Chăm sóc sức khỏe

Chuyện về cậu bé 10 tuổi nhận nửa lá gan từ mẹ

“10 ca ghép gan trước, các bệnh nhi còn rất bé và chưa hiểu chuyện nhiều. Ca ghép gan thứ 11 này, thực sự đặc biệt với chúng tôi, bé đã 10 tuổi và đã biết suy tư. Trước ca mổ, dù bác sĩ đã chuẩn bị rất kỹ và nắm chắc tỷ lệ thành công cao, nhưng không hiểu sao vẫn lặng người, bật khóc khi bé đặt câu hỏi – Bác sĩ ơi, nếu ca ghép của con không thành công, nếu gan của mẹ không dính vô người con thì sẽ ra sao?”. Bác sĩ Nguyễn Minh Ngọc, Khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM, bác sĩ trực tiếp tham gia ca ghép gan xúc động kể lại.

Ca ghép gan “bão tố”

Sau hơn 3 tuần thực hiện ca ghép gan, bé trai Dương Gia Khiêm (10 tuổi, ở Bạc Liêu) và mẹ vẫn được các bác sĩ theo dõi sát sao tại phòng Hồi sức của Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM. Trong căn phòng cách ly vì vô trùng, qua tấm cửa kính, thấy các bác sĩ ghép gan cho mình, Khiêm nhoẻn miệng cười khoe hàm răng sún, hồn nhiên nhưng đầy tin tưởng. BS Nguyễn Thu Thủy, Khoa Tiêu hóa Bệnh viện Nhi đồng 2 – người trực tiếp theo dõi sức khỏe bệnh nhi từ lúc nhập viện cho biết, bé đã phục hồi sức khỏe. Hiện tại, bé ăn uống ngon miệng, không bị vàng da, các chỉ số xét nghiệm rất tốt. Chị Thủy Tiên (10 tuổi) – mẹ bé, người hiến nửa lá gan cho con trai sức khỏe cũng khá tốt nhưng phải nghỉ dưỡng suốt 3 tháng để lá gan được phục hồi và “mọc” thêm.

Khiêm là bệnh nhi thứ 11 được ghép gan tại Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM. Ca mổ ghép gan cho bé Dương Gia Khiêm đã được tiến hành vào ngày 28.3 vừa qua. Theo GS.BS Trần Đông A – Nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện, cố vấn chuyên môn thì đây là một ca mổ đặc biệt hơn so với các ca ghép gan khác cho bệnh nhi. Bình thường, bệnh nhi ghép gan thường nhỏ hơn 2,5 tuổi. Người cho gan cũng chỉ cần cho một phần nhỏ của lá gan để ghép vào cơ thể bệnh nhi. Thế nhưng, do bé Khiêm đã 10 tuổi nên người mẹ phải hiến nửa lá gan. Mẹ sẽ phục hồi lâu hơn những người cho gan khác.

Bé Khiêm bị teo đường mật bẩm sinh và đã được phẫu thuật kasai để cải thiện tình trạng ứ tắc mật từ khi 2,5 tháng tuổi. Do phẫu thuật khá tốt nên chức năng gan của bé không bị suy giảm nhanh. Tuy nhiên, mới đây, do biến chứng tăng áp lực tĩnh mạch cửa khiến gan và lá lách của bệnh nhi ngày một to ra. Bé đã phải cấp cứu vì có tình trạng xuất huyết. Theo các bác sĩ, nếu không được ghép gan sớm, bé có thể tử vong.

Đây cũng là ca ghép nhiều “bão tố” đối với ê-kíp các bác sĩ. GS Đông A chia sẻ, trong quá trình ghép, các bác sĩ cũng phải đối mặt với nhiều thách thức bởi cấu trúc gan của người mẹ đặc biệt hơn bình thường. Bác sĩ phải thăm dò và bóc tách khá kĩ càng và cẩn trọng. Em bé nhận gan bị tăng áp lực tĩnh mạch cửa khiến lá lách tăng thể tích và tiểu cầu giảm, ảnh hưởng đến tình trạng đông máu. Các bác sĩ đã hội chẩn với 2 Giáo sư người Bỉ và tiến hành cột động mạch lá lách của em bé nhằm làm giảm lượng máu đi tới lá lách giúp lá lách giảm thể tích và giảm lượng máu truyền từ lách qua gan.

