Di tích - Thắng cảnh

Giếng cổ Hà Tĩnh – Dấu ấn văn hóa Chăm-pa

Hà Tĩnh là chiếc nôi nằm giữa hai đầu đất nước với một kho báu di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đã thành trầm tích liên quan đến nhiều nền văn hóa của người Việt cổ, tiêu biểu như văn hóa Đông Sơn, văn hóa Sa Huỳnh… Và gần đây, các nhà khảo cổ học lại phát hiện thêm một hệ thống giếng cổ Hà Tĩnh mang đậm dấu ấn văn hóa Chăm-pa.

Những vị cao niên ở làng Hữu Quyền cho biết từ khi sinh ra họ đã thấy giếng nước này

Những giếng làng cổ kỳ bí

Chuyến du xuân đến những miệt làng tìm hiểu giếng cổ cùng với ông Nguyễn Trí Sơn – Giám đốc Bảo tàng Hà Tĩnh giữa những ngày chuẩn bị đón năm mới thật sự đã cuốn hút chúng tôi. Điều thú vị nhất là khi nói đến giếng cổ, từ những người nông dân thuần phác đến các cụ cao niên đều rất quan tâm và muốn được hiểu sâu sắc về những chiếc giếng cổ của làng vốn liên quan đến một nền văn hóa đang chứa đựng bao điều kỳ bí.

Giếng cổ Hà Tĩnh - Dấu ấn văn hóa Chăm-pa
Nước ở các giếng cổ không bao giờ cạn kiệt cho dù có hạn đến mấy

Điểm đến đầu tiên của chúng tôi là thôn Mai Lâm (Mai Phụ, Lộc Hà). Trong vườn nhà ông Nguyễn Lợi có một giếng nước không còn dùng. Giếng có thành hình vuông, lòng giếng xếp đá hình vuông, dưới đáy có khung gỗ vuông. Do mực nước giếng không nhiều nên dễ nhận thấy khung gỗ vuông dưới đáy và có thể đo được các kích thước của giếng. 130×130 cm; thành giếng cao 95 cm; từ mặt đất đến mép trên khung gỗ 175 cm; khung gỗ cao 52 cm, mỗi bên do 2 mảnh ghép lại. Đá xếp lòng giếng là loại đá núi, không có tại chỗ. Theo người dân địa phương, giếng không được dùng cách đây khoảng 10 năm, trước đó, cả làng vẫn dùng nước giếng này để ăn uống. Giếng nằm gần sông Sót (phần hạ lưu của sông Nghèn, đổ ra cửa Sót). Người dân địa phương cho hay, tại khu vực này trước đây có nhiều giếng tương tự, nay đã mất.

Ở thôn Bắc Mỹ Lộc (Cẩm Huy, Cẩm Xuyên), trong khuôn viên nhà ông Trương Văn Thọ cũng có một giếng hình vuông, xếp đá, thành xây mới, dưới đáy giếng có một khung gỗ vuông. Lòng giếng có kích thước 120×120 cm, thành giếng cao 70 cm; từ mặt đất đến mép trên khung gỗ 120 cm; từ khung gỗ đến đáy có khẩu độ khoảng 45 cm và đó cũng là mực nước dâng thường xuyên không bao giờ cạn. Đưa chúng tôi ra tham quan giếng, ông Thọ bảo: “Trước đây, cả làng dùng giếng này để ăn uống, nước rất ngon và không khi nào cạn, từ dăm sáu năm nay thì không còn dùng nữa. Đã có một số đoàn khảo cổ về tham quan, khảo sát”. Tuy nhiên, ông Thọ và những người già trong làng đều không biết giếng có từ bao giờ, nhưng theo họ thì giếng này thiêng lắm.

Ở thôn Hữu Quyền (Cẩm Huy) cũng có 3 giếng cổ là giếng Chòm, giếng Đá và giếng Thềm. Ba giếng này tạo thành hình tam giác án ngữ ba góc của làng và đều có kiểu cấu trúc như nhau là hình vuông, sâu khoảng 3–4m, rộng 2m, xung quanh được ốp những phiến gỗ quí, qua nhiều thế kỷ mà vẫn cứng như đá, đen như than. Tuy nhiên, giếng Thềm và giếng Đá không thấy khắc những ký tự lạ trên gỗ như ở giếng Chòm.

Giếng cổ đang tồn tại khá nhiều nơi trên địa bàn Hà Tĩnh. Nhưng có lẽ chưa ở đâu thuộc Bắc Trung bộ, các giếng cổ hình vuông mà chúng ta quen gọi là giếng Chăm lại có mật độ dày đặc như ở các xã duyên hải thuộc huyện Kỳ Anh với số lượng thống kê ban đầu gần 50 giếng còn nguyên hiện trạng, tập trung nhiều nhất ở các xã: Kỳ Ninh, Kỳ Lợi, Kỳ Long, Kỳ Xuân, Kỳ Thịnh và Kỳ Giang… Trong đó tại Kỳ Xuân có 13 giếng, phần lớn đã bỏ hoang, bị hư hỏng nhiều.

