo. Nguy hiểm hơn là các lỗ khoan khác nhau, được khoan tại các thời điểm khác nhau nhưng biên bản lấy mẫu nước lại chung cho tất cả các hố khoan ở 1 vị trí.
Qua kiểm tra vị trí của các lỗ khoan đã được chủ đầu tư phê duyệt, phần lớn được bố trí gần các vùng thấp, nay đã san lấp mặt bằng nên không thể xác định được vị trí tại hiện trường và cũng không có lỗ khoan nào trong giai đoạn khảo sát được sử dụng làm giếng sau này. Trớ trêu ở chỗ, tại các vị trí chủ đầu tư và tư vấn xác định sau khi khoan thăm dò đảm bảo thì nước lại có… mùi hôi tanh, khi pha với nước chè đổi sang màu đen…
Hoài Nam/baohatinh.Vn