Ca mổ được sự theo dõi sát của các bác sĩ hồi sức và bác sĩ gây mê. Các phẫu thuật viên cũng vô cùng hồi hộp theo dõi các chỉ số của bệnh nhi. Sau ca ghép thành công, sức khỏe bé khá tốt, nhưng đến ngày thứ 6, bé lại gặp biến chứng tràn dịch. Các bác sĩ phải điều chỉnh chế độ ăn đặc biệt cho bệnh nhi và may mắn cơ thể bé thích nghi tốt.

Các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 2 trong ca phẫu thuật ghép gan. Ảnh: K.Q

“Con có chết không bác sĩ?”

Nói về ca ghép gan cứu sống con trai, chị Thủy Tiên chia sẻ, bé Khiêm bị phát hiện bệnh từ lúc mới sinh ra. Ca phẫu thuật lúc 2,5 tháng tuổi cũng chỉ là cầm chừng. Cả nhà đã xác định sẽ ghép gan cho bé và luôn cố gắng dành dụm tiền cho ca mổ: “Ban đầu, ba Khiêm đòi hiến gan cho con. Nhưng tôi nghĩ ba bé là lao động chính nuôi sống cả nhà, còn tôi chỉ làm nội trợ thôi. Tôi cho bé thì hợp lý hơn”. Chị Thủy Tiên kể lại giây phút vỡ òa khi có quyết định gan chị và bé Khiêm phù hợp: “Cả nhà vui lắm. Tôi thì cứ nghĩ rằng đó là dấu hiệu tốt cho một hành trình cứu con. Bởi rất nhiều gia đình muốn ghép gan cho con mà không được. Lý do cũng chỉ vì gan người cho và người nhận không phù hợp”. Đến khi có thông báo nhập viện, gia đình chị Thủy Tiên vẫn chỉ mới có số tiền nhỏ, quá ít so với chi phí ghép có thể lên tới hàng tỷ đồng. Gia đình chị vẫn quyết cho con lên TPHCM nhập viện chờ ngày ghép gan. Nhờ sự giúp đỡ của một số mạnh thường quân tốt bụng, gia đình được hỗ trợ thêm tiền đóng tạm ứng cho bé.

“Lúc nghe bác sĩ bệnh viện tư vấn về những vấn đề trong ca ghép, gia đình tin tưởng bác sĩ tuyệt đối và mong rằng con sẽ thành công. Nhưng lúc về nhà nghe hàng xóm bàn ra tán vào cũng thấy hơi sợ sợ. Tuy vậy, vợ chồng tôi vẫn quyết định ghép cho bé. Bởi hiện tại, nếu không ghép, bé cũng khó lòng vượt qua” - chị Thủy Tiên bộc bạch.

Khi thấy sức khỏe con hồi phục từng ngày sau ca ghép, chị không giấu được nét sung sướng, hạnh phúc: “Bé Khiêm biết mình bị xơ gan từ khi còn nhỏ. Ai hỏi, bé cũng nói, con bị xơ gan”. Trước ca mổ, bé hỏi mẹ: “Nếu ca mổ không thành công thì sao hả mẹ?. Mặc dù hơi chột dạ vì con nói đúng những điều chị đang sợ hãi, nhưng chị vẫn cố nói cứng, ai ủi con: “Con yên tâm, bác sĩ chọn ghép cho con thì sẽ thành công thôi. 10 em bé được ghép trước con đã thành công thì chắc chắn ca thứ 11 của con cũng sẽ thành công thôi”. Bé Khiêm ngoan ngoãn: “Dạ”. Dù thế, chị Tiên vẫn không khỏi suy nghĩ về câu hỏi của con, nhưng chỉ biết cầu nguyện cho ca mổ thành công, để thay đổi cuộc đời bé.

Không chỉ mẹ, với độ tuổi lên 10 và tính cách khá lý lắc, bé Khiêm còn đặt ra những câu hỏi khiến bác sĩ Nguyễn Minh Ngọc phải lặng người: “Bác sĩ ơi, nếu ca ghép của con không thành công, nếu gan của mẹ không dính vô người con thì sẽ ra sao? Con có chết không bác sĩ?”. Kể lại chuyện này, bác sĩ Minh Ngọc vẫn nghẹn ngào: “Mặc dù đã nắm chắc tỷ lệ thành công của ca mổ, nhưng câu hỏi của bé vẫn khiến tôi rợn người. Có lẽ vì trước đó, bé kể cho tôi nghe khá nhiều chuyện”.

Theo bác sĩ Minh Ngọc, bé Khiêm là bệnh nhi lớn tuổi nhất và nhà xa TPHCM nhất. Với tất cả các ca ghép tạng, bệnh nhi phải sống ở TPHCM để tiện cho việc tái khám thường xuyên sau ghép, nhất là 2 năm đầu. Đặc biệt, môi trường sống phải sạch sẽ và gần như vô trùng từ tường nhà, khe cửa, nhà vệ sinh, bàn ghế… những nơi bé tiếp xúc luôn phải sạch sẽ và được khử trùng hằng ngày bằng một dung dịch sát trùng riêng. Bé Khiêm được một người bà con ở TPHCM hứa cưu mang chăm sóc sau ca ghép. Các bác sĩ của Bệnh viện Nhi đồng 2 đã tới tận căn nhà tại TPHCM – nơi bé Khiêm sẽ sống 2 năm sau để kiểm tra độ sạch sẽ trước ca ghép: “Sau khi kiểm tra ngôi nhà, thấy ổn, các bác sĩ thông báo để gia đình đưa cháu từ Bạc Liêu lên TPHCM nhập viện. Bé Khiêm biết mình sẽ phải rời xa bạn bè, thầy cô ở trường 2 năm nên trước hôm nhập viện, bé được mẹ đưa tới trường để tạm biệt cô giáo và các bạn. Cả cô và trò đều khóc, Khiêm nói rằng hai năm nữa sẽ trở về và đi học, sẽ gặp lại cô và các bạn”. Đó có lẽ là câu chuyện từ Khiêm khiến các bác sĩ xúc động mạnh: “Ca ghép thành công, hi vọng các bạn và cô giáo của Khiêm xem ti vi sẽ thấy được hình ảnh khỏe mạnh của Khiêm và yên tâm hơn” - bác sĩ Minh Ngọc chia sẻ.

Theo GS Trần Đông A, hiện nay, vẫn có rất ít trẻ được ghép tạng, đặc biệt là gan, bởi quá thiếu nguồn tạng hiến. Đa số nguồn tạng hiến từ người cho sống và là những người có chung huyết thống nhưng số trẻ được ghép gan không nhiều do nhóm máu không phù hợp, gan không tốt, không đủ điều kiện cho. “Nếu như Nhà nước mình sửa đổi luật, cho phép sử dụng nguồn tạng trẻ em dưới 18 tuổi chết não thì số lượng trẻ được ghép gan sẽ nhiều hơn” - GS Trần Đông A mong mỏi.

Theo BS Nguyễn Minh Ngọc, hiện tại, bệnh viện đang theo dõi 200 em bé bị teo đường mật bẩm sinh và đã phẫu thuật kasai. Tuy nhiên, không phải 200 em bé này đều có chỉ định ghép gan. Bệnh nhi có chỉ định ghép gan phụ thuộc nhiều yếu tố, đặc biệt là phải có người cho gan phù hợp, người có cùng phả hệ 3 đời. Nhiều bé có người đồng ý cho gan nhưng xét nghiệm không phù hợp. Theo kế hoạch của Bệnh viện Nhi đồng 2, sắp tới sẽ ghép cho 3 bệnh nhi có chỉ định.

Tác giả: Khương Quỳnh

Nguồn: Báo Lao động

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP