Đó là các vấn đề đã được đặt ra tại hội thảo “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm” và tập huấn hướng dẫn thực hiện chương trình giáo dục mầm non do Bộ GD-ĐT vừa tổ chức tại TPHCM.
Bà Hoàng Thị Hoa, Trưởng phòng Giáo dục mầm non, Sở GD-ĐT tỉnh Đắk Nông cho biết năm học 2018-2019, toàn tỉnh chỉ có thể đảm bảo duy trì tổ chức dạy học 2 buổi/ngày cho trẻ mầm non 5 tuổi, đối với lứa trẻ 3 - 4 nhiều khả năng không thể thực hiện, chỉ có thể tổ chức học 1 buổi/ngày. Năm học 2017 - 2018, tỉnh chỉ mới huy động được hơn 11% trẻ trong độ tuổi nhà trẻ và 84% trẻ độ tuổi mẫu giáo ra lớp.
Nguyên nhân, bà Hoa lý giải, hiện Đắk Nông còn thiếu đến hơn 700 giáo viên mầm non, không đủ để "xoay sở" với trẻ. Năm học mới dự báo sẽ càng khó khăn hơn nữa khi chưa có phương án tăng thêm biên chế.
Thiếu giáo viên mầm non là tình trạng chung ở nhiều địa phương trong cả nước |
Quan tâm đến chất lượng đội ngũ, ông Lê Đình Thuần Hòa, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Khánh Hòa nêu băn khoăn hiện nay trong đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên mầm non cũng tồn tại nhiều bất cập. Không ít giáo viên thiếu linh hoạt trong tổ chức hoạt động giảng dạy trên lớp, còn có tình trạng giáo viên làm thay trẻ, can thiệp tình huống không đúng lúc, thiếu lắng nghe và chưa tạo môi trường cho trẻ phát triển kỹ năng cá nhân.
Đối với vấn đề bạo hành trẻ mầm non, ông Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non Bộ GD-ĐT cho rằng, tình trạng bạo hành trẻ xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân trực tiếp là từ giáo viên. Những giáo viên bạo hành trẻ, gây mất an toàn cho trẻ phần lớn là những người chưa đáp ứng được yêu cầu về phẩm chất, năng lực nhà giáo. Nếu giáo viên yêu trẻ, có trách nhiệm với nghề nghiệp, am hiểu pháp luật... sẽ tránh được những sự việc đáng tiếc.
Ông Minh chia sẻ thêm, trường lớp hiện nay còn ít trong khi nhu cầu gửi trẻ lớn, ngân sách nhà nước có hạn nên chưa đáp ứng yêu cầu đảm bảo sĩ số trẻ/lớp. Cạnh đó, chính sách lương bổng, áp lực công việc cũng là nguyên nhân dẫn đến việc giáo viên thường xuyên bị mệt mỏi, căng thẳng.
Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non cũng chỉ ra thực trạng, về quy định thì có đầy đủ nhưng một số địa phương, khâu kiểm duyệt chưa làm tốt. Nhiều cơ sở tư thục, nhóm trẻ chưa đủ điều kiện hoạt động nhưng vẫn được cấp phép. Chưa kể, xảy ra bạo hành, các địa phương đã vào cuộc xử lý quyết liệt, thế nhưng thực tế mới xử lý cơ sở giáo dục và giáo viên, còn các cấp chính quyền, nơi cấp phép hoạt động vẫn chưa phải chịu trách nhiệm liên đới.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa cho biết, đây là khó khăn chung của nhiều địa phương trên cả nước. Trước đây, ngành đã tính đến phương án điều chuyển giáo viên phổ thông xuống dạy mầm non nhưng không có hiệu quả do khác biệt về tính chất công việc.
Tác giả: Hoài Nam
Nguồn tin: Báo Dân trí