Giếng cổ phát lộ dấu ấn văn hóa Chăm

Trong khuôn khổ dự án “Nghiên cứu lịch sử và di sản văn hóa miền Trung” của Trung tâm Viện Viễn đông Bác cổ Pháp tại Hà Nội, năm 2012, các nhà nghiên cứu Viện Khảo cổ học Việt Nam phối hợp với Bảo tàng Hà Tĩnh tiến hành một cuộc thám sát thực địa để tìm hiểu về hệ thống giếng cổ đang tồn tại trên dải đất Lam Hồng. Đợt thám sát thực địa được triển khai tại 3 huyện: Lộc Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh và đã phát hiện được rất nhiều giếng cổ mà theo nghiên cứu bước đầu cho thấy có liên quan đến nền văn hóa Chăm-pa.

Giếng cổ Hà Tĩnh - Dấu ấn văn hóa Chăm-pa
Giếng cổ ở xóm Tân Phan xã Kỳ Giang (Kỳ Anh) vẫn được người dân trong làng lấy nước sinh hoạt.

Chúng tôi cũng đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Nguyễn Tiến Đông – Viện Khảo cổ học Việt Nam nhân chuyến ông về công tác tại Hà Tĩnh mới đây. Ông chia sẻ: Hình thái cơ cấu của các giếng này chủ yếu là hình vuông, một số ít là hình tròn và cũng có nhiều giếng đã được bà con cư dân cải tạo lại hình dáng do bị xuống cấp. Tên của giếng được đặt khá phong phú và gần như gắn với tập tục văn hóa của địa phương. Tiêu biểu trong đó, có một giếng vuông ở xóm 7, xã Kỳ Thịnh có tên gọi là giếng Lòi. Qua khảo cứ sơ bộ cho thấy, người Việt miền Trung vẫn gọi người Chăm là Lòi, Lồi hay Hời.

Điều đặc biệt, các giếng cổ trên địa bàn Hà Tĩnh đều có đặc điểm chung là hình vuông, có một số giếng đã được cải tạo thành hình tròn, song vẫn quan sát rõ đáy giếng hình vuông, xếp đá. Tất cả các giếng này đều có khung gỗ vuông dưới đáy, nhiều nơi người dân gọi là giếng bộng vì họ gọi phần gỗ lát đáy giếng là bộng gỗ. Độ sâu của những giếng này dao động từ 3-6m tùy theo địa hình thấp hay cao. Nước giếng rất tốt, rất ngon, xưa kia mỗi giếng đều có một cộng đồng chừng 30-40 hộ dùng. Nước không bao giờ cạn kiệt cho dù có hạn đến mấy.

Trong số giếng được phát hiện có rất nhiều giếng được sửa sang, chủ yếu là xây thành giếng và bờ giếng vào năm 1946 vì trên thành một vài giếng có khắc chữ Hán và quốc ngữ như giếng Mò Cua (thôn Quyền Thượng, Kỳ Trinh) có dòng chữ quốc ngữ: Việt Nam dân chủ cộng hòa. Năm II. Bên cạnh đó là dòng chữ Hán: Bính Tuất niên mạnh hạ (tháng đầu mùa hạ, tháng 4 âm lịch năm Bính Tuất). Rất dễ dàng biết được đó là năm 1946. Tại giếng Đồng Tâm 3, ngay gần biển cũng được xây thành và có dòng chữ Hán: Mạnh hạ nguyệt hoàn thành (hoàn thành vào tháng đầu mùa hạ, tháng 4 âm lịch). Người dân ở đây vẫn nhớ vào năm 1946, có ông chánh tổng tên Nguyễn Dượng biết chữ Hán đã bỏ tiền của sửa sang lại tất cả các giếng cổ trong vùng để phục vụ đời sống của người dân, nhất là xây toàn bộ thành giếng vì trước đó giếng không có thành. Hiện tượng thành giếng được xây sau là phổ biến của các giếng Chăm-pa ở khắp Trung bộ Việt Nam.

Với mật độ giếng rất dày ở Hà Tĩnh, đặc biệt là vùng Kỳ Anh cho thấy, miền đất này trước khi trở thành đất Đại Việt đã có rất nhiều người Chăm sinh sống, thậm chí, sau thế kỷ X, vào thế kỷ XI, XII thì vùng này vẫn còn nhiều người Chăm. Hiện nay, ở Trung Trung bộ và Nam Trung bộ, vùng đất của Chăm-pa cũ, các giếng vuông của người Chăm gần như bị bỏ và lấp. Kỹ thuật đào giếng và tìm mạch nước tốt của người Chăm cùng với hệ thống giếng của họ là một di sản văn hóa cần được quan tâm, gìn giữ. Một phần không thể thiếu của cuộc sống thường nhật đã góp phần tạo nên một nền văn hóa Chăm rực rỡ, được các cộng đồng cư dân Hà Tĩnh, nơi xa trung tâm văn minh Chăm nhất đang lưu giữ. Theo các nhà nghiên cứu khảo cổ, đây là một trong số giếng cổ mang đậm kỹ thuật xây cất giếng cổ của người Chăm-pa. Phía Nam Hà Tĩnh từ thời Lý, Trần (thế kỷ X – XIV) là địa bàn giao thoa của nền văn hóa Chăm-pa và Đại Việt.

Hy vọng, thời gian tới, các nhà nghiên cứu khảo cổ và văn hóa sẽ có các chuyên đề nghiên cứu sâu hơn và toàn diện hơn về hệ thống các giếng cổ này nhằm góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị di sản văn hóa Chăm-pa trên vùng đất Hà Tĩnh.

Quang sáng/Baohatinh.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP