Dáng hình cơn sốt
Cơn sốt này mang nhiều dáng hình của những cơn sốt điển hình một thời như sưa, nhím, dế… Mặt hàng được bán cho thu siêu lãi chủ yếu nhờ bán giống với giá đắt chứ không hẳn do giá trị thương phẩm thực sự. Huyện Hải Hậu (Nam Định) là cái nôi của đinh lăng nên tâm sốt cũng nổi lên ở đấy trong khoảng dăm ba năm gần đây.
Ngoài đồng, những bờ bao ở vùng chuyển đổi lúa sang thủy sản trước được tận dụng trồng chuối, trồng sanh nay đã dần thay thế bằng đinh lăng.
Trong làng, nhà có dăm bảy thước vườn hay thậm chí một lối đi đinh lăng cũng xen kín hai bên. Theo thống kê nhanh của huyện, chỉ riêng diện tích trồng tập trung từ 360 m2 trở lên đã khoảng 137 ha, nếu tính cả diện tích nhỏ lẻ có lẽ phải lên đến 200-300 ha.
Đại gia đinh lăng Bùi Văn Sớm. |
Ông Vũ Văn Triển, Trưởng phòng NN-PTNT Hải Hậu cho biết, quy hoạch vùng dược liệu của địa phương đến năm 2020 là 647 ha nhưng hiện tại đã đạt 647 ha. Do đó, thời gian tới, diện tích không tăng mà chỉ tăng tỷ lệ đạt tiêu chuẩn GACP của WHO (Hải Hậu và Nghĩa Hưng còn là một trong hai huyện của Nam Định được chọn làm nơi thực hiện dự án “Phát triển dược liệu đinh lăng theo hướng dẫn trồng trọt và thu hái cây thuốc theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới GACP – WHO”).
Hiện chỉ riêng ở Hải Hậu đã có 25 cơ sở thu mua và sơ chế đinh lăng, doanh thu từ cây đinh lăng năm 2014 đem lại 167 tỷ đồng. Định hướng của những địa phương này là sẽ xây dựng chỉ dẫn địa lý cho đinh lăng.
Nương theo con sốt ấy, nhiều nông dân Bắc, Trung, Nam đã đổ về Nam Định tranh giành nhau mua giống, trồng lan tràn bất biết đến chất đất, tiểu vùng khí hậu của mình có hợp hay không, có được bao tiêu đầu ra hay không.
Sóng lớn bắt đầu
Ông Bùi Văn Sớm, một ba toa chuyên mổ bò, giết lợn ở Hải Quang (Hải Hậu) đã sớm nhận biết được thị trường đầy tiềm năng khi bắt đầu làm chủ đại lý thu mua đinh lăng cho một công ty dược liệu vào năm 2002.
Thời điểm đó, củ đinh lăng chỉ có giá 4.500 đồng/kg. Để có đủ lượng hàng ông Sớm phải móc ngoặc với hàng trăm đồng nát trong vùng để ngày đêm săn kiếm. Như một đàn ong thợ, mỗi người một ngày săn được 5-10 kg củ tươi.
Gốc này cũng phải dăm ba triệu mới bán. |
Dần dà không chỉ thu mua tươi ông Sớm còn học được kỹ thuật sấy và mở xưởng chế biến. Mỗi ngày trung bình ông gom 1,2 tấn củ, thuê 20-30 lao động rửa, nhặt phân loại gốc ra gốc, rễ ra rễ rồi băm.
Con dao nặng cả cân nhiều khi vẫn trượt đi như không khi vấp phải những gốc đinh lăng lão làng, rắn đanh như thép. Nhiều người làm thuê mất một phần ngón tay hay phải tháo cả đốt tay cũng vì những tai nạn như thế.
Thấy nguy hiểm và hiệu suất lao động không cao, ông Sớm đã sáng tạo ra cái máy băm đinh lăng rồi nhân rộng cho cả vùng sử dụng. Một máy hai người đứng thái mỗi ngày được 2 tấn củ tương đương 40-50 người thái thủ công.
Trong khi chế biến lấy củ, những thân đinh lăng bị vứt bỏ. Một chủ đầm tên là Đạo ở huyện Nghĩa Hưng thấy vậy liền mua rẻ mang về trồng. Giờ vườn đinh lăng rộng vài héc ta của ông đã vào tuổi thứ mười, trị giá đến vài tỷ nhưng không xuất bán cho các công ty dược mà chỉ bán lẻ cho các đại gia dùng.
Mỗi gốc đều tiền triệu. Chỉ cây nào đào cây ấy. “Sóng lớn” đối với cây đinh lăng phải kể đến cột mốc năm 2010 khi thương nhân Trung Quốc vươn tay sang tận miền duyên hải này để thu mua. Công ty trả giá 20.000 đồng/kg củ nhưng lái ngoại trả giá gấp rưỡi mà tiêu chuẩn thì vô cùng đơn giản. Cứ cây nhổ lên rũ sạch đất là cân bán, bất biết độ tuổi bao nhiêu chỉ yêu cầu chiều cao 1,2 m trở lên.
