“Không cần báo chí”
Đấy là câu nói của một cán bộ mang trang phục màu xanh nước biển thuộc đội thanh tra giao thông Hà Tĩnh gác ở trạm cân Hồng Lĩnh (thị xã Hồng Lĩnh – Hà Tĩnh) khi tôi xuất hiện.
Trong buổi chiều tình cờ đi công tác ngang qua, thấy trạm cân như quá tải, tôi ghé vào nhằm mục đích tìm hiểu hoạt động của những ngày đầu ra quân cân xe. Trong lúc trạm cân trống huơ trống hoác, chỉ có công an, thanh tra giao thông đứng nhìn nhau thì ngược lại phía ngoài quốc lộ 1A, hàng trăm chiếc xe tải nối đuôi nhau đậu san sát dài hàng cây số chỉ cách trạm cân chừng 50 m, gây ùn tắc giao thông suốt cả ngày.
Tôi trực tiếp hỏi mấy cán bộ thanh tra giao thông đang ngồi trên chiếc xe Ford được trang bị đầy đủ máy móc, thiết bị xem những ngày đầu ra quân các đồng chí kiểm tra được mấy xe quá tải? Câu hỏi của tôi không hề được một ai trả lời, buộc tôi phải hỏi đi hỏi lại mấy lần, họ chỉ tay ra phía một cảnh sát giao thông đứng gác và bảo: Anh cứ ra đấy mà hỏi! Khi tiếp xúc với người cảnh sát này, anh ta lại chỉ tay vào trong các anh thanh tra giao thông, bảo vào đó mà hỏi, bởi họ phụ trách chính chứ cảnh sát giao thông chỉ phục vụ thôi. Với kiểu đùn đẩy, né tránh như thế, tôi… hết đường tìm hiểu!
Trắng đêm nơi trạm cân
Càng về đêm số lượng xe tải dồn về càng đông. Xe nối đuôi nhau kéo dài hàng cây số. Đồng nghiệp cùng đi đếm ở phía nam trạm cân được khoảng gần 400 chiếc, chưa kể xe đỗ chen chúc nhau nơi các cây xăng hai bên đường. Những chiếc xe tải chở đầy ắp các loại sản phẩm nông nghiệp: dưa hấu, xoài, hàng đông lạnh tươi sống…
Càng về khuya cánh tài xế càng xót ruột như ngồi trên đống lửa vì sợ hàng bị nhốt nhiều ngày trên xe sẽ hỏng. Tôi tìm đến chiếc xe 78K-3373, chở 10 tấn dưa hấu, tài xế Hai Tư, nhọc nhằn tâm sự: Đến nay đã 7 ngày rồi nhà báo ạ.
Chở từng ấy dưa hấu từ Nam ra phải qua mấy trạm đã mệt nay ra đây phải nằm lại suốt cả ngày nên nguy cơ toàn bộ dưa hấu trên xe sẽ bị thối nẫu, không biết lấy tiền đâu mà bù lỗ đây! Cùng chung tâm trạng với tài xế Tư, các tài xế xe 78K-32…, 92C-01177 chạy từ Cà Mau ra trên xe chở hàng đông lạnh tươi sống, cho biết, xe quy định chở 3,5 tấn nhưng do đường xa ngái, chi đủ loại phí “không tên” nên buộc chúng tôi phải chở lên một gấp hai, ba mới bù đắp nổi cước phí vận chuyển (tức 8-9 tấn).
Với tình cảnh này, nay là ngày thứ 6 rồi, có ra tới cửa khẩu Móng Cái còn phải mất mấy ngày nữa, hàng hóa bốc mùi chẳng ai nhập cho. Tôi hỏi trị giá chuyến hàng này là bao nhiêu? Anh lái xe lo lắng trả lời, gần 1,7 tỷ đồng. Quả thật, đến gần các chiếc xe đông lạnh, nước chảy lênh láng giữa đường, bốc mùi hôi rất khó chịu. Tôi đánh liều nói với bác tài, ông cứ ngồi lên, đưa chìa khóa tôi lái qua trạm cân xem, bởi xe của ông là loại xe nhỏ chỉ quá tải chút ít chứ có siêu trường siêu trọng phá đường chi mà sợ.
Anh lái xe ngần ngừ một lúc, đành liều để tôi cầm lái bởi không đi hàng cũng hỏng vứt đi. Khi tới gần trạm cân, tôi nháy đèn pha như phát tín hiệu xin đường, mấy đèn pin cứ quét đi quét lại trước kính chắn nhưng không ra tín hiệu dừng xe. Thế là một chuyến qua trạm cân an toàn. Phía sau những chiếc xe có tải trọng nhẹ cũng “ăn” theo.
Trở lại trạm cân thấy từng nhóm tài xế túm tụm nhau bàn tán chuyện gì đó. Nhóm thì tranh thủ quấn quýt bên mấy anh cảnh sát giao thông, nhóm lại bấu víu hai bên thành xe của đội thanh tra giao thông, còn nhóm nữa lại tụ tập bàn tán tìm cách gỡ thế bí… tất cả tạo thành một mớ hỗn độn giữa những ánh đèn pin lập lòe sáng, tối.
Lời than thở
Tiến tới nhóm tài xế đứng bên đường đang trong tình thế nước sôi lửa bỏng, tôi hỏi: Sao không làm luật mà đi? Một tài xế trạc tuổi 60 nói giọng miền Nam ồm ồm câu được câu mất, đại ý xong chuyến này sẽ bỏ nghề. Ông nói tiếp, thành lập trạm cân quá tải biết là một chủ trương nhưng phải có lộ trình, cần thực hiện đúng quy chuẩn chung của từng loại xe, không nên đổ lỗi cho đường bị hỏng do xe chở quá tải, đây mới chỉ một phần mà phải cần xem lại chất lượng đường giao thông nữa.
Một tài xế khác nói: Nhà báo biết đó, thời điểm này nông dân Nam bộ chúng tôi đang giữa mùa thu hoạch các loại trái cây, chủ yếu vận chuyển xuất khẩu sang Trung Quốc tiêu thụ. So với những năm trước, nông dân còn có thu nhập nhưng năm nay do trạm cân quá tải dựng lên đúng vào mùa thu hoạch chẳng khác gì núi chắn ngang đường, hàng hóa ứ đọng lại không tiêu thụ được.
Nông dân sản xuất ra sản phẩm ế ẩm chẳng biết bán cho ai, vả lại giá vận chuyển đội lên gấp 3-4 lần so với trước đây nên nông dân vô cùng cực khổ. Một lái xe khác cũng lên tiếng: Không chỉ hàng hóa của nông dân sản xuất ra mà chúng tôi là những tài xế chuyên chở các loại như phân bón, giống lúa… lên phục vụ cho đồng bào miền núi đều phải “stop” bởi giá cả đội lên, nông dân không đủ tiền mua, nguy cơ khốn cùng hiện rõ trước mắt.
Màn đêm chìm xuống, ở trạm cân Hồng Lĩnh hàng trăm tài xế vẫn “dặt dẹo” hai bên vệ đường, mùi hôi thối của những xe dưa hấu bị thối rữa, mùi tanh nồng của những chuyến xe đông lạnh, đến cả hộp cơm, bịch nước trong mấy ngày sinh hoạt của lái xe đều được vứt bừa phứa bên vệ quốc lộ.
Không khí ở trạm cân thật ngột ngạt, xen những tiếng chửi thề của cánh lái xe đường dài là ngao ngán những tiếng thở dài…