Tin Hà Tĩnh

Giang Nam Petrol sở hữu quỹ đất lớn tại Hà Tĩnh, nhưng chi nhánh lại liên tiếp đứng nhóm đầu nợ thuế

Trước khi đề cập đến việc Giang Nam Petrol đang kinh doanh thế nào, nguồn vốn đầu tư và lợi nhuận ra sao, xin thông tin về diễn biến mới đáng chú ý liên quan đến chi nhánh của doanh nghiệp đang hoạt động ở Hà Tĩnh.

Như Reatimes đã thông tin, Công ty TNHH Xăng dầu Giang Nam (Giang Nam Petrol) chính thức "xâm nhập" vào miền Trung thông qua việc mở mới một pháp nhân phụ thuộc tại Hà Tĩnh vào ngày 13/4/2021 với tên gọi Chi nhánh Công ty TNHH Xăng dầu Giang Nam tại Hà Tĩnh. Đăng ký địa chỉ tại Khu Hậu Cảng, xã Kỳ Lợi, thị xã Kỳ Anh (MST 0201967012-002) và do ông Nguyễn Trọng Ngọc, quê quán Thanh Hóa làm người đại diện pháp luật.

"Tham vọng" sở hữu quỹ đất lớn...

Bước chân vào miền Trung, Giang Nam Petrol ngay lập tức cho thấy họ sẽ là "ông lớn" thực sự khi được chọn là nhà đầu tư triển khai xây dựng Dự án Tổng kho xăng dầu Giang Nam tại xã Kỳ Lợi, thị xã Kỳ Anh vào ngày 24/11/2022. Đây là dự án có tổng diện tích sử dụng đất khoảng 5ha với tổng vốn đầu tư hơn 460,315 tỷ đồng.

Tiếp đến, doanh nghiệp này được chấp thuận là nhà đầu tư Dự án "Xây dựng trụ sở làm việc kết hợp cửa hàng kinh doanh xăng dầu Giang Nam" tại xã Thạch Trung, TP. Hà Tĩnh. Dự án có diện tích sử dụng đất khoảng 9.109m2 với tổng vốn đầu tư dự kiến 45,535 tỷ đồng. Được biết, quyết định do ông Trần Báu Hà - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh ký vào ngày 02/02/2023.

Dự án Tổng kho xăng dầu Giang Nam tại thị xã Kỳ Anh có tổng diện tích sử dụng đất khoảng 5ha.


Ngoài ra, Giang Nam Petrol đã và đang đề xuất khá nhiều dự án với quỹ đất rộng lớn trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh phải kể đến như: Kho xăng dầu Đá Mồng và Kho xăng dầu tại Khu kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo (huyện Hương Sơn); Bến xe trung tâm huyện Đức Thọ; dự án Kho và cảng xăng dầu Giang Nam - Cửa Sót, huyện Lộc Hà; Cửa hàng xăng dầu kết hợp xưởng bảo dưỡng sửa chữa xe, máy, thiết bị của Giang Nam Petrol tại thị xã Kỳ Anh.

Song song với quá trình trên, Giang Nam Petrol đã nhanh chóng thực hiện "thâu tóm" hàng loạt cửa hàng xăng dầu trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh thông qua các thương vụ M&A. Bên cạnh đó, họ rất khéo léo "lấy lòng" khi được đánh giá là một trong những doanh nghiệp tích cực tham gia vào công tác an sinh xã hội ở Hà Tĩnh.

Trên đây là sơ lược những hoạt động đầu tư, thành tích nổi bật của công ty mẹ Giang Nam Petrol, vậy Chi nhánh Công ty TNHH Xăng dầu Giang Nam tại Hà Tĩnh hiện hoạt động ra sao? Rất khó để củng cố đầy đủ các cứ liệu để phân tích một cách chi tiết nhất, tuy nhiên pháp nhân phụ thuộc này cũng "nổi tiếng" không thua kém gì công ty mẹ nhưng ở góc độ khác.

... nhưng chi nhánh luôn đứng nhóm đầu nợ thuế

Trái ngược với hình ảnh được xây dựng khá lung linh của doanh nghiệp mẹ, chi nhánh tại Hà Tĩnh của Giang Nam Petrol lại đặc biệt "nổi trội" trong các bản tin do Cục Thuế tỉnh Hà Tĩnh công bố trong hơn 2 năm trở lại đây khi liên tiếp được nêu tên trong danh sách nợ thuế và các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước tại địa phương này.

Dự án "Xây dựng trụ sở làm việc kết hợp cửa hàng kinh doanh xăng dầu Giang Nam" tại xã Thạch Trung, TP. Hà Tĩnh có diện tích sử dụng đất khoảng 9.109m2.


