TP. Vinh đang vươn mình trở thành trung tâm Bắc Trung bộ. Ảnh: Thành Cường |
Quan điểm cá nhân tôi là cần xây dựng TP. Vinh trước hết đạt đến đầu mối giao thông vùng Bắc Trung bộ và quốc tế. Đây là vấn đề quan trọng để thúc đẩy liên kết vùng, bởi Vinh kết nối với TX. Cửa Lò trong tương lai trở thành đô thị biển. Trên cơ sở đó, cần nâng cấp hoàn thiện Quốc lộ 1A và cao tốc Bắc – Nam, hoàn thiện trục giao thông ven biển kết nối với cầu Cửa Hội qua Hà Tĩnh. Đầu mối giao thông tuyến QL Bắc – Nam kết nối đường QL Đông Tây, đường Hồ Chí Minh, đường lên cửa khẩu Thanh Thủy liên kết với Lào – Thái Lan – Myanmar các nước ASEAN.
Hệ thống giao thông đối ngoại này liên kết với hệ thống giao thông đối ngoại thành phố Vinh và với cảng biển Cửa Lò, Cảng Hàng không quốc tế Vinh và ga Vinh. Về đường sắt: Nâng cấp toàn tuyến trong đó đường sắt hiện có, và trong tương lai có tuyến đường sắt cao tốc xuyên quốc gia. Ga Vinh là nhà ga quan trọng, xây dựng ga Vinh trở thành 1 trong 5 ga quan trọng hiện đại của Việt Nam (Hà Nội – Vinh – Đà Nẵng- Nha Trang – Sài Gòn).
Về đường thủy: Đô thị Vinh – Cửa Lò – Cửa Hội – Sông Lam kết nối với hệ thống giao thông đường thủy và quy hoạch, xây dựng cảng biển quốc tế Cửa Lò (cảng đầu mối quốc gia loại I) đạt đến 10- 12 triệu tấn/năm (là cảng xuất nhập khẩu, cảng chuyên dụng container có nhiệm vụ quốc tế với Lào – Thái Lan…).
Về đường hàng không: Hiện tại sân bay Vinh là sân bay cấp 4C có chiều dài đường băng 2.400m, rộng 45m. Là ga hàng không dân dụng kết hợp quân sự. Ga hàng không Vinh đạt công suất 2,5 triệu hành khách/năm và có chuyến bay quốc tế đi Lào, Băng Cốc (Thái Lan). Mục tiêu nâng cấp sân bay đến năm 2020 đạt cấp 4E cho khoảng 3 triệu hành khách/năm và phục vụ trong nước, các nước Đông Nam Á và Đông Bắc Á.
Về xây dựng trung tâm về tài chính thương mại, cần phải có quy hoạch phân khu rõ ràng, kết hợp cuộc sống đương đại và văn hóa truyền thống xứ Nghệ. Ý tưởng ban đầu của cá nhân tôi là tại Vinh, cần quy hoạch sắp xếp lại trục đường Quang Trung và Trần Phú mà trung tâm là chợ Vinh thành những tổ hợp thương mại lớn dạng Vincom của Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh; xây dựng các ngân hàng có quy mô hiện đại tạo thành phố tài chính – ngân hàng- thương mại (sẽ trở nên một trung tâm đặc sắc và hấp dẫn). Cùng đó, theo quy hoạch đô thị, các khu vực dân cư trong thành phố đều có các trung tâm thương mại, ngân hàng phục vụ các cụm dân cư và có các chợ đầu mối và các trung tâm phục vụ các cửa ô thành phố.
Bình minh thành phố Vinh. |
Về du lịch, Vinh phải kết nối tốt những điểm đến, khai thác tiềm năng dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng, ẩm thực… Du lịch của thành phố Vinh còn có thể kết nối với các hoạt động khác khi Vinh thành trung tâm khoa học – công nghệ, trung tâm công nghệ thông tin vùng, công nghiệp công nghệ cao, trung tâm y tế vùng, trung tâm văn hóa, giáo dục, trung tâm thể thao vùng Bắc Trung bộ.
Việc xây dựng Vinh thành trung tâm vùng Bắc Trung bộ là nhiệm vụ quan trọng và đầy thử thách. Quá trình thực hiện phải chú trọng ở cả 2 hướng: Phát triển kinh tế, xã hội của cả tỉnh Nghệ An gắn với trung tâm thành phố Vinh. Không gian đô thị Vinh với thị xã Cửa Lò là một không gian liên tục, đây là giá trị cốt lõi cho thành phố có sự phát triển kết nối về phía Đông, khai thác toàn bộ kinh tế biển (cảng biển, du lịch, dịch vụ…) làm tăng thế mạnh và tính cạnh tranh của Vinh so với nhiều đô thị khác của Việt Nam.
Quá trình phát triển, thành phố Vinh cũng cần phải cân nhắc và đặt vấn đề cho việc khai thác sông Lam đoạn qua Vinh gắn với bờ phía Nam có làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh), quê hương Nguyễn Du – Danh nhân văn hóa thế giới. Như vậy, khi phát triển và kết nối, Vinh sẽ trở thành đô thị hiện đại, có biển, sông với bề dày lịch sử, văn hóa đặc sắc.
(*) Đầu đề do Báo Nghệ An đặt
T.N.C