Từng đoàn xe tải siêu trường, siêu trọng vần vò khắp những hang cùng ngõ hẻm ở Hải Hậu để tận thu. Chúng quét qua từng ngõ, từng nhà tưởng chừng làm tuyệt chủng cả đinh lăng. Lúc đầu còn mua cao 1,2 m trở lên về sau cao 1 m cũng chấp nhận. Đánh cấp tập như thế trong vòng ba năm đội ngũ này bỗng dưng một ngày biến mất tựa như chui khe nẻ dưới đất.
Thế nhưng không vì thế mà giá đinh lăng hạ nhiệt. Sốt đầu tiên là sốt giống. Với đầu óc nhạy bén kinh doanh, ông Sớm là người tiên phong trồng đinh lăng trên đất Hải Quang với diện tích 8 sào. Năm đầu tiên ông bán giống được 90 triệu, năm nay dự tính bán được 200 triệu. Cành để nguyên lá cứ bó lại là có xe đến kìn kìn chở đi với giá 50.000-60.000 đồng/kg mà không đủ để bán trong khi củ đinh lăng hiện các công ty dược thu mua vào cũng chỉ 30.000đồng/kg. Đối tượng thu mua chủ yếu là ở tỉnh ngoài.
Theo đánh giá của Viện Dược liệu, đinh lăng trồng ở những vùng ven biển Nam Định, Thái Bình cho hoạt chất cao nhất bởi tầng canh tác sâu, giàu dinh dưỡng, có khí hậu phù hợp.
Trồng ở miền núi tầng canh tác thấp, củ sẽ nhỏ, trồng trong Nam củ phát triển to nhưng tích lũy chất kém. Trong các loại đinh lăng, đinh lăng nếp lá nhỏ cho hàm lượng chất cao nhất.
Đinh lăng chẳng có sâu cũng không thấy nhiễm bệnh nhưng kị nhất là chuột. Chẳng hiểu tại sao lũ gặm nhấm lại thích củ đinh lăng đến vậy và chỉ thích củ già.
Cây đinh lăng đang xanh tốt bời bời bỗng lá héo là cầm thân nhấc lên y như rằng rễ củ bên dưới đã bị chuột tiện hết. Từ hồi trồng 8 sào đinh lăng ông Sớm đã bẫy được 150 con chuột cả thảy.
Thú chơi của đại gia
Cơn sốt thứ hai là củ đinh lăng già. Củ đinh lăng độ tuổi 20-40 năm trở lên đắt chẳng kém nhân sâm Triều Tiên. 1kg tươi có giá không dưới 1,5-2 triệu đồng mà xỉa tiền ra đặt cọc cũng phải chờ đợi, phải đợi vì đã thành của hiếm.
Ông Sớm từng được một người quen ở xã Hải Ninh mách cho hai gốc đinh lăng lưu niên như vậy. Mỗi gốc đánh lên có hình dáng to cao như một thiếu nữ với cân nặng đúng 32 kg, cồng kềnh đến nỗi bỏ chật cả cốp cái ô tô bảy chỗ.
Hai gốc đinh lăng già ấy được biếu cho một người ở ngành thuế để ngự trong chiếc bể cá Hàn Quốc với 500 lít rượu gạo nguyên chất, với 60 con tắc kè to bự tranh nhau “bò” xung quanh. Tinh chất đinh lăng, tắc kè phôi ra cứ gọi là đặc sánh. “Nhấp một chén rượu đinh lăng ấy thì chấm hết cuộc đời luôn cũng được”, ông Sớm bảo với tôi như vậy.
Những bể, những hũ rượu đinh lăng già. |
Thế mà hai củ đinh lăng ấy vẫn còn thua củ của Vũ Văn Thơ – một thợ buôn khác ở Hải Quang với trọng lượng kỷ lục nặng tới 35 kg. Giờ giá trị một củ như vậy phải 50-70 triệu đồng nhưng có khi một đời người cũng không còn có cơ hội thấy lại được nữa. Sang trọng nhất bây giờ cũng chỉ là những củ đinh lăng trên dưới 10 năm, nặng chừng 6-7 kg và không phải cứ có tiền là mua được.
Đinh lăng được các công ty dược thu mua để chế biến hoạt huyết dưỡng não nên số lượng cũng hạn chế. Trước cơn sốt này, người tỉnh táo đặt câu hỏi liệu trồng nhiều, trồng vượt quy hoạch khi không công ty nào còn mua nữa chẳng nhẽ nông dân lại nhai cả đống đinh lăng to như đống rơm trong góc vườn để chống lại cơn stress?
Không phải nơi nào trồng cũng dễ ăn
Ông Sớm cảnh báo nhiều nơi có thể trồng được đinh lăng nhưng không dễ để có củ to, dày cùi, “béo lẳn như con sâm” giống ở Nam Định, Thái Bình.
Bằng chứng là trong xóm ông có anh Vũ Văn Thơ mua 10 ha đất ở Lạc Thủy (Hòa Bình) trồng đinh lăng nhưng sau 3 năm đành phải phá bỏ để chuyển sang hương nhu, hoài sơn vì đất cằn, nước thiếu.
Ngoài dinh dưỡng ra, khi trồng đinh lăng ở miền núi rất dễ dính sương muối, giá rét. Mùa đông, đinh lăng trong vườn nhà ông Sớm còn chết xuống tận mặt đất tựa như một vườn củi huống hồ trồng trên vùng cao.
Theo danviet.vn