Lần đầu tiên tên tuổi chi nhánh của Giang Nam Petrol xuất hiện trên "bảng vàng" nợ thuế tại Hà Tĩnh là kỳ thuế tháng 1/2022 với số tiền nợ ban đầu 15,795 tỷ đồng; tháng 2 nợ 17,927 tỷ đồng; tháng 3 nợ 27,508 tỷ đồng; tháng 5 nhảy vọt nợ lên 75,150 tỷ đồng; tháng 6 nợ 75,803 tỷ đồng; tháng 7 nợ 76,477 tỷ đồng; tháng 8 nợ 74,650 tỷ đồng... (chưa áp dụng các biện pháp cưỡng chế).

Đáng chú ý, kể từ kỳ thuế tháng 10/2022 thì bắt đầu xuất hiện thông tin Cục Thuế tỉnh Hà Tĩnh áp dụng biện pháp cưỡng chế "Trích tiền từ tài khoản, phong tỏa tài khoản của người nộp thuế bị cưỡng chế thi hành Quyết định hành chính về quản lý thuế" nhằm thu hồi số tiền 75,932 tỷ đồng. Đến tháng 11 nợ 76,209 tỷ đồng.

Năm 2023 cũng không mấy khả quan khi tháng 1 nợ 71,854 tỷ đồng; tháng 3 nợ 69,874 tỷ đồng; tháng 4 nợ 78,611 tỷ đồng; tháng 5 nợ 68,613 tỷ đồng; tháng 6 nợ 58,625 tỷ đồng; tháng 7 nợ 57,183 tỷ đồng; tháng 8 nợ 57,357 tỷ đồng; tháng 9 nợ 48,737 tỷ đồng; tháng 10 nợ 56,113 tỷ đồng; tháng 11 nợ 59,782 tỷ đồng; tháng 12 nợ 63,649 tỷ đồng.

Bước sang năm 2024 ghi nhận tháng 1 nợ thuế 45,999 tỷ đồng; tháng 2 nợ 48,538 tỷ đồng; và theo danh sách Cục Thuế tỉnh Hà Tĩnh công bố vào ngày 17/4/2024 cho thấy, chi nhánh của Giang Nam Petrol đang có số tiền thuế nợ kỳ thuế tháng 3 lên đến hơn 54,195 tỷ đồng.

Có thể thấy, tính từ tháng 10/2022 đến nay, chi nhánh Giang Nam Petrol tại Hà Tĩnh liên tiếp bị Cục Thuế tỉnh Hà Tĩnh nêu tên trong danh sách nợ thuế với số tiền hàng chục tỷ đồng và bị áp dụng biện pháp cưỡng chế "Trích tiền từ tài khoản, phong tỏa tài khoản của người nộp thuế bị cưỡng chế thi hành Quyết định hành chính về quản lý thuế".

Giang Nam Petrol của doanh nhân Nguyễn Trọng Ngọc chính thức trở thành chủ nhân của 4 dự án cửa hàng kinh doanh xăng dầu sau khi mua đứt Công ty TNHH MTV Hữu Quyền tại tỉnh Hà Tĩnh.


Việc Giang Nam Petrol nổi lên như một hiện tượng khi được chấp thuận và xin chủ trương loạt dự án với quỹ đất lớn ở Hà Tĩnh nhưng chi nhánh của doanh nghiệp này lại liên tiếp nằm nhóm đầu nợ thuế khiến dư luận tại địa phương băn khoăn đặt dấu hỏi liệu "sức mạnh" tài chính của họ có thực sự ổn định và nguồn vốn đầu tư đến từ đâu. Liên quan đến vấn đề này, Reatimes sẽ tiếp tục củng cố các cứ liệu và thông tin ở các bài viết tiếp theo./.

Công ty TNHH Xăng dầu Giang Nam thành lập ngày 29/5/2019, đăng ký địa chỉ trụ sở tại TP. Hải Phòng. Doanh nghiệp này có tiền thân là công ty con của Công ty Cổ phần Tư vấn Đầu tư Xây dựng Vận tải Giang Nam.

Chỉ sau khoảng 9 tháng nắm quyền kể từ ngày 6/4/2020, doanh nhân Nguyễn Trọng Ngọc (SN 1970) đã nhanh chóng đưa Giang Nam Petrol trở thành Thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu khi được Bộ Công Thương cấp phép trở thành Thương nhân kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu (Giấy phép số 48/GPKD-BCT ngày 05/01/2021).

Hiện nay, Giang Nam Petrol có vốn điều lệ là 268 tỷ đồng. Đăng ký 162 ngành nghề kinh doanh khác nhau, như: Tư vấn, môi giới, đấu giá bất động sản, đấu giá quyền sử dụng đất; xây dựng nhà để ở; vận tải hàng hoá bằng đường bộ; vận tải hàng hoá ven biển và viễn dương... Trong đó "Bán buôn nhiên liệu rắn, lỏng, khí và các sản phẩm liên quan" được chọn làm ngành kinh doanh chính.

Tác giả: Phương Nam

Nguồn tin: reatimes.vn

BÀI MỚI ĐĂNG